Ban đầu những người dân địa phương chỉ nghĩ bà Lan mua đất xây nhà ở. Nhưng rồi họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà Lan kêu thợ về xây những "lâu đài" quét sơn xanh và đem gần 500 con chó về nuôi tại đây.

{keywords}
Nghĩa trang chó

Câu chuyện về một người đàn bà thương yêu thú vật từ lúc nuôi cho đến lúc chúng chết một cách kỳ lạ đến giờ vẫn còn được nhiều người dân ở xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng nhắc đến như một điều gì đó vô cùng lạ lùng và thú vị.

Nữ đại gia "bí ẩn"

Chủ nhân trước kia của mảnh vườn đặc biệt này là bà Thái Thị Cúc Lan (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), bà này từng là giám đốc một công ty chuyên cung cấp sản phẩm cho một nhãn hiệu máy ảnh nước ngoài trên thị trường Việt Nam. 

Theo nhiều người biết chuyện kể lại, việc quyết định mua mảnh đất 7 hec-ta ở vùng đất Đạm Ri, Đạ Huoai của người phụ nữ này rất cùng tình cờ.

Theo đó, một ngày cách đây nhiều năm, trong một lần lên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, bà Lan dừng chân ở xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai. Thấy mảnh đất nơi đây bình yên, khí hậu ôn hòa, nữ đại gia này đã nói với người giúp việc đi theo mình: "Anh hỏi xem ở đây ai bán chục mẫu đất gần mặt đường không? Mình mua một mảnh để xây lâu đài cho mấy "em" chó và bò ở".

Ngày đó vùng đất xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai vẫn còn nguyên sơ, nhiều người lên phát rẫy, khai hoang được vùng đất lớn, nhưng đất mặt tiền quốc lộ 20 thì hiếm có một mảnh 10-20 mẫu như ý nguyện của bà Lan.

Lúc đầu, những người dân ở địa phương cũng chỉ nghĩ bà Lan mua đất xây nhà ở, bởi lúc đó có khá nhiều đại gia từ TP.HCM lên chân đèo Bảo Lộc (thuộc xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) để mua đất xây biệt thự cho gia đình về nghỉ dưỡng vào ngày cuối tuần.

Nhưng họ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà Lan kêu thợ về xây những "lâu đài" bên ngoài được quét tất cả bằng màu xanh, sau đó bà này cho người đem gần 500 con chó đủ loại về nuôi tại đây.

Ông Nguyễn Đình Thảo (50 tuổi, ngụ xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) là người trực tiếp giúp việc nuôi thú vật hồi ấy được bà Lan rất tin tưởng trong số hơn mười người giúp việc khác ở khu "lâu đài" đặc biệt và hiện tại ông vẫn còn chăm sóc khu nhà đất này cho người chủ mới.

Khi được hỏi về bà Lan, ông Thảo thừa nhận rằng thật sự ông không biết chính xác xuất thân của người chủ đầy "bí ẩn" này, bởi bà không thích những người làm hỏi về gia cảnh của mình.
Ông Thảo cho khách xem những bộ quần áo còn lại của chó.

Biết tính của bà chủ như vậy, những người làm như ông Thảo cũng ít khi quan tâm đến xuất thân của bà, mà chỉ luôn cố gắng làm mọi việc theo ý bà. Bởi những người này biết rõ bà Lan rất nhân hậu nhưng cũng khó tính, bà này có thể móc ví tiền ra cho người nghèo mà không đếm, nhưng sẽ đuổi ngay nếu ai đó gian dối trong công việc.

Bà Nguyễn Thị N., một người dân ở ngay sát cạnh khu "lâu đài" cho thú vật, cười rất tươi khi nói về sự hào phóng của bà Lan: "Bà ấy xinh đẹp và phóng khoáng, ngày đó tôi nghèo lắm, suốt ngày đi lượm rác ven đường. Một lần tôi vào quán gần nơi bà Lan nuôi chó xin nước uống, bà ấy thấy tôi liền hỏi han hoàn cảnh, sau đó bà móc ví ra rút một xấp tiền đưa cho tôi khiến tôi rất bất ngờ và vui mừng. 

Về nhà đếm lại thì số tiền bà ấy cho lên đến hơn hai triệu đồng. Ngày đó giá tiền như vậy mua được tương đương 3 chỉ vàng. Tôi còn nghe nói bà ấy cho nhiều người khác nữa, lúc không còn tiền mặt bà rút nhẫn vàng ra cho luôn".

Những "lâu đài" màu xanh cho động vật

Nói về chuyện nuôi và chăm sóc thú vật trong khu "lâu đài", ông Thảo hào hứng kể lại: "Bà Lan gần như mua tất cả những con chó mà bà thấy ở bất kỳ đâu rồi đưa chúng về nuôi ở những "lâu đài" mà bà mới xây xong. Không những nuôi chó, bà Lan còn nuôi bò, chim, thằn lằn, thạch sùng…".

Đặc biệt, bà Lan thường gọi những con vật bà nuôi bằng "em" xưng "mẹ". Bà cho bố trí ba con chó một phòng, có chăn drap gối đệm riêng, số chăn drap gối đệm này bà đặt mua tại một siêu thị tận TP.HCM. Mỗi con chó có một màu chăn riêng biệt, không được lẫn lộn. Đó là chưa kể, những chú chó này còn được chủ mua sắm quần áo xịn từ nước ngoài cho mặc, mùa nào "mốt" nấy.

