- Hiện nay, trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội đang lan truyền thông tin về số liệu trẻ tử vong do dịch sởi, theo đó, số liệu thực tế được cho là cao hơn nhiều con số 25 trẻ tử vong được Bộ Y tế công bố. Dịch sởi cũng đang diễn biến nguy hiểm làm nhiều người dân lo lắng, hoang mang.

Đã có 25 trẻ chết, sởi biến chứng nguy hiểm thế nào?

Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào và phụ huynh cần làm gì khi con bị mắc?

Vì sao không công bố dịch sởi?

Cho rằng chưa đủ điều kiện nên Bộ Y tế cho biết các địa phương chưa công bố dịch sởi. Trong khi đó, bệnh nhi bị sốt, phát ban nghi mắc sởi vẫn ùn ùn đi khám.

Giải thích về “độ vênh” của số liệu bệnh nhân tử vong do sởi, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết:

Đây là các ca tử vong được khẳng định là do biến chứng của sởi. Còn trên thực tế bệnh viện có thể có những trường hợp bệnh nhân tử vong do những nguyên nhân khác bao gồm cả bệnh nhân vừa mắc bệnh khác và sởi.

{keywords}
Dịch sởi cũng đang diễn biến nguy hiểm làm nhiều người dân lo lắng, hoang mang.

Một vấn đề cũng cần xem xét là thời điểm hiện tại có nhiều dịch bệnh song hành, nhất là trong điều kiện thời tiết giao mùa đông – xuân, là điều kiện cho các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em phát triển và những bệnh này có nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi, cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi.

Một vấn đề chúng tôi cũng đang băn khoăn là số trường hợp tử vong do sởi chỉ tập trung chủ yếu ở phía Bắc mà phía Nam chưa có. Hiện các nghiên cứu cho thấy vi rút sởi chưa phát hiện có biến đổi về gen và độc lực, do đó theo tôi việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết và công bố số liệu là phải hết sức khoa học và chính xác để tránh hoang mang cho người dân.

Ông có thể cho biết các ca tử vong do sởi hiện tập trung tại địa phương nào?

Hiện nay thì số bệnh nhân đông chỉ tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Trong 25 trường hợp tử vong đã báo cáo là của một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội.

Chúng tôi cũng đang phân tích thêm xem liệu sự khác biệt về thời tiết giữa hai miền Nam - Bắc trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng đến mức độ nặng của sởi hoặc có vấn đề nguyên nhân khác liên quan ở khu vực miền Bắc không.

Vi rút không biến đổi, sao nhiều bệnh nhân nặng?

Bộ Y tế đưa ra nhận định vi rút sởi không có sự biến đổi về gen (vẫn là gen sởi cổ điển như các năm trước) nhưng trên thực tế tại các bệnh viện, các ca bệnh biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do sởi rất nặng, nhiều trẻ đã tử vong.

Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Số mắc năm nay thấp hơn so với vụ dịch sởi năm 2009 - 2010, khoảng gần 2.000 trường hợp. Số trường hợp bệnh nhân lại chỉ cao cục bộ tại các bệnh viên Nhi Trung ương, Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

{keywords}

Nhiều trẻ bị sởi nặng gây quá tải BV (Ảnh: C.Q)

Việt Nam hiện nay chưa là nước công bố loại trừ bệnh sởi nên bệnh sởi vẫn xảy ra hằng năm và đang cố gắng để đạt được mục tiêu này.

Trên thực tế phần lớn những bệnh nhân sởi nặng năm nay là do có bệnh lý ở phổi hoặc là bị biến chứng viêm phổi sau sởi và các biến chứng khác của sởi như tiêu chảy lại rất ít.

Theo tôi, mùa đông xuân là mùa của dịch bệnh đường hô hấp nên số bệnh nhân viêm phổi nhập viện trong dịp này cũng thường tăng cao. Năm nay, do bệnh sởi xảy ra cùng lúc với thời điểm bệnh nhân viêm phổi nhập viện cao nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều hơn.

Còn về các điều kiện khác như vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của vi rút sởi thì các nghiên cứu của Bộ Y tế, cũng như thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có gì bất thường.

Cách đây gần một tháng, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế cũng đã họp và cũng đã đưa ra kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, nhưng trước tình hình như vậy, ngày hôm nay (15/4) Hội đồng lại tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị cũng như tìm giải pháp điều trị tốt hơn.

Báo chí đang đặt nhiều câu hỏi về vấn đề công bố dịch, khi mà mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện và con số tử vong hiện đều đang trong tình trạng khá căng thẳng. Ông có thể nói gì về vấn đề này?

Hiện nay việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch.

Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.

Hiện nay các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.

Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi.

Càng quá tải càng dễ nhiễm chéo

Ông Phu cho biết nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương để có được hướng dẫn điều trị hợp lý. Bởi vì, BV tuyến trên hiện không đủ giường bệnh để thực hiện cách ly, phòng chống lây nhiễm nên nguy cơ nhiễm vi rút sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện là rất lớn.

Ông Phu khuyến cáo các gia đình cũng lưu ý trong việc chăm sóc về dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các biến chứng do sởi gây ra, đồng thời tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Cẩm Quyên (ghi)