- Nếu không có một sân bay mới “chia lửa”, vấn đề giao thông tại TP.HCM sẽ rất nan giải, ngay cả khi Sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng. Do vậy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần sớm được đầu tư xây dựng và khai thác ngay sau năm 2020.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra trước Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án sân bay Long Thành tại buổi họp ngày 15/8.

Ông Tín nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sớm xây dựng công trình này, nhất là trong mối liên quan đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng tình với dự báo của cơ quan tư vấn rằng số lượng hành khách đi máy bay qua TP.HCM năm 2030 vào khoảng 53 triệu, ông Tín cho rằng nếu không có một sân bay mới chia lửa, vấn đề giao thông sẽ rất nan giải với thành phố, ngay cả khi Tân Sơn Nhất được mở rộng.

{keywords}
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Theo lãnh đạo TP.HCM, hiện công suất của Tân Sơn Nhất đã đạt 20 triệu khách. Muốn nâng lên 25 triệu thì việc mở rộng nhà ga chỉ là điều kiện cần.

Còn lại hạ tầng ngoài sân bay như giao thông kết nối mới là điều kiện đủ.

“Vấn đề không chỉ là Tân Sơn Nhất có còn đất hay không mà là hạ tầng có đáp ứng được không”, ông Tín  nhấn mạnh.

Tính toán của địa phương cho hay, để nâng công suất Tân Sơn Nhất thêm 5 triệu khách, chi phí sẽ tốn không dưới 4 tỷ USD, bao gồm việc kết nối 2 tuyến đường sắt đô thị và hai tuyến đường trên cao.

Thực tế vừa qua, để giải tỏa áp lực cho giao thông tiếp cận quanh sân bay, thành phố đã chi hơn 300 triệu USD để xây dựng tuyến Bình Lợi – Tân Sơn Nhất và mở rộng đường Trường Chinh, Cộng Hòa.

Hơn nữa, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rất bất cập về cảnh quan không gian và không đảm bảo an toàn cũng như tốn kém trong đầu tư kết nối giao thông.

Tham gia cuộc họp, Trung tướng Võ Văn Tuấn- Phó tổng tham mưu QĐND - Bộ Quốc phòng cho rằng, mở rộng sân bay không chỉ đơn giản là nhà ga, đường băng, sân đỗ mà quan trọng hơn cả là không gian.

Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông Tuấn khẳng định sân bay quân sự Biên Hòa và cảng quốc tế Tân Sơn Nhất không thể đảm bảo yếu tố này.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, từ nhận định quan điểm của đại diện TP.HCM và Bộ Quốc phòng đã thể hiện rõ sự cần thiết phải đầu tư cảng Long Thành.

Trong khi báo cáo của chủ đầu tư (Tổng công ty Cảng hàng không VN) lẫn tư vấn chưa làm nổi bật được luận điểm này.

"Báo cáo đầu tư Dự án vẫn chưa thật thoát ý, chưa có tính thuyết phục cao về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thay vì tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá.

Ông Vinh cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không VN cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư sân bay Long Thành.

Đồng thời, chủ đầu tư cần bổ sung, phân tích căn cứ, điều kiện để Sân bay Long Thành có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế như mục tiêu đề ra. Đặc biệt, làm rõ quy mô đầu tư, tính liên thông của hệ thống giao thông kết nối, nhất là từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.

Liên quan tới quy mô diện tích xây dựng Dự án, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc triển khai sân bay Long Thành trên diện tích 5.000 ha, đồng thời đồng ý kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép tách GPMB thành 1 tiểu dự án riêng giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai sớm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8 này.

Theo ông Vinh, cơ bản các thành viên đều nhất trí thông qua báo cáo, sẽ trình thường trực Chính phủ để xem xét để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm thì dự án cảng hàng không Sân bay Long Thành sẽ được khởi động ngay vào đầu 2015.

Vũ Điệp