- Liên quan đến vụ Kỷ luật Bs từ chối nhiệm vụ vì lý do cá nhân, có độc giả tỏ ra đồng tình nhưng cũng không ít người khẳng định, thi hành quyết định kỷ luật trong trường hợp này là quá cứng nhắc. Tuy nhiên, lý do thực sự việc vị Bs này từ chối lên chức mới là vấn đề nhiều độc giả quan tâm.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng..."

Nhiều ý kiến bạn đọc đã bày tỏ cái nhìn đa diện về thông tin kỷ luật Bs từ chối lên chức mà VietNamNet đã đăng tải.

Trong đó, một số ý kiến đã đồng tình với quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận khi kỷ luật cảnh cáo BS Hồ Phi Long, Giám đốc BV Đa khoa Nam Bình Thuận (huyện Đức Linh).

Cho rằng ông Long không hoàn thành nhiệm vụ của một Đảng viên, độc giả có nickname Candy lại nhấn mạnh: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai..." sẽ đáng trách nếu thật sự Bs Hồ Phi Long là người có tài năng nhưng thiếu tâm huyết với nghề".

"Có tài sao không cống hiến cho xã hội nhất là ngành y tế đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết? Chỉ sợ khi có chức, có quyền, người ta lại muốn hưởng thụ, chẳng muốn lao động vì nghĩ rằng mình không cần "phục vụ" ai khác. Ai cũng có mẹ? Những chiến sĩ làm việc nơi đảo xa, những thầy cô giáo lên vùng cao dạy chữ thì sao?", một bạn đọc khác bức xúc.

Tuy nhiên, những ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận chỉ chiếm khoảng 20% bình luận gửi về báo VietNamNet.

Tâm lý “đầu gà hơn đuôi voi”?

Tuy nhiên, đằng sau lý chăm do mẹ già đau ốm nhiều độc giả đã hoài nghi liệu còn vấn đề gì khác khiến Bs Long đã có quyết định từ chối lên chức.

Trên một tờ báo mạng, độc giả Lê Tiến Dũng thắc mắc: "Kỳ lạ một ông Bs Giám đốc bệnh viện huyện lại từ chối làm Phó giám đốc sở, điều mà bao nhiêu người "đổ mồ hôi sôi nước mắt" cũng chưa chắc đạt được. Nhất định có uẩn khúc gì đây".

{keywords}
Một hoạt động thăm khám của Bs (Ảnh minh họa, Nguồn: Đất Việt)

Một số độc giả đề cập, người ta nói nhiều cán bộ có tâm lý là thà làm "trưởng nhỏ còn hơn phó to" nên vị Bs này đã có quyết định "lạ" như vậy.

Cụ thể, độc giả HaNoi...@yahoo.com phân tích: "Có thể có nguyên nhân đến từ tâm lý “đầu gà hơn đuôi voi”, cụ thể, khi làm trưởng của một đơn vị cấp huyện quyền uy lớn trong khi Phó giám đốc Sở nghe thì to hơn nhưng ít quyền hành bằng. Ngoài ra, làm Giám đốc một đơn vị cấp huyện, quản lý trực tiếp có nhiều lợi ích, kể cả chế độ lẫn quan hệ xã hội hơn Phó giám đốc Sở chỉ quản lý hành chính".

"Người xưa nói “có tiếng mà không có miếng”, tôi đã từng chứng kiến nhiều người từ chối chức phó ở một cấp cao hơn để yên vị làm trưởng ở một đơn vị nhỏ bởi khi làm trưởng đơn vị này quyền lợi về chức vụ, quan hệ, vật chất hơn hẳn chức to kia", bạn đọc Mạnh Đức (Hà Nam) cũng đồng tình.

Thay vì kỷ luật nên tuyên dương?

Trái lại với ý kiến trên, phần lớn các ý kiến khác đều tỏ ra cảm thông với Bs Long khi cho rằng quyết định kỷ luật này là quá cứng nhắc và chưa thấu tình đạt lý.

Độc giả Hữu Phú cho rằng: "Trước khi điều động, luân chuyển dù là lên vị trí cao hơn bao giờ tổ chức cũng phải làm việc với cá nhân được điều động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người đó. Nếu hoàn cảnh khó khăn thì nên xem xét cân nhắc lại, kỷ luật trường hợp này là quá cứng nhắc".

Đồng ý kiến trên, độc giả Ngọc Tài phân tích: "Bs Hồ Phi Long là thầy thuốc có nhiều tâm huyết với địa phương, đang điều trị cho bệnh nhân tốt. Nay điều về Sở Y tế làm trên bàn giấy chuyên môn giỏi của Bs sẽ không được phát huy. Bên cạnh đó, từ Nam Bình Thuận lên Sở Y tế mất gần 150km mà mẹ ông đã già yếu thì làm sao họ yên tâm công tác xa nhà được?".

Trên VietNamNet, anh Phan Chuyển cũng nhấn mạnh: "Tôi không tán thành với việc kỷ luật công chức trong tình huống này trừ trường hợp tổ chức đã cử một người khác tin cậy để chăm sóc thay người được cử làm nhiệm vụ Phó Giám đốc".

Ngoài ra, một số độc giả cho rằng nếu đúng lý do là vì mẹ già đau yếu mà phải từ chối một chức vụ cao hơn thì Bs Hồ Phi Long là con người có tài, có hiếu và cần được tuyên dương thay vì kỷ luật.

Đó là chia sẻ của bạn Bách Việt: "Mình ở gần nhà Bs Long, ông rất giỏi chuyên môn và cũng rất được lòng hàng xóm, láng giềng. Mình chưa bao giờ gặp được vị Bs nào lại tận tâm như vậy, lúc biết tin Tỉnh điều động ông làm Phó Giám đốc Sở mọi người đều mong muốn là Bs sẽ quyết định ở lại. Thật sự biết tin Bs bị kỷ luật mọi người rất bức xúc nhưng cũng vui vì ông có thể chăm mẹ già và ở lại để chữa bệnh cho mọi người".

Bạn đọc Lê Minh lại nhìn nhận theo khía cạnh khác: "Có thể Bs này tự thấy năng lực và không đủ trình độ chuyên môn để đảm nhận chức vụ mới. Nếu sau khi nhận nhiệm vụ ông bác sĩ này không làm tròn trách nhiệm thì chính quyền mà cụ thể là UBND Tỉnh sẽ làm gì? và kiểm điểm ai?".

Nhiều bạn đọc khác đã dẫn những ví dụ tương tự. Trên một tờ báo mạng, Hà Linh (ở email Sao...@yahoo.com) chia sẻ: "Tôi cũng đã từng không nhận điều động sang huyện khác làm Phó chi cục trưởng chi cục Thuế, lúc đó tôi mới chỉ là đội trưởng. Tôi không bị kỷ luật, nhưng nếu kỷ luật tôi cũng không làm".

Tương tự, chị Ngân (Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ: "Tôi là Hiệu phó một trường tiểu học được điều sang làm Hiệu trưởng một trường tiểu học khác nhưng tôi phải từ chối vì nhà xa, con nhỏ, chồng đi vắng. Lúc con đau ốm, nhà có chuyện làm sao tôi công tác tốt được?".

Theo đó, các độc giả liệt kê các dẫn chứng này để khẳng định việc từ chối lên chức là ít xảy ra những cũng không phải quá hiếm hoi bởi người được đề bạt lên chức còn nhiều vấn đề vướng mắc khác trong cuộc sống riêng tư khiến họ khó yên tâm để hoàn thành công tác chuyên môn.

Lê Lan (tổng hợp)