- Hôm nay (28/8), TAND Hải Phòng đưa bị cáo Dương Tự Trọng (SN 1961, ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng ra xét xử.

Dương Tự Trọng lĩnh 16 năm tù giam

Em trai Dương Chí Dũng nhận 16 năm tù giam, giảm 2 năm so với phiên sơ thẩm đã tuyên.

Lần này, ông Trọng phải đối mặt với tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Trước đó, vào ngày 23/5, ông Trọng đã bị TAND tối cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 16 năm tù vì đã tổ chức đưa anh trai là Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam trốn đi nước ngoài.

{keywords}
Dương Tự Trọng tại tòa sáng 28/8.

Người bào chữa cho Dương Tự Trọng lần này là luật sư Nguyễn Đình Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội.

8h30, HĐXX bắt đầu phần xét hỏi bị cáo Dương Tự Trọng:

- Đối với công tác truy nã thì bị cáo có nhiệm vụ gì?
Là Phó giám đốc Công an Hải Phòng, tôi có chức năng nhiệm vụ giúp việc cho Giám đốc.

- Bị cáo có quan hệ như thế nào đối với Đồng Xuân Phong, có thân thiết không?
Có những quý mến. Tôi quan hệ với Phong khi tôi làm công an.

- Bị cáo biết Phong bị truy nã khi nào?
Tôi theo dõi chung, không đọc từng tên một trong bản báo cáo về danh sách các đối tượng truy nã mà cấp dưới gửi lên.

- Bị cáo biết thời gian nào Phong bị truy nã?
Giữa năm 2010, khi anh em xã hội nói lại.

- Tại cơ quan điều tra, Phong khai bị cáo có gọi cho Phong hỏi thăm sức khỏe, khuyên Phong ra đầu thú, đúng không?
Không bao giờ gọi.

- Khoảng tháng 5/2011, PC52 có ra văn bản rà soát danh sách các đối tượng truy nã ở Hải Phòng, bị cáo có nhận được không?
Danh sách gồm gần 700 đối tượng truy nã, phòng truy nã đã hoạt động theo chức năng riêng, báo cáo từng quý và tôi không có thời gian đọc danh sách gần 700 đối tượng đó. Tôi chỉ chỉ đạo cho anh em cụ thể từng vụ việc thôi.

- Bị cáo thấy cáo trạng nêu có đúng không?
Cáo trạng nêu không đúng. Phong trốn nã ở Hải Phòng, nhưng trên thực tế, có đến 70% đối tượng truy nã trên toàn quốc đều trốn ở Hải Phòng. Công an Hải Phòng đã nghiêm túc phối hợp với Công an TP.HCM nhưng không bắt được.

- Quan hệ của bị cáo với Đồng Xuân Phong như thế nào?
Về mặt xã hội, tôi coi như em ruột.

- Khi nào bị cáo biết người đàn em mà bị cáo nói chuyện qua điện thoại của Sơn là Phong?
Đến khi đưa anh Dũng qua Campuchia rồi tôi mới biết.

- Tại sao các bị cáo khác khai khác?
Anh em khai thế nào thì tôi nhận.

- Bị cáo có nhận thức được hành vi của mình là sai?
Tôi là con người, không phải cái máy.

- Bị cáo cho rằng mình không phạm tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ?
Không.

- Bị cáo trình bầy cho HĐXX trong gia đình ai hoạt động cách mạng?
Bố, mẹ tôi đều tham gia hoạt động cách mạng.

- Qúa trình công tác, bị cáo được tặng huân huy chương gì?
Huy chương chiến công hạng ba, bằng khen của Thủ tướng, của Bộ CA...

* VKS hỏi:

- Đến giờ Vũ Tiến Sơn vẫn giữ nguyên lời khai- anh Trọng bảo tôi gọi điện cho Đồng Xuân Phong để đưa anh Dũng sang Campuchia... Như vậy lời khai của Sơn và Phong là hoàn toàn trùng hợp. Bị cáo thấy thế nào?
Tôi có nhờ Phong khi Sơn đưa điện thoại cho tôi nói chuyện. Tôi xác nhận, anh em có nói chuyện với nhau trong hoàn cảnh đó.

