Ở Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội – mảnh đất được gọi là nhất xã, nhất thôn có một chàng thanh niên nghèo lập nghiệp bằng con đường đặc biệt. Chàng trai đó là Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1971), đã biến bãi bồi hoang ven sông Hồng thành trang trại chăn nuôi. Điều đặc biệt là anh đã chọn nuôi ngựa bạch để làm giàu. Hồi sinh đàn ngựa bạch với số lượng chỉ còn vài trăm con vào năm 2006 trở thành trại ngựa bạch lớn nhất Việt Nam có công rất lớn của chàng trai này.

Ra bãi bồi khởi nghiệp

Con đường học vấn của Thắng cũng chỉ hết phổ thông rồi quay trở về cảnh sống của anh nông dân.

Anh cho biết: “Vùng quê của tôi tuy cách trung tâm Hà Nội chưa đến 20km nhưng vẫn thuần nông, chẳng có nghề phụ hay buôn bán gì cả. Người ở Yên Mỹ chủ yếu trồng rau xanh để bán vào nội thành. Mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng lên có khi còn ngập úng mất trắng nhiều héc ta hoa màu”.

Năm 2004, khi đã ngoài 30 – cái tuổi chín chắn nhất để lập nghiệp, Thắng quyết định một hướng đi táo bạo đó là vay vốn rồi xin chính quyền cho cải tạo đất hoang ven sông để lập trang trại.

{keywords}
Anh Thắng cưỡi ngựa bạch đi quanh trang trại

Sau hơn một năm với tinh thần “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”… Thắng cùng vợ đã cải tạo được gần 4ha đất bãi bồi.

Anh nhớ lại: “Thật là khủng khiếp, vì khu đất tôi xin cải tạo quanh năm cỏ lau mọc um tùm, chỉ cơn mưa to là ngập sâu hàng mét. Chúng tôi đã phải chở không biết bao nhiêu đất từ nơi khác đến để tôn cho nó cao lên. Tất cả tiền đều phải vay từ ngân hàng, chứ gia đình làm gì có dư giả nhiều thế”.

Lúc đầu gia đình Thắng nuôi lợn, gà, vịt thông thường như những trang trại khác. Nhưng tất cả đều không ăn thua bởi mùa dịch, mùa cúm ập tới có khi mất trắng cả đàn gà, vịt sắp được bán.

Thắng chua xót bảo rằng thời điểm đầu lập trang trại với mình là những ngày khổ sở nhất, làm ăn thua lỗ nhưng các khoản chi phí vẫn phải nộp đầy đủ cho Nhà nước. Anh xoay xở mãi vẫn chưa tìm được hướng đi và vật nuôi gì hợp lí.

Vào năm 2006, người chị của Thắng gợi ý anh nuôi ngựa bạch. Anh tâm sự: “Tôi và chị mình sau nhiều ngày bàn bạc, đi tìm hiểu các trại ngựa khắp miền Bắc đã có được số liệu khá chính xác.

Khi đó ngựa bạch trên toàn miền Bắc, cộng với trong Nam thêm một số ít nữa, tất cả còn khoảng 400 – 500 cá thể. Ngựa được thịt nấu cao ngày một nhiều, còn người đi nhân giống lai tạo ngựa bạch khi đó hầu như không có”.

Được sự tư vấn của cơ quan thú y, cũng là những người quen biết của chị mình, Nguyễn Mạnh Thắng đã đi săn lùng một số con ngựa bạch về nuôi.

Anh kể: “Vào năm 2006, ngựa bạch ở Việt Nam có xuất xứ là ngựa Cao Bằng. Giống ngựa Cao Bằng được nuôi nhiều nhất ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn và tất nhiên cả Cao Bằng nữa. Tôi đã đi mấy tỉnh này mua vài cặp mất hơn 100 triệu về nuôi thử xem sao”.

Theo anh Thắng, ngựa bạch Cao Bằng nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 150-180kg. Nuôi ngựa bạch nói chung và ngựa Cao Bằng nói riêng vừa dễ mà cũng vừa khó.

Dễ ở chỗ ngựa bạch ăn được tất cả các loại cỏ, bệnh tật rất ít, thường chỉ mắc các bệnh thông thường như đầy hơi, chướng bụng, hoàn toàn dễ chữa khỏi.

Nhưng khó là chúng thích nghi với thời tiết mùa hè kém hơn nhiều so với trâu, bò. Chính vì thế trong mấy cặp ngựa đầu tiên Thắng nuôi đã bị chết 2 con, vì ngựa bạch là giống không chịu được trời quá nóng.

Lai ngựa Việt với ngựa Tây Tạng

Ý tưởng thì có rất nhiều nhưng hướng đi chủ yếu của trang trại, theo Thắng là phải nhân giống, lai tạo chứ không được nuôi lớn rồi bán thịt hoặc nấu cao.

Khi nghe phong thanh vùng núi phía Bắc đã có một số nhà nuôi giống ngựa bạch Tây Tạng rất quý hiếm, Thắng lại quyết định những cuộc săn lùn mới.