Bà này thường bảo người làm của mình rằng không được để các "em" lạnh quá cũng không được để các "em" nóng nực. Một ngày các nhân viên giúp việc phải tắm cho các "em" một lần, sau khi tắm phải sấy khô lông.

{keywords}
Một trong những lời yêu thương đề trên mộ một chú chó của bà Lan.

Ông Thảo nhớ lại: "Chó hay bò cũng đều có chăn drap gối đệm, có máy sấy lông riêng dành cho mỗi con. Bà chủ còn yêu cầu phải mắc màn cho mấy "em" bò, bởi bà chủ sợ bọn muỗi sẽ làm mấy "em" bò mất ngủ". 

Chuyện chăm sóc, ngủ nghê của các "em" đã phức tạp thế, nhưng việc ăn uống của các con vật mới là một "cực hình" với những người làm cho bà Lan.

Thức ăn của các chú chó được bà ấy mua từ các siêu thị ở TP.HCM, trong đó chủ yếu là thịt bò, có ngày chở đến mấy xe để vào tủ lạnh cho chó ăn dần. Riêng rau củ quả thì đích thân tôi lên Đà Lạt chọn ở các nhà vườn có uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh, không bao giờ mua thức ăn không nguồn gốc", ông Thảo chia sẻ.

Đó là chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng cho các "em" chó. Nhưng mỗi khi con chó nào không may bị bệnh tật qua đời hoặc già chết, bà Lan sẽ tổ chức đám ma rất long trọng. Theo ông Thảo thì khi một con vật chết, bà Lan sẽ cho mua hòm, mua áo mới thay, tắm rửa sạch sẽ và đào huyệt chôn. Trên các tấm bia mộ của những chú chó luôn ghi những dòng chữ tràn ngập tình thương của bà Lan.

Điều kỳ lạ hơn nữa là bà Lan còn mua những bình hoa quý, rồi cho người làm lên tận Đà Lạt mua hoa lưu ly về để thờ cúng các con vật. "Ngày đó cứ mỗi lần tôi lên vườn người ta mua cả xe hoa về, ai cũng hỏi là tôi mua hoa trưng ở khách sạn hay sao, tôi cười nói mua hoa cúng chó mà không ai tin", ông Thảo vui vẻ kể lại.

Ngoài việc chăm lo cho các chú chó một cách vô cùng kỹ lưỡng, tình cảm thì bà Lan cũng dành nhiều công sức, tình thương với một số loài vật khác nữa. 

Ông Thảo kể, vào khoảng năm 2001, trên đường đi từ TP HCM lên Lâm Đồng, bà Lan đã thấy một người dân điều khiển hai con bò chở rất nhiều đồ nặng, không kìm được lòng thương bà đã năn nỉ chủ nhân bán lại hai con bò cho bà.

Lúc đó, người chủ này không chịu bán, bà Lan đã trả gấp 4 lần giá trị thực con bò nên người chủ đã đồng ý ngay và cho luôn cả chiếc xe bò. Nhưng bà Lan chỉ lấy hai con bò, và đã thuê ngay xe tải chở về Lâm Đồng nuôi.

Hai con bò đó sau này khi chết cũng được mua hòm chôn, được mặc áo và có người chăm sóc bia mộ. Không những thương chó và bò, bà Lan còn dành tình cảm cho những con vật khác như chim chóc, thạch sùng…

Hằng ngày bà vẫn thường bỏ thức ăn vào đĩa, bỏ ra cạnh bên cửa sổ hoặc ngoài trời cho các con vật đến ăn. Nước cho các con vật uống cũng phải là nước khoáng được mua của những hãng uy tín.

Nhưng về cuối đời, vào khoảng năm 2009 bà Lan bị bệnh ung thư và công việc làm ăn cũng đổ bể nên bà gần như bị phá sản. Đương nhiên, việc chi tiêu cho các con vật cũng khiến bà tốn kém rất nhiều tiền. Ông Thảo bùi ngùi nhớ lại: "Khi tôi nghe tin bà Lan bị bệnh, cũng là lúc các mảnh đất và ngôi nhà của bà ấy bị người ta đến tiếp quản.

Sau đó, bà Lan có gọi điện thoại cho tôi xuống nhà bà ấy mấy lần. Khi đó gia sản của bà đã gần như khánh kiệt, nhưng con cái bà thì vẫn khá giả so với nhiều người, họ chăm sóc bà rất chu đáo, bà mất năm 2010.

Bây giờ khu đất này đã được một người khác làm chủ, nhưng tôi vẫn trông giữ những "lâu đài" này, nhưng giờ chúng đã nhiều phần hư hỏng, hoang sơ. Các con vật thì một số bị bắt trộm, một số bỏ đi, nhưng những ngôi mộ thì vẫn còn đây…

Nhớ lại lúc ấy tôi vẫn không thể tin được có một bà chủ yêu động vật như thế. Tôi luôn khâm phục và yêu quý tấm lòng của bà ấy với người nghèo và cả những con vật "cưng", tôi tin trên thế gian này ít ai nhân hậu như bà ấy".

(Theo Cảnh Sát Toàn Cầu)