- "Tiêm một mũi vắc-xin viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh không thể làm âm tính hóa ngay nếu đứa trẻ được sinh ra từ một người mẹ bị viêm gan B", GS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc-xin và sinh phẩm y tế quốc gia, chia sẻ.

Băn khoăn

Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc-xin và sinh phẩm y tế quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn vắc-xin sinh phẩm Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 2 loại vắc xin được tiêm cho trẻ sơ sinh, đó là vắc-xin lao và vắc-xin viêm gan B. “Bệnh lao lây qua đường hô hấp nên tiêm vắc-xin lao cho cháu bé ngay sau khi chào đời là chính xác”, GS Bảng nói.

{keywords}

Gia đình 3 trẻ sơ sinh xấu số ở Quảng Trị đưa các cháu về mai táng (Ảnh: VietNamNet).

Nhưng còn vắc-xin viêm gan B, GS Bảng rất băn khoăn với cách làm hiện nay, đó là tiêm ngay mũi đầu tiên cho trẻ ngay sau khi sinh (thông thường phải tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh).

Ông Bảng phân tích: Virus viêm gan B lây qua 3 con đường, gồm tiêm truyền (máu hoặc ma túy), tình dục và từ mẹ sang con. Với trẻ sơ sinh có thể loại bỏ ngay 2 con đường đầu tiên, chỉ còn lại nguy cơ lây từ mẹ sang con.

"Nếu người mẹ cũng nhiễm virus viêm gan B thì đứa trẻ mới bị lây, nếu không thì cháu bé hoàn toàn bình thường. Vì thế, cần giám sát người mẹ thay vì việc tiêm đại trà cho các cháu ngay sau khi sinh", GS Bảng nói.

Ngay cả với trường hợp người mẹ nhiễm virus viêm gan B thì ông Bảng cũng cho rằng cháu bé được sinh ra từ người mẹ này cũng không nhất thiết cần phải tiêm ngay mũi vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu tiên.

"Về mặt khoa học mà nói, nếu virus đã lây từ mẹ sang con thì không thể tiêm 1 mũi lại làm âm tính hóa ngay được, như vậy thì có cần phải tiêm mũi đầu tiên ngay sau khi sinh không? Có cần thiết phải tiêm sớm như vậy không?", vị GS đặt câu hỏi.

Điều này càng có ý nghĩa khi xem xét đến việc trẻ sơ sinh vừa chào đời thường chưa thích ứng với môi trường bên ngoài, những tác động khác (không phải tiêm chủng) cũng có thể gây hại cho trẻ.

"Vắc-xin được lấy từ tủ lạnh ra là tiêm ngay thì trẻ không chịu được, có thể gây phản ứng bất thường", ông Bảng nói.

Không nên vội vã

Theo lý giải của các chuyên gia dịch tễ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền từ mẹ sang con, khả năng phòng từ 85-90%.

Ông Bảng đánh giá, đây chỉ là cơ sở khoa học để ta xem xét rồi đưa ra cách làm phù hợp chứ không nhất thiết phải tiêm ngay trong 24 giờ đầu sau sinh.

"Ngành y tế muốn tiêm ngay cho trẻ tại nhà hộ sinh để kiểm soát được 100% trẻ được tiêm và bảo vệ các cháu khỏi nguy cơ nhiễm viêm gan B từ người mẹ. Nhưng nếu muốn kiếm soát được tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B của trẻ thì có nhiều cách, không cần thiết phải làm theo cách của chúng ta hiện nay là tiêm ngay tại nhà hộ sinh sau khi trẻ chào đời", GS Bảng nhấn mạnh.

Vị GS cũng bày tỏ quan điểm: "Theo tôi thì không nên tiêm vội vã cho trẻ mới 1-2 ngày tuổi (vì như tôi đã giải thích là không thể làm âm tính hóa ngay được virus chỉ với 1 liều vắc-xin). Ta lại càng không nên tiêm đại trà cho tất cả các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài".

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai thì việc tiêm chủng là cần thiết cho trẻ song với trẻ sơ sinh thì cần đặc biệt thận trọng do hệ miễn dịch của các cháu chưa hoàn chỉnh.

"Việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng đối với trẻ sơ sinh càng cần thiết hơn vì nếu tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu nhưng không phát hiện các bệnh lý kèm theo của trẻ thì sẽ rất nguy hiểm. Có những bệnh có sẵn ở trẻ khiến việc tiêm vắc-xin trở thành việc không nên hoặc cần trì hoãn đến thời điểm thích hợp hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ", ông Dũng nói.

Cẩm Quyên