- Lâu nay hầu như không có sự giám sát, đánh giá của xã hội đối với các bảo tàng và những người làm bảo tàng nấp dưới sự không để ý tới của xã hội càng dễ trở nên lười biếng. Lâu ngày thành nếp. 

Bảo tàng "khủng" và câu chuyện niềm tin
Siêu bảo tàng 11.000 tỉ là đắt hay rẻ?
Bảo tàng 11.000 tỉ: Phải lo ruột trước rồi mới tính đến vỏ
Bảo tàng 11.000 tỉ: Có nên xây không?
Siêu bảo tàng 11.000 tỉ: Xây bây giờ là quá muộn?
Trưng bày gì ở siêu bảo tàng 11 nghìn tỉ?
Siêu bảo tàng 11 nghìn tỷ: Nên chờ 20 năm nữa!
Xây bảo tàng nghìn tỉ ở Hà Nội: Quá lãng phí!
Bảo tàng 11.000 tỷ và những tỷ hiếm hoi cho di sản
Hà Nội kém phát triển nếu lấy bảo tàng làm thước đo
Bảo tàng tuyệt đẹp, "chưa nổi tiếng" tại Việt Nam
Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở
Có một bảo tàng vẫn đông khách
Bảo tàng TP.HCM chỉ còn... chứng tích chiến tranh
Hiện có sự khủng hoảng với các bảo tàng
Bao cấp + bảo tàng = trì trệ
Sự thật đau lòng ở bảo tàng
1/3 sinh viên bảo tàng ngủ trên giảng đường

1. Năm 2012 có những nhân duyên khiến câu chuyện bảo tàng được sự quan tâm của xã hội. Đó là vào tháng 5, Vietnamnet mở chuyên đề bảo tàng với liên tiếp nhiều bài, trong đó có ý kiến của các chuyên gia. Chỉ đọc các tiêu đề cũng thấy được phần nào nội dung, “Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh… chỉ còn chứng tích chiến tranh”,

“Bảo tàng Hà Nội: khánh thành rồi… dang dở”, “Bao cấp + bảo tàng = trì trệ”, “Hiện có sự khủng hoảng với các bảo tàng”. Tiếp đến tháng 9 là sự cố “Bảo tàng 11.000 tỷ” với khá nhiều bài bình luận trên các báo về Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng mức đầu tư là 11.277 tỷ đồng. Ngoài những bình luận, phê phán, kiến nghị về một vấn đề cụ thể, có thể dễ nhận ra trong tất cả các bài báo một hình ảnh không mấy tươi sáng của hầu hết các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay.

2. Xuất phát từ một vài bảo tàng do chính quyền thực dân Pháp thành lập từ trước 1945 để lưu trữ các cổ vật của các nền văn hóa ở Đông Dương, đến nay cả nước có hơn 100 bảo tàng được xây dựng, trong đó hầu như tỉnh nào cũng có một bảo tàng, xem như là một “thiết chế văn hóa” mang tính bắt buộc trong mô hình xây dựng đời sống văn hóa.

Với phương châm “văn hóa là nền tảng, vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển xã hội”,thiết chế bảo tàng nghiễm nhiên được Nhà nước bao cấp để xậy dựng và hoạt động. Tuy nhiên một xã hội vừa từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trải qua chiến tranh lâu dài, chưa thể chuẩn bị đủ tâm thế để hưởng thụ các sản phẩm của bảo tàng cũng như chưa có đủ một đội ngũ có khả năng mang các giá trị của bảo tàng đến với công chúng. Cho nên nhiều bảo tàng mở ra nhưng không mấy ai đến xem đồng thời cũng không ít người không biết làm việc gì thì vào làm cho ngành bảo tàng. Cái vòng luẩn quẩn này kéo dài trong nửa thế kỷ tạo nên sự đình đốn, ảm đạm của nhiều bảo tàng.

3. Trước hết cần có sự thay đổi từ chính những người làm bảo tàng.

Lâu nay hầu như không có sự giám sát, đánh giá của xã hội đối với các bảo tàng, và những người làm bảo tàng nấp dưới sự không để ý tới của xã hội càng dễ trở nên lười biếng, lâu ngày thành nếp. Được sinh ra trong cái nôi bao cấp, được xem như một “thiết chế” bắt buộc của mô hình, những người làm bảo tàng thường cảm thấy mình có quyền đòi hỏi Nhà nước phải chu cấp.

