- Tại tòa, trả lời thẩm vấn, cựu Tổng giám đốc ACLII thừa nhận thiết bị lặn Tinro 2 chỉ còn phần vỏ và như “một đống sắt vụn”, bán mãi không ai mua nên mới dùng chiêu thổi giá thêm 1.300 lần để đem thế chấp.  

Chiều 16/9, phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản liên quan đến thiết bị lặn Tinro 2 xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt ALCII) tiếp tục phần xét hỏi nhằm tập trung làm rõ quá trình thẩm định, nâng khống giá trị thiết bị lặn Tinro 2. 

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 16/9

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phạm Minh Tuấn thừa nhận theo chỉ đạo của Vũ Quốc Hảo, người này đã liên hệ với Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam, viết tắt Vivaco) nhờ giúp đỡ. Bị cáo Tuấn khai khi liên hệ với Lộc, bị cáo nói công ty cần thẩm định tàu Tinro 2 để Cát Long Hải thế chấp cho ngân hàng.  

Sau đó, Tuấn chỉ đạo Huệ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu kỹ thuật liên quan đến Tinro 2 và viết phiếu yêu cầu thẩm định rồi gặp trực tiếp Lê Phúc Đức – Trưởng phòng kỹ thuật Vivaco để yêu cầu thẩm định. Một thời gian sau, Tuấn nhận được thông báo Tinro 2 trị giá khoảng 80 tỉ đồng. Bị cáo có nói thực tế, thiết bị lặn có thể có giá tới 8 triệu USD. Sau đó, bị cáo Lộc đã tự định giá lại lên thành 130 tỉ đồng. 

Trước câu trả lời trên, chủ tọa mời bị cáo Lê Phúc Đức là người trực tiếp làm công tác giám định lên trả lời thẩm vấn. Chủ tọa hỏi bị cáo Đức tiến hành giám định trên cơ sở nào, bị cáo này khai từ các thông số kỹ thuật do hồ sơ cung cấp, bị cáo chỉ ghi lại. Qua hồ sơ thiết kế, hình ảnh, bị cáo nhìn bằng mắt thường thấy màu sơn vẫn còn mới, các thiết bị đầy đủ nên giám định hiện trạng là còn mới 85%. 

Tòa hỏi tiếp bị cáo Lộc về việc con số 130 tỉ dựa trên cơ sở nào, bị cáo này khai: “tháng 12/2007, anh Tuấn yêu cầu thẩm định tàu lặn trên. Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và thấy giấy tờ pháp lý của Tinro 2 chưa đầy đủ nên bị cáo nghĩ giá khoảng 80 tỉ đồng. Sau đó, anh Tuấn điện thoại nói giá thị trường con tàu này khoảng 5 đến 8 triệu USD nên bị cáo nâng lên thành 130 tỉ đồng”.  

Nghe đến đây, người dự khán không khỏi giật mình bởi quá trình thẩm định một con tàu có giá hàng trăm tỷ hoàn toàn chỉ dựa vào “cảm tính” và một cuộc điện thoại có “ý kiến” của Tuấn, thiết bị lặn một lần nữa được “thổi” thêm 50 tỉ đồng. 

Về phần mình, bị cáo Vũ Quốc Hảo thừa nhận hành vi phạm tội. Vị cựu Tổng giám đốc ALCII nói: “bị cáo thừa nhận mình đã làm sai, đã đưa đồng nghiệp và những người khác vào tù tội, bị cáo rất ân hận”.  

Tòa hỏi bị cáo Hảo về tàu lặn Tinro 2, bị cáo Hảo cho biết thực tế con tàu trên chỉ còn vỏ, như một đống sắt vụn. Tàu này rao bán mãi nhưng không có chỗ nào thu mua trong khi đó ALCII tồn tại rất nhiều nợ xấu, trách nhiệm của bị cáo buộc phải thu hồi vốn cho nhà nước nên bị cáo tìm cách để xử lý nợ. Khi tàu được nhập vào công ty Cát Long Hải không được định giá nên giá của nó là giá thực tế (100 triệu đồng) cộng với giá đã sửa chữa, không ai biết giá tàu là bao nhiêu. 

Sau khi bị cáo chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng và giải ngân cho Cát Long Hải 130 tỉ đồng, bị cáo đã sử dụng gần 79 tỉ để mua gần 80.000 m2 đất của một công ty ở Tiền Giang cũng với mục đích là xử lý nợ xấu. 

“Bị cáo và gia đình không tư lợi một xu nào từ số tiền trên”, cựu Tổng giám đốc ALCII khẳng định. 

Ngày 17/9, phiên tòa tiếp tục. 

M.Phượng