{keywords}
Hàng ngày, anh Thắng tự tay chăm sóc những chú ngựa bạch

Theo anh, ngựa bạch Tây Tạng con trưởng thành có thể nặng đến 350kg, nghĩa là gấp đôi ngựa bạch Cao Bằng của Việt Nam.

Thắng đã đi tìm kiếm một số ngựa bach Tây Tạng (Trung Quốc) để về nuôi thử. Anh đã từng lên các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng để mua ngựa bạch Tây Tạng từ lái buôn của Trung Quốc lẫn người Việu Nam.

Ngựa bạch Tây Tạng có giá cả trăm triệu đồng một con. Với những con ngựa bạch trưởng thành nặng trên 300kg, vào thời điểm năm 2013 có giá khoảng 200 triệu/con.

Do quen sống ở xứ lạnh như vùng cao nguyên Tây Tạng nên giống ngựa bạch này về Việt Nam gặp thời tiết nóng của mùa hè là rất dễ chết.

Anh Thắng nhớ lại: “Trong đôi ngựa bạch Tây Tạng đầu tiên tôi mua về, có một con chết bất đắc kỳ tử và sự thể diễn ra rất nhanh. Hôm đó trời tháng 6 khá oi bức, lúc sáng con ngựa này vẫn ăn uống rồi tắm rửa bình thường, nó tỏ ra khỏe mạnh như mọi khi. Thế mà đến trưa, nó lăn đùng ra chết”.

Với con ngựa bạch Tây Tạng nặng đến 300kg thì khi đã chết chỉ còn lấy xương đem nấu cao kiếm lại chút vốn.

Một con ngựa Tây Tạng trưởng thành có thể nấu được 7kg cao (trong khi ngựa bạch Cao Bằng chỉ nấu được 3,5kg). Nhưng dù số cao đó bán hết cũng chỉ bù lại được 1/3 số tiền mà Thắng đã bỏ ra khi mua giống.

Không nản chí, Thắng quyết định vay thêm vốn để mua thêm vài chú ngựa bạch Tây Tạng khác về nhân giống và đặc biệt là quyết tâm thực hiện ý định lai tạo của mình.

Sau vài năm thử nghiệm, đến năm 2010 Thắng đã lai tạo thành công giống ngựa bạch Cao Bằng với ngựa bạch Tây Tạng để cho ra con giống mới.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi mùa trại ngựa của Nguyễn Mạnh Thắng cho ra đời 25-35 con ngựa giống, gồm cả ngựa lai lẫn ngựa thuần chủng.

Nhân giống và liên tục lai tạo thành công 2 loại ngựa nên về số lượng, đàn ngựa bạch ở đây luôn trên dưới 100 con, vượt qua trại ngựa Bá Vân (Thái Nguyên) để trở thành trại ngựa bạch lớn nhất Việt Nam.

Thuần hóa để cưỡi chơi

Ngựa bạch thường có bộ lông đẹp, anh Thắng đã có ý định thuần hóa vài cặp để mọi người cưỡi chơi.

Ở Đà Lạt đã có dịch vụ các cô dâu, chú rể thuê ngựa bạch cưỡi hoặc 2 ngựa bạch kéo xe hoa để chụp ảnh cưới.

Anh Thắng hiện đã thành công trong việc thuần hóa 2 chú ngựa bạch Tây Tạng với thân hình to lớn và màu lông trắng đẹp. Thuần hóa mấy con ngựa bạch Tây Tạng là điều rất khó khăn. Anh phải dành hết tâm trí và tìmh cảm cho chúng vì giống ngựa bạch này rất khôn.

Hằng ngày anh phải tận tay chăm sóc chú ngựa bạch đã thuần hóa từ cho ăn, đeo yên, đeo dây cương rồi cưỡi nó đi vài vòng quanh trang trại cho quen với hơi người, quen đường đi lối lại.

Việc thuần hóa ngựa, theo anh, thực sự là đam mê và mong muốn có một vài chú ngựa để các bạn trẻ vui chơi đích thực.

Trang trại của anh hiện đang được cải tạo, trồng hoa cây cảnh, thảm cỏ xanh, các hòn non bộ… cùng một vài chú ngựa bạch đã thuần hóa để đón tiếp các em học sinh, sinh viên tới dã ngoại.

Việc tham quan trang trại và cưỡi thử ngựa bạch dành cho thanh thiếu niên đã đi vào hoạt động và hoàn toàn miễn phí.

Tương lai, các đôi uyên ương có thể đến trang trại của anh để thuê ngựa chụp ảnh cưới. Anh bảo, nếu có dịch vụ này thì cũng hỗ trợ các đôi tình nhân là chính.
Có những con người như anh thì đàn ngựa bạch ở Việt Nam sẽ không bao giờ sợ cạn kiệt.

Văn Hải

Pháp luật Việt Nam Xuân Giáp Ngọ