- “Đây là lần đầu tiên y văn ghi nhận tại TP.HCM một em bé ra đời thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng bị dị dạng hiếm gặp (đầu tròn). Cha mẹ của bé mong con suốt 16 năm qua.”

Thạc sĩ - bác sĩ Vương Đình Hoàng Dũng, đơn vị hỗ trợ sinh sản, BV An Sinh TP.HCM cho biết ngày 15/9, đó là một bé trai tên Nguyễn Duy Thành C., chào đời nặng 2,5 kg, con của sản phụ Nguyễn Thị H. (SN 1977) và người chồng là Nguyễn Duy C. (SN 1973).

Cha mẹ bé C. đã trải qua biết bao gian nan, mòn mỏi mong một mụn con suốt 16 năm kể từ ngày kết hôn”, bác sĩ Dũng kể.

{keywords}
Bé C. được sinh ra trong sự mong chờ suốt 16 năm của cha mẹ.

Chị H. và anh C. ở tận Bắc Ninh, qua người quen chỉ dẫn lặn lội vào TP.HCM để khám hiếm muộn, bắt đầu điều trị tại BV An Sinh từ năm 2012.

Nguyên nhân khiến anh chị không thể có thai do tinh trùng của anh C. dị dạng kiểu vô cùng hiếm gặp, một ngàn trường hợp nam giới bị hiếm muộn mới có một trường hợp bị như vậy.

“Thông thường tinh trùng bị dị dạng chỉ bất thường ở vùng đầu, ít acrosome (chất men quan trọng giúp quá trình thụ tinh thành công). Nhưng tinh trùng của anh C. hoàn toàn không có men acrosome nên thay vì có hình ô van, nó lại có hình tròn (ta hay gọi nôm na là tinh trùng đầu tròn).

Chính vì thế vợ chồng anh chị không bao giờ có con được theo cách thông thường mà chỉ có thể nhờ thụ tinh ống nghiệm. Dù thế, tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm cho ca này cũng rất thấp, bởi bản thân bác sĩ Dũng cũng lần đầu tiên mới gặp trường hợp như vậy.

Lần thụ tinh ống nghiệm thứ nhất thiếu suôn sẻ, kết quả ra phôi không tốt. Các bác sĩ lấy ra 17 trứng từ chị H. nhưng chỉ tạo được có 7 phôi, tỷ lệ thụ tinh kém. Chị H. có bầu nhưng cái thai lưu ở tuần thứ 7.

Ê kíp bác sĩ và hai vợ chồng bệnh nhân vẫn kiên trì đeo bám, quyết tâm làm tiếp lần thụ tinh ống nghiệm thứ 2.

Trong lần thụ tinh ống nghiệm này có sự đổi mới, các bác sĩ sử dụng thêm kỹ thuật hoạt hóa trứng (cho vào môi trường nuôi cấy một chất để hỗ trợ cho tinh trùng phần men còn thiếu).

Bác sĩ lấy ra được 16 trứng trưởng thành, 12 trứng thụ tinh tạo ra được 11 phôi. 4 phôi đã đưa vào tử cung bệnh nhân, 3 phôi giữ lại dự phòng, còn 4 phôi đem hủy.

Kết quả như ý, chị H. đã mang thai, sinh được một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh ở tuần thai thứ 36.

Với 3 phôi dự phòng, chị H. vẫn có thể quay lại làm thụ tinh ống nghiệm thêm lần nữa nếu muốn sinh thêm con. Phôi dự trữ sẽ được bệnh viện bảo quản trong 2 năm.

Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân gây ra dị dạng tinh trùng đầu tròn còn chưa rõ ràng và có rất nhiều giả định. Nhiều ý kiến cho rằng có thể do cơ thể nam giới bị bất thường ở gen SPATA16 và DPY1922.

Bệnh dị dạng tinh trùng đầu tròn không thể phòng ngừa, chỉ có thể sàng lọc bằng cách khám tiền hôn nhân để có hướng xử lý thích hợp. Và các cặp vợ chồng hiếm muộn do tinh trùng đầu tròn nhờ thụ tinh ống nghiệm may ra mới có cơ hội mang thai.

Thanh Huyền