- “Hình ảnh người vợ trẻ và đứa con thơ hiện lên trước mắt tôi. Đó là động lực giúp tôi phải cố sống trong lúc này…”.

Đó là lời anh là Mai Thanh Sang (23 tuổi), công nhân của Công ty cổ phần Vạn Ý (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) được phát hiện, cứu sống sau 5 ngày bị chôn vùi trong kho lạnh…

“Tôi được sống rồi!”

Sáng 26/7, chúng tôi đến Khoa phỏng – tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân Sang còn trẻ, gương mặt tươi tỉnh đang được chăm sóc bởi các nhân viên y tế.

Anh Sang là bệnh nhân duy nhất bị phỏng lạnh. Sau khi được cứu chữa tại bệnh viện Đa khoa trung tâm Đồng Tháp, chiều 25/7 anh được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

{keywords}

Nạn nhân Mai Thanh Sang trên giường bệnh ở khoa phỏng BV Chợ Rẫy

Câu chuyện của Sang khiến nhiều người bất ngờ và cho rằng chỉ có một sự kỳ diệu nào đó mới giúp anh sống sót được sau 5 ngày bị chôn vùi trong kho lạnh có nhiệt độ âm 18 độ C.

Sang nở nụ cười, thuật lại những gì vừa xảy ra với mình: “Chiều hôm ấy – trong kho lạnh rộng 3.000m2 chứa khoảng 6000 palette thùng hàng – tôi đang lái xe nâng những palette cuối cùng chất vào kệ để giao ca. Bất ngờ, chiếc xe chạm mạnh vào kệ để hàng. Đống hàng cao như núi mất chân trụ đổ ầm xuống lôi theo hàng loạt kệ hàng khác. Tôi rời xe bỏ chạy chừng vài chục mét thì bị hàng đống hàng hóa chôn vùi.

Nằm dưới đống hàng hóa, không một chút ánh sáng tôi không sao trở mình được. Cố gắng lắm mới xoay qua xoay lại được một chút.

Không một tiếng động, tôi la thật to để kêu cứu nhưng rồi cũng chìm trong vô vọng.

Tôi vẫn cứ nằm như thế trong kho lạnh. Trên người vẫn còn nguyên trang phục bảo hộ lao động nên cũng còn có thể chịu đựng được. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chứ kéo dài thì cái chết cũng không xa – tôi đã từng nghĩ như thế.

Hết một ngày – tôi đoán thế vì thời gian qua lâu quá. Bụng đói. Cổ khát. Lấy gì ăn uống bây giờ trong khi chân phải và tay trái bị các kiện hàng đè chặt? Phần còn lại của thân thể tê cóng vì lạnh. Phải cố thôi. Tôi dùng tay phải còn lại, xé một bịch cá để lấy nước uống, nhưng nước cá tanh quá không uống được.

Tôi lại thiếp đi. Rồi tỉnh lại. Nhiều lần như thế...".

Sang kể, có lúc anh nghe tiếng gọi tên mình. Anh cố gắng lấy hết sức để hét to lên, nhưng không ai nghe thấy...

Sau này, anh mới biết, mọi người đều tập trung ở khu vực xe nâng, cách nơi bị nạn vài chục mét nên tiếng đáp trả của không lọt qua được đống hàng hỗn độn, cao ngất.

"3 ngày trôi qua. Hình ảnh người vợ trẻ và đứa con thơ hiện lên trước mắt tôi. Đó là động lực giúp tôi phải cố sống trong lúc này. Liếm từng mảng nước đá cho đỡ khát, tôi lại kêu lên từng chặp để mong ai đó có nghe được, may ra mình còn mạng để trở về.

Thời gian cứ trôi đi. Nỗi tuyệt vọng lớn dần cho đến một lúc, tiếng kêu của tôi lọt vào tai lực lượng cứu hộ.

Thế là họ dỡ hết đống hàng cao ngất ngưởng, tìm thấy tôi. Tôi được sống rồi…” - Sang nhớ lại.

Phỏng lạnh ở…xứ nóng

Sau một thời gian ngắn cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Đồng Tháp, anh Sang được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục chuỗi ngày điều trị.

Trên giường bệnh, người Sang không lở loét nhưng các đầu ngón tay, chân bầm đen. Anh đang dần hồi phục.

{keywords}

Bàn chân vẫn còn đen thẫm.

Một người vừa thoát khỏi cơn biến động kinh hoàng thường rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhưng ở Sang, dường như niềm hạnh phúc khi được cứu sống, trở về gia đình đã khỏa lấp đi tất cả.

Anh vẫn vui, say sưa kể về những diễn biến trong 5 ngày dài đen tối ấy.

BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng và Tạo hình cho biết: Bệnh nhân có thể sống sót được sau 5 ngày bị kẹt dưới đống đổ nát ở nhiệt độ âm 18 độ C là nhờ có bảo hộ lao động và nhiều lớp áo khác.

Tình trạng của bệnh nhân hiện nay rất khả quan.

Các chỉ số sinh tồn nằm trong ngưỡng cho phép. Huyết áp ổn định. Hiện tượng bầm tím ở các đầu ngón tay, chân là bị phỏng lạnh ở cấp độ III do cơ thể không cung cấp đủ máu, nhưng cũng đang dần hồi phục. Mức độ đen sẫm ở 2 tay đã phai nhạt bớt. Duy chỉ có ở 2 bàn chân vẫn còn thương tổn cần phải tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Đạo cho biết thêm: “Tình trạng phỏng lạnh của bệnh nhân Sang không đe dọa đến sự sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục hội chẩn để tìm ra phương án tối ưu, điều trị hồi phục”.

Được biết, Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên trường hợp bị phỏng lạnh là điều ít gặp. Phỏng lạnh là một từ y học để chỉ tổn thương tại chỗ gây cho da và các mô do tiếp xúc với lạnh.

Các bộ phận cơ thể xa trung tâm như các đầu chi, mũi, tai...thường dễ bị tổn thương. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Bệnh viện Chơ Rẫy tiếp nhận điều trị.

Phỏng lạnh thường xảy ra ở những vùng có khí hậu lạnh, nhiệt độ dưới 0 độ C. Ở Việt Nam phỏng lạnh chỉ xảy ra trong các kho lạnh nơi công nhân phải làm việc ở nhiệt độ âm rất nhiều.

Trần Chánh Nghĩa