- Ngày 19/5, Nguyễn Tiến Sơn có gặp Phong bàn kế hoạch di chuyển anh Dũng từ Bắc vào Nam, đi qua cửa khẩu Campuchia, toàn bộ kế hoạch này được Sơn báo cáo cho bị cáo?
Tôi không biết Vũ Tiến Sơn dùng Đồng Xuân Phong. Hải Phòng có nhiều Phong lắm. Giả sử đó là Phong đang bị truy nã thì tôi vẫn sử dụng, nhưng thực tế lúc đó tôi không biết là Phong nào.

{keywords}
(Ảnh: T.Nhung)

* Luật sư hỏi:

- Trách nhiệm truy bắt tội phạm truy nã có thuộc trách nhiệm của PGĐ công an thành phố?
Tất cả nhân dân ai cũng phải thực hiện truy bắt.

- Anh có phải là người trực tiếp ra lệnh đó?
Phải là phòng truy nã và các lực lượng khác trong ngành công an. Công an TP thì chức năng là Phòng truy nã.

- Nhiệm vụ cụ thể?
Là phòng PC52, công an thành phố.

- Theo quan điểm cáo trạng nêu, bị cáo nhận được báo cáo có rất nhiều đối tượng truy nã mà bị cáo không ra lệnh truy bắt Đồng Xuân Phong?
Hải Phòng có vài trăm đối tượng truy nã, tôi là PGĐ tôi phụ trách chung, thế thôi.

- Nhiệm vụ của PGĐ có phải ra lệnh bắt cụ thể từng người không?
Trách nhiệm này là của phòng truy nã.

8h45, kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.

* VKS luận tội:

VKS cho rằng, bị cáo đã chấp nhận lời khai của Vũ Tiến Sơn là đúng, bị cáo đã rất thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích, đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.

Trên cơ sở phân tích nội dung, vai trò phạm tội của bị cáo, VKS đề nghị xử phạt bị cáo từ 12- 18 tháng tù giam.

9h20, bị cáo Dương Tự Trọng được nói lời sau cùng:

Kính thưa HĐXX, tôi rất xúc động. Tôi bị tạm giam gần một năm rưỡi, không được thăm gặp người nhà, không được nhận quà. Hôm nay về với Hải Phòng, được nhận ánh mắt, nụ cười của Hải Phòng, tôi rất xúc động. Tôi đã nói với luật sư không cãi nhiều. Tôi không kháng cáo kêu oan, tôi tin tưởng vào Tòa và xin chấp hành.

Thông qua tòa, tôi muốn gửi lời cám ơn mọi người đã giúp đỡ tôi khi tôi còn công tác ở Hải Phòng. Tôi tự hào về những năm tháng đó. Tôi luôn yêu thiết tha từng giây phút cuộc đời mình, với thái độ và nụ cười thanh thản.

Sau khi nói lời sau cùng, bị cáo bị đưa ra khỏi phòng xét xử. Ngay lúc đó, phía dưới có tiếng người động viên bị cáo: “Cố gắng lên nhé!”.

{keywords}

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Đình Hưng phủ nhận những chứng cứ cáo buộc sự xuất hiện của Đồng Xuân Phong trong vụ án “Tổ chức cho người khác đi nước ngoài” đã xét xử chung thẩm.

Theo luật sư, bản án này đã kết luận Phong là một mắt xích của vụ án; bản án này cũng đã quy trách nhiệm hình sự đặc biệt nghiêm trọng đối với ông Trọng, trong đó có lý do đã sử dụng, lôi kéo Phong, tạo thành mắt xích tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, bản cáo trạng lần này lại nhắc lại chuyện đó là đã có sự trùng lắp, trái với Điều 107, k4 BLHS.

Cũng theo luật sư, bản cáo trạng nêu ông Trọng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 281, BLHS là không phù hợp với đường lối chính sách hình sự theo pháp luật hiện hành.

