- “Anh Thịnh bị bỏng tới 85%, vết bỏng rất sâu. Tiên lượng bệnh nhân rất xấu nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực còn nước còn tát.”, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định.

Chưa thể ghép da nếu bệnh nhân còn sốc

Sáng ngày 14/4, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng – tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, 10 nạn nhân của vụ nổ thùng thép ở nhà máy Pomina (Bà Rịa – Vũng Tàu) có 4 trường hợp nặng và 6 trường hợp nhẹ.

Trong số các nạn nhân bỏng nặng, một trường hợp nguy kịch hơn cả là anh Hoàng Thanh Thịnh (SN 1995, quê Hà Tĩnh).

{keywords}

Các nạn nhân bị bỏng nặng của vụ nổ đường ống dẫn thép đang được tích cực cứu chữa. (Ảnh: Thanh Huyền)

Các nạn nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy tới nay đã sang ngày thứ 4 nhưng bệnh nhân Thịnh vẫn sốc nặng.

Quan trọng nhất với trường hợp bỏng nặng là phải nhanh chóng cắt bỏ phần hoại tử để ghép da. Tuy nhiên, bệnh nhân còn đang sốc nên chúng tôi chưa thể làm gì thêm, chỉ có thể bù dịch để ổn định huyết động.

Điều chúng tôi lo lắng là nguy cơ vết thương nhiễm khuẩn. Bây giờ để đưa ra tiên lượng cho bệnh nhân Thịnh tôi e là còn quá sớm”, bác sĩ Đạo nói.

3 nạn nhân bị bỏng nặng còn lại, đến sáng nay sức khỏe đã tạm ổn. Trong 6 nạn nhân bỏng nhẹ đã có 2 người được xuất viện là anh Nguyễn Thành Long và Trương Ngọc Đức Tài.

Theo bác sĩ Đạo, nước thép dẫn nhiệt rất nhanh nên gây tổn thương sâu. Đặc biệt đây lại là vụ nổ nên nước thép nóng văng tứ tung khiến các nạn nhân bị bỏng đầu, mặt cổ, toàn thân, tứ chi.

Không chỉ thế, 4 nạn nhân bị bỏng nặng còn kèm theo bỏng hô hấp do hít phải khí nóng.

Khi được hỏi về di chứng lâu dài các nạn nhân phải gánh chịu, bác sĩ Đạo cho biết, đó là sẹo phì đại và co rút cơ. Tuy nhiên, những di chứng trên có thể phòng ngừa và hạn chế. Chuyện quan trọng nhất hiện nay là tập trung giữ lại mạng sống và ghép da cho bệnh nhân. Ghép da càng sớm sẽ càng giảm thiểu các di chứng do bỏng.

May mắn, theo phỏng đoán của bác sĩ, 6 nạn nhân bỏng nhẹ có thể đi làm trở lại sau 2 – 3 tuần nữa.

Bác sĩ Đạo lưu ý người dân khi sơ cứu cho nạn nhân bị bỏng đầu tiên phải dùng nước lạnh từ 16 - 20 độ C tưới lên vết thương. Làm vậy để giảm tổn thương sâu. Nếu sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục, sống sót cao hơn cho người bị nạn.

Nguyên nhân nổ do phụ gia chưa tan hết?

Sáng cùng ngày, ông Đỗ Tiến Sĩ, Tổng Giám đốc công ty Pomina 3 (một thành viên của tập đoàn Thép Pomina) đã chính thức thông báo về sự cố kỹ thuật dẫn đến vụ bể ống dẫn nguyên liệu xảy ra chiều tối ngày 11/4 tại nhà máy thép Pomina 3 (khu công nghiệp Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

{keywords}

Khu vực xảy ra vụ nổ ống thép ở nhà máy Pomina 3. (Ảnh: Người lao động)

Kết quả kiểm tra ban đầu của công ty cho thấy, nguyên nhân sự việc là do một sự cố hiếm gặp trong quy trình vận hành tại khâu lò tinh luyện, dẫn đến hiện tượng phụ gia có thể chưa tan hết trong thùng thép, tạo nên nhiệt độ không đồng đều tại các vị trí và gây phản ứng nhiệt trong thùng rót. Sự cố nổ xảy ra tại khu vực đúc liên tục .

Riêng trường hợp công nhân bị bỏng nặng nhất, ông Sĩ chia sẻ, công ty đã mua vé máy bay cho vợ và con của anh Hoàng Thanh Thịnh từ Hà Tĩnh vào để trực tiếp chăm sóc anh.

Công ty cũng đã đóng 120 triệu tiền tạm ứng đợt 1 cho bệnh viện để đảm bảo anh Thịnh được chăm sóc với tất cả các thiết bị và thuốc men tốt nhất.

Ngoài ra, công ty cam kết với gia đình anh Thịnh, nếu tai nạn làm ảnh hưởng đến sức lao động của nạn nhân, công ty sẽ chịu trách nhiệm chăm lo cho các con anh đến lúc trưởng thành.

Hiện nay, chúng tôi đang cùng các chuyên gia quốc tế rà soát lại một lần nữa toàn bộ quy trình sản xuất của nhà máy, nhằm đảm bảo không có các sai sót nào trong vận hành tái diễn. Công ty cũng đang thực hiện báo cáo chi tiết cho cơ quan chức năng về sự cố này.

Điều may mắn là sức khỏe của những công nhân bị ảnh hưởng đã tốt lên, và sự cố chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu tiên của quy trình đúc, không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm”, ông Sĩ nói.

Thanh Huyền