Một tấm biển đường sai hoàn toàn về địa danh Điện Biên Phủ, hàng ngày đập vào mắt người đi đường, nhưng vẫn không được những người làm ra tấm biển này  quan tâm dù chỉ còn chưa đầy tháng là kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên.

TIN BÀI KHÁC
Biển tên đường Điện Biên Phủ lại ghi đó là địa danh của tỉnh Lai Châu (Ảnh: LT)

Hơn 3 tháng nay, người dân thủ đô Hà Nội cũng đã quen dần với đề án mới của Hà Nội khi tiến hành gắn biển tên phố trên đó chú giải tiểu sử, công trạng của danh nhân, lịch sử của địa danh...

Ví dụ đường Phan Chu Trinh ghi: “Phan Chu Trinh (1872-1926), chí sĩ yêu nước, người mở đầu cho phong trào Duy Tân , sáng tác nhiều thơ văn yêu nước”. Biển phố Lê Lai ghi: “Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã hy sinh để cứu chủ tướng Lê Lợi”. Biển phố Lê Thạch song song phố Lê Lai: “Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từng đánh thắng Mã Kỳ ở Nga Lạc”.

Tuy nhiên, một tấm biển sai hoàn toàn về địa danh Điện Biên Phủ, hàng ngày đập vào mắt người đi đường, nhưng vẫn không được những người làm ra tấm biển này  quan tâm dù chỉ còn chưa đầy tháng là kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Biển phụ dưới tên đường Điện Biên Phủ ghi: Điện Biên Phủ: Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm.

Tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.

Tỉnh Lai Châu mới bao gồm: huyện Phong Thổ; huyện Tam Đường; huyện Mường Tè; huyện Sìn Hồ; xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng của huyện Mường Lay; phường Lê Lợi của thị xã Lai Châu; huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Điện Biên bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi); huyện Mường Nhé; huyện Điện Biên; huyện Điện Biên Đông; huyện Tuần Giáo; huyện Tủa Chùa; huyện Mường Lay (trừ: xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng).


Trong khi TP Điện Biên Phủ đã thuộc tỉnh Điện Biên từ 9 năm về trước (LT)

Như vậy, rõ ràng TP Điện Biên Phủ đã thuộc tỉnh Điện Biên từ 9 năm về trước. Vậy sao việc gắn biển phụ cho tên đường Điện Biên Phủ vẫn còn ghi Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu mà không chú giải thêm là hiện thuộc tỉnh Điện Biên.

Đó còn chưa kể, Hà Nội có cả thảy hơn 600 tuyến phố lớn nhỏ. Nhưng hiện tại lại chỉ có 30 tuyến phố được gắn biển phụ ghi công trạng của các vị anh hùng dân tộc. Thiết nghĩ, bất cứ một nhân vật lịch sử nào, một khi đã được chọn đặt tên phố có nghĩa là đã được ghi nhận những công trạng to lớn của họ với đất nước. Vậy nếu coi việc gắn chú giải cho tên phố, tên đường như một bài học lịch sử thì phải chăng, bài học lịch sử này đang dở dang khi người thì được ghi công trạng người lại không.


LT