Tình trạng xe quá khổ quá tải băm nát đường quốc lộ đang là vấn đề vô cùng nhức nhối của bà con dọc quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình, vành đai TP Ninh Bình. Song, vấn đề nhức nhối hơn cả, đó là dù có trạm cân, có thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông túc trực nhưng những xe quá khổ quá tải vẫn tung tăng bay nhảy, thỏa sức băm nát đường, con voi vẫn chui lọt lỗ kim….

{keywords}
Xe quá tải qua mặt trạm cân
{keywords}

Cảnh sát giao thông làm ngơ

Úm ba la, biến “hồ vồ” thành xế hộp?

Theo quan sát của phóng viên, dọc quốc lộ 1A, đoạn từ Tam Điệp về TP Ninh Bình và đường vành đai TP Ninh Bình (Đoạn đi cảng Khánh Phú) là điểm nóng của xe “hổ vồ” chở quá tải. 

Các loại xe tải cơi nới hết cỡ nối đuôi nhau hoành hành. Nhiều xe “hổ vồ” cơi nới thùng xe lên đến 2m, chở đất đá lên tới 60-80 tấn, trong khi quy định đăng kiểm cho phép tải trọng cả xe và thùng chỉ 20-30 tấn, thùng xe không cao quá 60cm. 

Ở đây xe chở đá từ các mỏ khai thác về các nhà máy xi măng và chở clinker từ Nhà máy ximăng Pomihoa, Vicem Tam Điệp chạy suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Thế Cường, một người dân sinh sống tại Tam Điệp cho biết: “Trên địa bàn Tam Điệp có đến 2 nhà máy xi măng. Các xe quá khổ quá tải chở đá, clinker chạy tấp nập ngày đêm băm nát hết đường sá, bụi bặm phủ kín xóm làng..” 

Một người dân khác ở Tam Điệp cũng than thở: “Đường được làm khá đẹp, vậy mà thời gian qua khi các loại xe siêu trọng chạy thì bị lún, lật mảng lên thành ổ trâu, ổ voi... cả. Dù có sửa chữa đến mấy cũng không chịu nổi với trọng tải xe lên đến 60-80 tấn cày suốt ngày đêm”.

Ở đây mỗi ngày đêm có hàng trăm lượt xe lớn chở đá mỏ khai thác đá về Nhà máy ximăng rồi chở clinker từ các nhà máy xi măng đi. Mặt quốc lộ 1A và đường vành đai Ninh Bình bây giờ đầy ổ voi, sống trâu. 

{keywords}

{keywords}
Mặt đường vành đai TP Ninh Bình

Người dân đi xe máy và các loại ôtô nhỏ gặp không ít nguy hiểm vì luôn phải lách tránh hoặc sụp vào...Tại tuyến đường từ Tam Điệp về TP Ninh Bình, đoạn qua nhà nháy phân lân Ninh Bình có đặt một trạm cân, có chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông nhưng dường như cả trạm cân và cảnh sát giao thông đều làm ngơ cho xe quá tải quá khổ lưu hành. 

Điều đáng lưu ý là những xe quá khổ quá tải tung tăng lọt qua trạm cân một cách dễ dàng, không gặp bất cứ sự trở ngại nào đều mang biển kiểm soát của Ninh Bình. Một số xe ngoại tỉnh khác, muốn lọt thì phải đậu chờ sát mép đường chờ đợi, sau khoảng 20- 30 phút “báo cáo” cũng khỏi cần cân, lần lượt chui qua trạm.

“Bằng mắt thường, không cần cân, chỉ cần tính kích thước thành thùng bệ, tính toán với trọng tải của từng loại đá, clinker thì sẽ thấy ngay số lượng quá tải đối với xe Hổ Vồ 3 chân, 4 chân… Tuy nhiên, không hiểu sao cảnh sát giao thông vẫn làm ngơ cho xe qua trạm. Chẳng lẽ các cơ quan nhìn nhầm cả trăm xe quá tải đều là xế hộp lưu thông?”- một người dân thắc mắc.

Đoạn QL1A chiều đi từ TP Ninh Bình về Tam Điệp mặt đường khá bằng phẳng, tuy nhiên, cũng trên đoạn đường này, chiều từ Tam Điệp về Ninh Bình, do đường phải oằn mình cõng xe quá tải nên mặt đường bị biến dạng, in hằn những đường lốp dài sâu hoắm…dù đường mới làm lại, vỉa hè vẫn chưa kịp hoàn thiện.

Dư luận xót xa, đặt câu hỏi, phải chăng có sự “tiếp tay” của cán bộ trạm cân, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cho các xe quá khổ quá tải nên các tuyến đường này mới bị băm vằm nhanh chóng như vậy?

{keywords}
Những vết lún sâu trên mặt đường

Ai chịu trách nhiệm?

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), những năm gần đây, phương tiện xe tải gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe tải trọng nặng là nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra việc xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng của các bộ phận kết cấu cầu đường; gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố, thiệt hại rất lớn về kinh phí và quan trọng hơn là làm giảm tuổi thọ của công trình. 

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường, từ Quốc lộ tới tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện và đặc biệt, các tuyến đường đê bị băm nát.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24h/ ngày và 7 ngày/ tuần, kiên quyết chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải.

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu: “Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm xe quá tải để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN vận tải, tránh tình trạng DN vận tải thực hiện nghiêm bị đánh đồng lẫn lộn như DN thực hiện không nghiêm”.

 Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm phải cơ bản kiểm soát được xe chở quá tải, bởi nếu không nhiều tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng lại sẽ bị phá hỏng hết...

Với tình trạng, những chiếc xe phá đường vô tư di chuyển mà không hề gặp phải khó khăn nào, lực lượng chức năng vẫn làm ngơ cho xe quá tải hoành hành như tại Ninh Bình hiện nay thì liệu quyết tâm của Phó Thủ tướng sẽ như thế nào, mục tiêu của Bộ trưởng sẽ đi về đâu? Có lẽ đã đến lúc, ngoài việc ban hành các chế tài quyết liệt với xe quá tải thì việc tăng cường chế tài xử phạt đối với các cán bộ có hành vi tiếp tay cho xe quá tải là hết sức cần thiết.

Tại sao xe quá khổ quá tải vẫn tung tăng trên QL1A Ninh Bình? Tại sao tại đây xe quá khổ quá tải lại dễ dàng qua mặt trạm cân, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về việc xe quá khổ quá tải băm nát đường quốc lộ, đường vành đai TP Ninh Bình? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

(Theo báo Xây dựng)