- Đây được coi là phương pháp tuyên truyền mới nhằm cảnh báo đến người dân khi mà tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp.

Lừa đảo kiểu tinh vi

Mới đây, các thuê bao của mạng ĐTDĐ Vinafone và Mobifone đăng ký tại địa bàn TP.HCM đã nhận được nhiều tin nhắn cảnh báo lừa đảo. Tin nhắn có nội dung: “Công an TP.HCM khuyến cáo nhân dân cảnh giác với bọn tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, hăm doạ, chiếm đoạt tiền. Cơ quan công an, viện kiểm sát khi điều tra vụ án, không tuỳ tiện thu giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Đường dây nóng báo tin tội phạm 113”.

{keywords}
Các đối tượng trong băng nhóm lừa đảo công nghệ cao bị công an TP.HCM bắt giữ cách đây không lâu

Được biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước dùng biện pháp tuyên truyền phòng chống tội phạm qua nhắn tin ĐTDĐ. Trước đó là Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng đã thực hiện hình thức này, nhắn tin khuyến cáo người dân thể hiện lòng yêu nước ôn hòa, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981.

Trung tá Lê Hữu Nghĩa – đội trưởng đội nghiệp vụ số 3, thuộc phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (PV28) công an TP.HCM cho hay, việc thông báo qua tin nhắn xuất phát từ thực tế, từ đầu năm 2013 đến nay tại địa bàn TP.HCM xuất hiện khá nhiều hình thức lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại đến nạn nhân để hăm doạ, chiếm đoạt tiền, gây bức xức trong dư luận.

Chỉ trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, địa bàn TP.HCM đã xảy ra trên dưới 100 vụ lừa đảo công nghệ cao, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến 26 tỷ đồng. Công an TP.HCM đã tiến hành bắt giữ 26 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm khác nhau, trong số đó có 8 đối tượng là người Trung Quốc – Đài Loan.

Vạch trần thủ đoạn

Thực tế, công an TP.HCM đã thông tin đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức lừa đảo công nghệ cao. Tuy nhiên vẫn có nhiều người dân sập bẫy lừa.

Vụ điển hình, đầu năm 2014 bà H.N.M.L (ngụ Q.Bình Thạnh) nhận điện thoại của người xưng là nhân viên công ty VNPT thông báo bà đang nợ cước điện thoại 8 triệu đồng, nếu không thanh toán ngay, công an sẽ đến làm việc.

Người này hăm doạ, Bộ công an đang điều tra bà L vì có liên quan đến đường dây ma tuý. Theo lời đối tượng yêu cầu, bà L đã chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản chờ sẵn để “công an xác minh”, để rồi sau đó nhận ra mình bị lừa.

{keywords}
 Tang vật thu giữ tại một vụ lừa đảo công nghệ cao.

Một vụ khác xảy ra đầu năm 2014, bà L.T.H (ngụ Q.11) nhận được điện thoại của nhân viên tổng đài báo nợ cước điện thoại hơn chục triệu đồng. Sau đó bà H nhận được 1 cuộc gọi khác của người xưng là cán bộ công an TP.Hà Nội cho rằng bà có liên quan đến đường dây tội phạm “rửa tiền”.

Bà H kể, ban đầu bà thấy vô lý nhưng vì “cán bộ công an” kể vanh vách thông tin các thành viên trong gia đình, khiến bà hoang mang. “Cán bộ” còn yêu cầu chuyển nhanh số tiền 170 triệu đồng vào tài khoản, sau này bà mới biết là bị lừa đảo.

Một thủ đoạn không lạ của tội phạm công nghệ cao là tạo ra các vụ bắt cóc ảo. Điển hình là vụ xảy ra cách đây không lâu, ông T.P.V nhận được 1 cuộc điện thoại khiến ông hốt hoảng; bên kia đầu dây là giọng người còn rể vừa khóc, vừa la: “Bố ơi, con bị đánh đau quá, chết con mất bố ơi”.

Sau đó giọng 1 người lạ thông báo, con rể ông V đang nợ 300 triệu đồng, trong vòng 30 phút không chuyển tiền trả, sẽ bị sát hại. Các đối tượng yêu cầu ông V trong thời gian chuyển tiền không được gác máy điện thoại.

Khi đã chuyển xong 150 triệu đồng, ông V gọi điện thoại cho người con rể thì tá hoả khi người này không hề bị bắt. Cuộc điện thoại trên chỉ là giả mạo…

Theo cán bộ của phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an TP.HCM, các băng nhóm lừa đảo công nghệ cao thường dùng thiết bị để thay đổi số thuê bao, khi nạn nhân nhận được cuộc gọi trên màn hình hiển thị số lạ…gần giống với số của cơ quan công an, VKS.

Các băng nhóm lừa đảo này phần lớn do người nước ngoài cầm đầu, chúng thường thuê các đối tượng trong nước mở tài khoản thẻ ngân hàng có thanh toán quốc tế. Khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, chúng lập tức rút tiền ở máy ATM trong nước hoặc ở nước ngoài…

Liên quan đến thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, thiếu tá Nguyễn Quang Thắng – phó chánh văn phòng, công an TP.HCM chỉ rõ: “Cơ quan công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Khi cần công an sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời trực tiếp hoặc thông qua cảnh sát khu vực..

Do vậy người dân không tin vào những ai gọi điện gọi điện xưng là cán bộ công an, VKS làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền…Tất cả chỉ là chiêu trò lừa đảo”.

Đàm Đệ