– Ngoài ổ dịch đầu tiên tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy) thì Hà Nội có thêm 7 ổ dịch sốt xuất huyết, giảm 17 ổ dịch so với cùng kì năm 2013. Số bệnh nhân viêm não Nhật Bản giảm mạnh.


Sở Y tế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 115 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 47,2% so với cùng kỳ năm 2013. 115 bệnh nhân này phân bố tại 76/584 xã, phường, thị trấn của 18/30 quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 8 ổ dịch SXH, giảm 17 ổ dịch so với cùng kì năm 2013.
{keywords}
Bệnh nhân SXH điều trị tại BV Nhiệt đới TƯ trong vụ dịch năm 2009 (Ảnh: C.Q)

Trong 8 ổ dịch, đến nay, 7 ổ dịch đã được khống chế, riêng ổ dịch tại phường Yên Hoà (Cầu Giấy) có số ca mắc nhiều nhất (8 ca), từ ngày 17/7 đến nay không có ca mắc mới.

Công tác phòng chống dịch bệnh SXH còn khó khăn do SXH không giống viêm não, sởi vì không có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh phải nhờ vào sự tham gia của cộng đồng.

Diệt bọ gậy và phun hoá chất là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, chỉ có 70% gia đình phối hợp tốt, 30% phối hợp không tốt.

Trong khi đó, viêm não Nhật Bản (VNNB) từ tháng 5 đến nay ghi nhận 21 trường hợp phân bố tại 20 xã, phường của 14 quận, huyện (tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2013).

Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc VNNB giảm mạnh, chỉ có 1 ca mắc/tuần. Số mắc tập trung ở trẻ dưới 15 tuổi (17 ca). Bệnh VNNB đã giảm mạnh do tỷ lệ tiêm vắc xin đạt cao (chiếm 97,6%).

Ngăn chặn ổ bệnh tiêu chảy ở TP HCM

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, trong thời gian từ ngày 08/7 đến 23/7 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM đã ghi nhận 9 trường hợp tiêu chảy.

Kết quả điều tra cho thấy các trường hợp mắc bệnh sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, nước ao hồ tù đọng, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải không được thu gom xử lý, các xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt, mẫu nước ao và mẫu phân có kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả, có 4 mẫu phân dương tính với vi khuẩn E. Coli.

Đây là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt và vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế TP HCM triển khai các biện pháp ngăn chặn bằng cách tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho người dân gìn giữ vệ sinh, chuẩn bị thuốc men để xử lý ổ dịch kịp thời, vv…

C.Quyên