- “Chủ đầu tư phải khẳng định được việc tổ chức lại giao thông nút Ô Chợ Dừa không gây ách tắc cho trục đường dẫn vào khu vực lõi đô thị, các nút giao thông lân cận khu vực Văn Miếu, đặc biệt là khu trung tâm Chính trị Ba Đình”.

Ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết xung quanh việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư lựa chọn phương án xây cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Lo ngại "đẩy" ùn tắc vào khu trung tâm 

Theo ông Hùng, ngành giao thông TP.Hà Nội cần xây dựng mô hình giao thông tổng thể trong khu vực nội đô, để có phương án tổ chức giao thông tại các nút giao quan trọng trên các trục giao thông chính.

Khi có mô hình giao thông thì sẽ xác định được việc nâng nút Ô Chợ Dừa lên thì dòng phương tiện sẽ "phân bổ" về đâu và có thể đưa ra các phương án cụ thể để giải quyết ùn tắc.

“Trước đây, khi nâng nút giao thông Ngã Tư Sở, Hà Nội phải tính phương án để dòng phương tiện không dồn ách tắc về nút Thái Hà – Tây Sơn. Và khi nâng nút Thái Hà lên thì có giải pháp tổ chức trên hành lang giao thông để cho các nút đỡ ách tắc.

Tuy nhiên, do Hà Nội không có mô hình giao thông nên buộc phải dùng giải pháp thử - sai, và thực tế cho thấy khi nâng nút giao thông Thái Hà – Tây Sơn thì dòng giao thông lại dồn về gây ách tắc trên trục Nguyễn Lương Bằng và đặc biệt là nút Ô Chợ Dừa”, ông Khuất Việt Hùng nói.

{keywords}
Nâng nút giao thông Ô Chợ Dừa liệu ùn tắc giao thông có dồn về nút Văn Miếu - Cát Linh?

Từ thực tế, ông Hùng khẳng định cần phải tổ chức giao thông lại tại nút Ô Chợ Dừa và mạng lưới giao thông khu vực lân cận. Đồng thời, phải lựa chọn phương án tối ưu để đảm bảo nút giao này không còn ách tắc, đặc biệt là các nút lân cận và khu vực trung tâm nội thành.

“Chủ đầu tư phải khẳng định được việc tổ chức lại giao thông nút Ô Chợ Dừa không gây ách tắc cho trục đường dẫn vào khu vực lõi đô thị, các nút giao thông lân cận khu vực Văn Miếu, đặc biệt là khu trung tâm Chính trị Ba Đình”, ông Hùng đề xuất.

Rõ ràng, lo ngại của ông Hùng không phải thiếu cơ sở. Bởi, nếu việc nâng nút giao Ô Chợ Dừa không được nghiên cứu, tính toán kỹ thì khi nút giao này được nâng lên cùng với nút Deawoo – Kim Mã, dòng giao thông từ 2 phía ùa vào khu vực Trung tâm Ba Đình thì ùn tắc tại khu vực này là khó tránh khỏi.

“Thực tế hiện nay, đường Nguyễn Lương Bằng có mật độ giao thông rất lớn và đường Tôn Đức Thắng cũng thường xuyên ùn tắc. Do vậy, nếu nút Ô Chợ Dừa được nâng lên, áp lực dòng phương tiện trên trục Nguyễn Lương Bằng sẽ giải thoát  nhanh qua nút Ô Chợ Dừa và phần lớn sẽ chạy vào đường Tôn Đức Thắng, làm tăng áp lực giao thông vốn đã rất cao trên đoạn đường này và các nút lân cân… 

Chủ đầu tư phải trả lời lãnh đạo thành phố câu hỏi việc nâng nút Ô Chợ Dừa  có làm cho thành phố phải tiếp tục nâng các nút Văn Miếu- Cát Linh, Nguyễn Thái Học – Tôn Đức Thắng hay không?”, ông Hùng băn khoăn.

Cần giải pháp tổng thể, lâu dài!

Theo TS Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT cầu đường Việt Nam, việc xây dựng công trình giao thông tại nút giao Ô Chợ Dừa để giải quyết ùn tắc giao thông không hề đơn giản như các nút giao thông Nguyễn Chí Thanh – Láng, Thái Hà – Tây Sơn... do vị trí của nút giao này đã vào Đê La Thành (khu vực nội thành sát trung tâm) và lại là ngã năm, ngã sáu khi Hà Nội đang tiếp tục hoàn thành con đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Cầu Giấy. 

{keywords}
Theo các chuyên gia, Hà Nội cần có giải pháp tổ chức giao thông tổng thể lâu dài rồi hãy xây cầu vượt tại nút Ô Chợ Dừa.

 

Hơn nữa, mật độ giao thông quy tụ về nút giao Ô Chợ Dừa cực kỳ lớn và các con đường như: Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng... mật độ giao thông cao lại có ít đường phân bổ lưu lượng.

Do vậy, một cây cầu vượt cũng không giải quyết được nhiều vấn đề và như vậy chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Hà Nội vẫn sẽ lại loay hoay và tranh cãi nhau để xây dựng tiếp một cây cầu hay cái hầm nào nữa ở khu vực gần nút giao này.

Từ đánh giá trên, ông Long cho rằng, ngay tại thời điểm này, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc nhất về việc nghiên cứu một giải pháp tổ chức lại giao thông tổng thể và lâu dài.

Cụ thể, phải quy hoạch mạng lưới hạ tầng liên quan đến nút giao Ô Chợ Dừa, điều chỉnh bổ sung hệ thống đường theo quy hoạch, có mạng lưới bố trí phân bổ hợp lý.

“Đường Đê La Thành về lâu dài có nên cho đi 1 chiều hay để hai chiều khi đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Cầu Giấy hoàn thành. Hơn nữa, tương lai khi đường sắt trên cao, tàu điện ngầm đi vào hoạt động thì mạng lưới giao thông tại khu vực nút Ô Chợ Dừa sẽ được phân bổ như thế nào rất cần phải có phương án cụ thể”, ông Long nói.

Liên quan đến việc xây dựng cầu vượt tại nút Ô Chợ Dừa ảnh hưởng đến khu di tích Đàn Xã Tắc, ông Long cho rằng, đây là di tích lịch sử quốc gia đã được Nhà nước công nhận.

Chính vì vậy, tất cả các giải pháp, dù là xây cầu vượt hay tổ chức lại giao thông đều phải có ý kiến của các nhà quản lý di tích.

“Trước khi triển khai xây dựng các dự án, cơ quan quản lý trực tiếp di tích cần phải đưa ra những yêu cầu về mặt bằng như: Giới hạn về khu vực không được phép vi phạm, khu vực xây dựng hạn chế và những nơi không ảnh hưởng gì.

Đến khi triển khai xây dựng các dự án chỉ việc tuân thủ theo các yêu cầu trên bởi mặt bằng đã được thống nhất và thỏa thuận, không phải tranh cãi nhiều”, ông Long nói.

Vũ Điệp

>> Tranh cãi nảy lửa quanh Đàn Xã Tắc >> Cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: Sao không học Đà Nẵng? >> Chính phủ lắng nghe ý kiến đa chiều về Đàn Xã Tắc >> Xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Có nên