Có tình trạng một số cán bộ bảo tàng chỉ quanh năm “nghiên cứu”, thảng hoặc đưa ra “ý tưởng”, và từ việc lớn đến việc nhỏ đều quy cho việc “thiếu kinh phí” nên không làm được. Và khi xã hội đổi thay với khoảng cách lớn về thu nhập giữa các ngành, khi nguồn đầu tư cho văn hóa bị cắt giảm, thì lại càng có lý do để biện minh cho sự ì ạch của bản thân. Để có một sự thay đổi mới mẻ cho hình ảnh bảo tàng, những người làm bảo tàng cần nỗ lực và tự điều chỉnh.

4. Nhưng dẫu những người làm bảo tàng có nỗ lực và tâm huyết đến mấy cũng không thể là những hiệp sĩ đơn độc. Họ cần sự hỗ trợ. Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về “xã hội hóa” các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao từ gần 10 năm qua, nhưng ở Việt Nam chưa hình thành thói quen tư nhân tài trợ cho các bảo tàng.

Có lẽ phải cần sự tham gia của giới truyền thông làm sao để cho các doanh nghiệp, các “đại gia” cảm thấy được xã hội đánh giá cao khi tài trợ cho các bảo tàng hoặc bỏ ra các khoản tiền mua các cổ vật giá trị để hiến tặng cho bảo tàng. Ở nhiều nước thì thói quen này đã hình thành và nhiều bảo tàng có riêng một bộ phận chuyên làm công việc “vận động tài trợ” để bù đắp cho các chi phí của bảo tàng. Có không ít trường hợp cá nhân mua hiện vật để tặng bảo tàng và có một số phòng trưng bày mang tên của nhà tài trợ.

5. Tác động của giới truyền thông là quan trọng, nhưng sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước là quan trọng hơn. Khi có các cơ quan Nhà nước đứng ra bảo trợ cho sự vận động và đặc biệt các cơ chế miễn trừ thuế thu nhập đối với khoản tài trợ cho bảo tàng sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, dần dần hình thành thói quen. Không nên nhìn công việc của các bảo tàng chỉ là việc giữ đồ cổ và bày biện đơn giản để bán vé, thu tiền. Sự phát triển của ngành bảo tàng các nước, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đi khá xa.

Các hoạt động trưng bày, truyền thông, giáo dục trong bảo tàng ngày càng có yêu cầu cao về thiết kế mỹ thuật, vật tư thiết bị, ánh sáng, phim ảnh, đồ họa hỗ trợ… Sản phẩm của bảo tàng cung cấp cho công chúng không phải như là một di tích hay một công trình văn hóa xây dựng một lần rồi sau đó chỉ để mọi người đến tham quan và thu tiền. Do vậy tất cả các bảo tàng hàng đầu của các nước hiện nay bên cạnh nguồn tài trợ lớn của xã hội đều phải có sự đầu tư của Nhà nước mới có thể duy trì được chất lượng hoạt động. 

6. Hiện nay một vài bảo tàng ở Việt Nam may mắn có được các bộ sưu tập quý hiếm hoặc thuộc các chủ đề được khách du lịch quốc tế quan tâm, như chiến tranh, phụ nữ, văn hóa dân tộc, và cũng nhờ vậy mà có được nguồn thu đáng kể từ vé tham quan.

Ngay cả các bảo tàng này cũng phải thường xuyên bổ sung hiện vật, thay đổi cách thức trưng bày, làm mới hình thức thông tin và đa dạng hóa phương thức giáo dục thì mới có thể duy trì và phát triển sức thu hút công chúng. Điều đáng mừng là một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc đảm bảo lương và chi thường xuyên từ ngân sách, đã dành hầu như toàn bộ nguồn thu vé tham quan cho các bảo tàng để duy trì, nâng cao các hoạt động chuyên môn.

Bộ Tài chính cũng đã cho các Bảo tàng lớn như Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hải dương học Nha Trang… được sử dụng 90 đến 95% tiền vé tham quan bù đắp cho công tác chuyên môn ngoài phần chi thường xuyên được ngân sách cấp. Điều này đã tạo điều kiện cho các bảo tàng thu hút được nguồn nhân lực tốt và phát triển hoạt động.

Ngay sau thời điểm “bảo tàng 11.000 tỷ” trở thành vấn đề “nóng” trên báo chí, chúng ta cũng đón nhận những thông tin tích cực, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học được trang thông tin điện tử TripAdvisor bình chọn là những điểm đến hấp dẫn nhất năm 2012 tại Hà Nội; Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu Cau” thu hút đông đảo khách tham quan; gia đình Bà Dương Quỳnh Hoa hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh 3.360 cổ vật quý hiếm. Hy vọng rằng những nghịch duyên năm 2012 của ngành bảo tàng sẽ là cú hích cho những thay đổi tích cực đáng mừng cho các bảo tàng tại Việt Nam.

Võ Văn Thắng - GĐ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

* Tiêu đề do báo VietNamNet đặt.