- Giờ nghị án, người đàn bà nhỏ thó ngồi cúi gằm, thỉnh thoảng quay sang bị cáo bên cạnh rì rầm điều gì không rõ. Không theo dõi phiên tòa, không ai nghĩ chị là mẹ của bị cáo ngồi bên. Vì đồng tiền, người mẹ đã dung túng, cùng con trai làm điều trái đạo.

Vụ trộm cỏn con

Phiên tòa hôm ấy không có một người thân dự khán, người đàn bà ngồi lọt thỏm trước vành móng ngựa. Vụ án nhỏ, thủ đoạn phạm tội cũng giản đơn nhưng để lại cho người nghe nhiều cảm xúc.

Được gọi lên thẩm tra lý lịch, người đàn bà luống cuống. Bị cáo cho biết mình tên Lê Thị Ben (SN 1960), hộ khẩu thường trú tại phường An Khánh, quận 2, TP.HCM nhưng hiện không có nơi ở nhất định. Trình độ học vấn: không biết chữ. Nghề nghiệp: không. Chồng: đã ly hôn. Bị cáo có 6 người con, bị cáo là mẹ của Châu Hồng Liêm (SN 1986) - bị cáo chủ mưu trong vụ án...

{keywords}
Bị cáo Ben sau phiên xử

Theo cáo trạng, do cần tiền để tiêu xài nên Châu Hồng Liêm bàn bạc cùng với mẹ là Lê Thị Ben đi trộm cắp tài sản. Không những không ngăn cản con, Ben nhanh chóng nhận lời. Khoảng 19h ngày 7/9/2013, Liêm lấy chiếc xe đạp "cà tàng" chở mẹ đi lòng vòng tại một số tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố để tìm người để trộm cắp.

Khi hai mẹ con đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1), thấy ông Honaoka Toshihiko (quốc tịch Nhật Bản) đang đứng chờ qua đường, trước bụng có đeo một chiếc túi nên Liêm liền rủ mẹ ra tay.

Ben gật đầu, Liêm liền cho xe chạy tới tấp vào lề đường gần chỗ vị khách nước ngoài. Hai mẹ con họ bắt đầu "diễn kịch". Đến sát vị khách, Liêm và Ben cầm những tấm bưu thiếp xúm lại trước mặt vị khách giả vờ mời mua. Nhân lúc vị khách mất cảnh giác, Liêm dùng tay kéo dây kéo móc lấy một chiếc ví, giấu dưới bụng Liêm và leo lên xe đạp bỏ chạy.

Lúc này, người thợ sửa xe và những người gần đó phát hiện đuổi theo. Mẹ con Ben nhanh chóng bị bắt giao công an xử lý.

Lương tâm người mẹ?

Tại tòa, Liêm và mẹ thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Liêm bảo do nhà nghèo, không có tiền để tiêu xài nên mới đi trộm. Vị chủ tọa bức xúc: "trong cuộc sống, bị cáo có thấy rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí họ còn bị khuyết tật nhưng vẫn chăm chỉ lao động hàng ngày để làm ra những đồng tiền chân chính, bị cáo là thanh niên, khỏe mạnh sao có thể nói vì nghèo, vì cần tiền để tiêu xài mà đi trộm tài sản?...", Liêm cúi đầu im lặng.

Với mẹ con Liêm, đây không phải là lần đầu xộ khám. Năm 2004, khi mới 18 tuổi, Liêm đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 2 năm tù về tội "cướp giật tài sản". Năm 2007, Liêm tiếp tục nhận án 4 năm tù cũng về tội danh trên. Thi hành xong bản án trên, cuối năm 2010, Liêm lại bị bắt về hành vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản" sau đó bị TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) tuyên phạt mức án 2 năm 6 tháng tù.

Gần 10 năm trôi qua, một thanh niên mới lớn vào đời với những ngày tháng lao tù, những vệt đen tội danh dài dằng dặc. Khi tòa hỏi Liêm vì sao đã nhiều lần vào tù ra khám nhưng không có ý thức cải tạo bản thân để trở thành một công dân tốt mà lại tiếp tục sa vào con đường phạm tội, Liêm cúi gằm không đáp.

Trong lúc tòa thẩm vấn con trai, bị cáo Ben ngồi rúm ró trước vành ngựa. Ngoài lần phạm tội này, bản thân Ben cũng từng bị TAND quận 2 (TP.HCM) xử phạt 5 tháng 5 ngày tù về tội "đánh bạc".

Ánh mắt nghiêm nghị, vị chủ tọa gọi người mẹ lên hỏi: “là một người mẹ, có con đã nhiều lần vi phạm pháp luật, vì sao bị cáo không dạy dỗ, khuyên răn con mà lại cùng con thực hiện hành vi trộm cắp? Bị cáo là mẹ đáng lẽ phải là người chỉ bảo, khuyên nhủ con điều hay, lẽ phải để con bị cáo trở thành công dân tốt, đằng này bị cáo là một người mẹ, bị cáo nghĩ gì mà lại lên xe cùng con đi trộm?”. Bị cáo Ben bối rối, bị cáo thừa nhận lỗi lầm và xin tòa xem xét cho mẹ con bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất để sớm được trở về.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Châu Hồng Liêm mức án 4 năm tù, Lê Thị Ben 1 năm tù cùng về tội “trộm cắp tài sản”. Hai mẹ con lầm lũi lên xe về trại. Không biết người mẹ ấy nghĩ gì khi chính mình đã vào hùa, cùng con trai rơi vòng lao lý?

Mai Phượng - Hải Yến