- Bão số 2 mạnh lên cấp 14, giật cấp 16, 17 và chỉ còn cách Hoàng Sa 250km về phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi chỉ đạo các địa phương dồn sức chống bão.

{keywords}

Bão số 2 mạnh lên cấp 14, giật cấp 17 (Ảnh: NCHMF)

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết lúc 4 giờ sáng nay vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Đến 4 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Thái Bình khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 04 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (18/7), vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 – 6 mét.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh đồng bằng và khu Đông Bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9.

Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm nay có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Hà Nội hối hả cắt tỉa cây sâu mục chống bão

Ghi nhận của VietNamNet, trên tuyến phố Tràng Thi (Hà Nội) chiều 17/7, Công ty Cây xanh đã tổ chức 5 tổ cắt tỉa cành trên phố phòng chống bão. 

Tối ngày 17/7, trao đổi với PV VietNamNet đang có mặt ở Thái Bình để đưa tin về cơn bão, ông Lê Văn Nghiên - Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ sáng sớm huyện đã triển khai công tác tuyên truyền kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào bờ tránh bão an toàn.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 317 hộ dân với 1.133 nhân khẩu sẽ được di tản vào vùng an toàn trong đê trước 16h chiều 18/7.

Đối với tàu thuyền hoạt động ngoài biển, ông Nghiên cũng cho biết, đã có 441 phương tiện cùng hơn 1.000 lao động đã cho tàu neo đậu tránh trú tại các bến trong tỉnh.

20 tàu thuyền còn lại cùng 112 lao động đang hoạt động và neo đậu ngoài tỉnh cũng đã được thông báo nhanh chóng neo đậu vào vùng an toàn.

“Việc bố trí sắp xếp ở nơi neo đậu, sơ tán người trên các phương tiện đến nơi an toàn đến thời điểm này đã được thực hiện đảm bảo yêu cầu”, ông Nghiên nói.

Khi được hỏi về công tác chống bão Ramasun, ông Bùi Anh Tập - cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Thái Thụy cho biết: Thái Thụy là một trong những huyện hàng năm vẫn thường có vài ba cơn bão “quét” qua, nên người dân trong huyện đã có kinh nghiệm chống bão, cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người và của.

“Bão vào sợ nhất là mưa lớn gây ngập úng vùng nuôi trồng thủy, hải sản và vụ lúa vụ mùa mới được bà con cấy xong. Để phòng chống, với vùng nuôi trồng thủy, hải sản bà con đã cho quây lưới để bảo vệ hải sản. Còn đối với đồng lúa vụ mùa, huyện cũng đã chỉ đạo bà con chủ động tiêu hết nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng...”, ông Tập nói. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

C.Quyên - Vũ Điệp