Luật sư Hưng trình bầy quan điểm cho rằng, nếu xem việc truy bắt Phong như một công vụ cụ thể, thì trách nhiệm trước hết phải là các đơn vị thực thi cấp dưới thực hiện, họ phải đề xuất kế hoạch hành động.

Ông Trọng chỉ ở vị trí phê duyệt kế hoạch hoặc được nhận báo cáo tình hình, việc các đơn vị trực tiếp không có hoặc chưa có báo cáo. Ông Trọng không thực hiện bất cứ hành vi nào cản trở việc truy bắt Phong thì không thể nói ông Trọng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm hoặc không làm một việc trái pháp luật.

10h00, bị cáo Dương Tự Trọng được đưa trở lại phòng xét xử để tuyên án. Bước vào phòng, bị cáo nhìn mọi người, nở nụ cười rạng rỡ.

HĐXX nhận định: Tại tòa và tại cơ quan điều tra, bị cáo không thừa nhận tội danh nhưng cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội nên cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo có quá trình cống hiến lâu dài, với nhiều thành tích xuất sắc, gia đình có công với cách mạng, đều được tặng thưởng huân, huy chương. Đó là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Bị cáo có biết Phong trốn nã, nhưng do cả nể nên đã không truy bắt quyết liệt Đồng Xuân Phong. Bị cáo thừa nhận lời khai của Sơn và Phong ở cơ quan điều tra là đúng.

{keywords}

Sau khi nhận mức án, bị đưa ra khỏi phòng xét xử, ông Dương Tự Trọng cười tươi, lưu luyến dừng chân, đưa tay vẫy bạn bè, người thân trong phòng xử án.

HĐXX cho rằng, có đủ cơ sở kết luận, vì có quan hệ với Phong, bị cáo đã không tổ chức truy bắt đối tượng bị truy nã là Phong. VKS truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.

HĐXX Không đồng ý với đề nghị đình chỉ vụ án của luật sư.

Tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng mức án 15 tháng tù giam. Cộng với mức tù 16 năm bị tuyên trước đó, bị cáo phải chịu 17 năm, 3 tháng tù giam.

Theo cáo trạng, khoảng thời gian từ năm 2001- 2002, khi ông Trọng đang giữ chức vụ Trưởng phòng cảnh sát hình sự, CA TP Hải Phòng, đã có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong - cán bộ Đội chống buôn lậu Cục Hải quan TP Hải Phòng.

Ngày 18/8/2009, Cơ quan CSĐT CA TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đồng Xuân Phong để điều tra tội “Buôn lậu”.

Do Đồng Xuân Phong bỏ trốn, ngày 16/10/2009, Cơ quan CSĐT CA TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã toàn quốc.

Quyết định truy nã ông Phong được gửi đến tất cả các Phòng cảnh sát hình của CA các tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có CA TP Hải Phòng.

CA TP Hồ Chí Minh cũng đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp với CA TP Hải Phòng để truy bắt Đồng Xuân Phong nhưng không bắt được (mặc dù thời gian này Phong thường xuyên lẩn trốn tại Hải Phòng).

Cáo trạng cáo buộc ông Trọng dù biết rõ Đồng Xuân Phong bị CA TP Hồ Chí Minh ra quyết định truy nã, và “tung quân” đi truy bắt nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ.

Đến tháng 4/2011 (khi đó, ông Trọng đã đương chức Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng), Phòng cảnh sát truy nã tội phạm - CA TP Hải Phòng có báo cáo về việc rà soát đối tượng truy nã có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, trong đó có Đồng Xuân Phong gửi đến ông Trọng.

Dù vậy, ông Trọng đã không có ý kiến chỉ đạo, cũng không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt Đồng Xuân Phong theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 17/5/2012, sau khi nhận được tin anh trai mình là Dương Chí Dũng đang bị cơ quan CSĐT khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, ông Trọng đã làm theo chỉ dẫn của anh trai, đưa ông Dũng đi bỏ trốn.

Ngày 18/5/2012, thông qua Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - CA TP Hải Phòng), ông Trọng đã yêu cầu Đồng Xuân Phong phối hợp cùng ông Sơn và một số đối tượng khác tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.

T.Nhung