- Trong vụ án này, chỉ có hành vi phạm tội “bắt người trái pháp luật và hành vi giết người”; cần phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về hai tội phạm này mới chính xác.


{keywords}

Các bị cáo và gia đình bị hại tại tòa. Ảnh: Plo.vn

Phiên tòa xử 5 công an đánh chết người xảy ra ở Phú Yên đã khép lại. Bản án sơ thẩm tuyên mức án cao nhất đối với bị cáo đầu vụ Nguyễn Thân Thành Thảo là 5 năm tù…

Bản án gây ngỡ ngàng, xôn xao dư luận…phần lớn không đồng tình với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đề xuất và bản án của Tòa. Nhìn lại vụ án, phải chăng ngay từ đầu, việc truy tố, xét xử không đúng tội danh đã dẫn đến hậu quả dây chuyền như vậy?      

Trước hết, dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.

Hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố. Khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng. Như vậy, tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.

Hành vi của 5 công an là hành vi tra tấn dã man anh Ngô Thanh Kiều đến chết, nhưng không phải hành vi tra tấn nào của công an cũng cấu thành tội “dùng nhục hình” quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự.

Tội dùng nhục hình quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trong trường hợp cụ thể này, hành vi tra tấn anh Kiều đến chết của 5 công an không xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, vì anh Kiều chưa phải là bị can; từ việc bắt anh Kiều không đúng pháp luật; anh Kiều không phạm pháp quả tang, cũng không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp; Công an bắt người lúc 3 giờ sáng lại không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang là hành vi bắt người trái pháp luật.

Anh Kiều cũng chưa bị khởi tố bị can, nên hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra cũng chưa bị xâm phạm. Chỉ dừng lại ở hành vi này thôi cũng đủ dấu hiệu cấu thành tội bắt người trái pháp luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.

Giả thiết, sau khi bị bắt anh Kiều quá uất ức mà tự tử thì thuộc trường hợp “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù.

Trong một xã hội dân sự, không thể cứ thấy nghi là phạm tội thì bắt, còn lệnh bắt chỉ là thủ tục giấy tờ, không quan trọng; nói vậy chỉ có ở thời trung cổ, chứ thời nay mà quan niệm như vậy thì không ai nghe được. Nếu cơ quan điều tra bắt sai, lại hợp thức hóa giấy tờ thủ tục thì lại càng sai và hành vi này còn là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự.

Chỉ được coi là dùng nhục hình khi đã có quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên có hành vi tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác.

Trong vụ án này, chỉ có hành vi phạm tội “bắt người trái pháp luật và hành vi giết người, cần phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về hai tội phạm này mới chính xác.

Ngoài việc xác định tội danh không đúng, các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP Tuy Hòa còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc triệu tập người làm chứng, và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến tòa để xét hỏi.

Liên quan đế hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều, còn có trách nhiệm của ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa, người trực tiếp chỉ đạo việc xét hỏi đối với anh Kiều, nhưng không có mặt tại phiên tòa mặc dù tòa án có triệu tập; việc vắng mặt quá nhiều người làm chứng, cũng như việc tranh tụng tại phiên tòa không được thực hiện đúng pháp luật, càng làm cho gia đình người bị hại và dư luận đã bức xúc, càng thêm bất bình hơn.

Đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên và ở Trung ương cần vào cuộc để làm rõ bản chất của vụ án góp phần ổn định tình hình, trả lời thỏa đáng trước công luận.

Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự - Tòa án nhân dân tối cao)