- Liên quan đến vụ 3 cháu tử vong khi tham gia phẫu thuật từ thiện “tìm lại nụ cười”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nói rằng đây là lần đầu tiên có tai biến như thế này trong ngành y tế Việt Nam.

Chiều 26/8, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh dẫn đầu đã có cuộc làm việc với các bên liên quan tại Sở Y tế Khánh Hòa về vụ việc 3 cháu tử vong khi tham gia phẫu thuật từ thiện “tìm lại nụ cười”.

Ông Lương Ngọc Khuê thay mặt lãnh đạo Bộ gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các cháu bé không may tử vong.

{keywords}

Ông Lương Ngọc Khuê, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Ông nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức nghiêm túc xem xét trên cơ sở khoa học khách quan để tìm ra nguyên nhân.

Đến nay, bộ đã đình chỉ hoạt động của chương trình phẫu thuật nụ cười.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Hành - Giám đốc Bệnh viện (BV) Quân y 87 cho biết, BV đã thực hiện phẫu thuật từ thiện nụ cười với Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) 2 lần, có 90 trẻ được phẫu thuật thành công, đây là lần thứ 3.

Bệnh viện cho OSCA mượn phòng mổ, làm các xét nghiệm thông thường, điện tim…miễn phí. Sau khi tai biến xảy ra, BV đã họp với các bác sỹ gây mê, ê kíp mổ.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là tai biến từ khâu gây mê và do thuốc. Nhưng do thuốc gì thì chưa thể xác định được.

Bác sĩ Phạm Văn Ái – Chủ tịch Trung tâm OSCA cho biết: Khi tai biến xảy ra ở trường hợp thứ nhất, chúng tôi nghĩ có thể máy gây mê nên đã thay máy gây mê và tiếp tục đưa cháu thứ 2 vào làm.

{keywords}

 Chủ tịch Trung tâm OSCA, bác sĩ Phạm Văn Ái lấy làm tiếc vì sự cố ngoài ý muốn

Lúc đó thì cháu thứ nhất sau khi cấp cứu lại trở nặng, bị rối loạn tuần hoàn nên chuyển viện khoa Nhi BV Khánh Hòa.

Ở nhà, chúng tôi cấp cứu ca thứ 2 cũng bị tương tự, tăng nặng nên tiếp tục chuyển viện. Ca thứ 5 đến cháu Minh, chuyển hậu phẫu bình thường, 30 phút sau thì xuất hiện rối loạn như hai ca đầu và chuyển viện.

Trong khi đó các ca khác vẫn mổ cho các cháu, hiện 8 cháu đã ra viện, sức khỏe tốt.

“Chương trình cố gắng làm hết các ca đã chỉ định phẫu thuật, đúng tinh thần khám chữa bệnh nhân đạo nên không để các cháu đến mà không được mổ phải về. Xảy ra tai biến đau lòng như thế này lương tâm chúng tôi rất buồn và đã cố gắng làm tốt nhất. Hiện chúng vẫn chờ quyết định kiểm tra và đánh giá của hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân chính xác…” – ông Ái nói.

{keywords}

Ông Lê Tấn Phùng cho biết có 1 trường hợp bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề

Tiến sĩ Lê Tấn Phùng – Trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế Khánh Hòa báo cáo: Sở đã yêu cầu Trung tâm OSCA cung cấp chứng chỉ hành nghề của ê kíp phẫu thuật…

“Chúng tôi kiểm tra thấy trong ê kíp có một bác sĩ không có tên trong danh sách, không có chứng chỉ hành nghề” - ông Phùng cho biết.

Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, ngày 22/8, OSCA khám sàng lọc, chọn ra 56 cháu (trong 80 cháu). Ngày 23/8 bắt đầu phẫu thuật với 2 bàn mổ.

Ca thứ nhất gây mê lúc 8h, sau 10 phút thì bị tai biến, tử vong chiều hôm đó. Cháu Pinang Tuấn Hữu là ca thứ hai cũng tai biến sau khi gây mê, đặt ống thở và tử vong ngày 25/8.

Sau hai ca tai biến thì không mổ bàn 1 nữa mà tiếp tục mổ bàn 2. Cháu quang Minh là cháu thứ 5 của bàn 2, bị suy tuần hoàn hô hấp sau khi ca mổ đã hoàn thành khoảng 30 phút và tử vong ngày 24/8.

Còn lại 8 ca khác đã ra viện an toàn.

“Sở đã yêu cầu OSCA có báo cáo chính thức toàn bộ diễn biến sự việc nhưng báo cáo của OSCA chưa đạt yêu cầu. Sở cũng yêu cầu báo cáo quy trình gây mê và quy trình phẫu thuật, danh sách bệnh nhân và bác sĩ gây mê là ai nhưng những nội dung này chưa có trong báo cáo” – ông Lê Tấn Phùng nói.

Theo đại diện Sở Y tế Khánh Hòa, Cơ quan CSĐT đã vào cuộc, pháp y đã định mổ xét nghiệm tử thi em Pi Năng Tuấn Hữu nhưng gia đình không đồng ý.

Sau họp sơ bộ, đã xác định xảy ra ở khâu gây mê, do thuốc, nhưng chưa thể xác định chính xác.

Kết luận buổi làm việc, ông Lương Ngọc Khuê nhìn nhận: “Tôi theo dõi gần 30 năm trong ngành y, thấy đây là lần đầu tiên có tai biến như thế này trong ngành y tế Việt Nam. Có hai việc chúng ta cần phải làm việc là: tập trung giúp gia đình nạn nhân yên tâm khắc phục hậu quả không mong muốn và hết sức xót xa này. Thứ hai là các bệnh viện rà soát lại các khâu để tiếp tục báo cáo cho lãnh đạo Bộ Y tế…”.

Thanh Vân