“Cả cuộc đời tôi là sự giãi bày ấy”, người họa sĩ nói với tôi, giọng nhẹ tênh như những tàn nắng cuối ngày Quảng Bình khi mùa thu đang bắt đầu tới.


Có lẽ với anh, không thể thiếu hội họa chừng nào anh còn biết buồn đau hay vui sướng. Chính nó đã nâng anh dậy, đôi khi từ một vực thẳm sâu hun hút tưởng chừng khó vượt qua, để lúc này đây, một chiều Quảng Bình mênh mang gió bên dòng Nhật Lệ, anh ngồi bên tôi, khuấy loãng cốc cà phê đen đá với một nỗi buồn đã chớm dịu dàng…

{keywords}
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

 

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng sinh năm 1981 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Trong dòng họ anh, các cụ nhiều người là nghệ nhân vẽ, trang trí lăng tẩm. Bố Sáng làm cán bộ phường nhưng cũng có khiếu vẽ. Từ nhỏ, Sáng đã được ông nội dạy vẽ bằng phẩm màu (thứ màu ông hay dùng để vẽ lăng tẩm) với những chiếc bút làm bằng rễ cây dứa gai. Lên cấp ba, Sáng được bạn bè giới thiệu thi vào Đại học Nghệ thuật Huế. Đây là bước chuyển biến lớn trong cuộc đời Lương Sáng, khi mà trước đó anh chưa có bất kì hình dung nào về một trường nghệ thuật hay việc mình sẽ tham gia vào môi trường đó. Sau 5 năm học ngành Sư phạm Hội họa ở Huế, Sáng ra trường và trở về giảng dạy tại Khoa Âm nhạc và Mỹ thuật của Đại học Quảng Bình. Đến năm 2011, anh học cao học tại trường Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên khoa Mỹ thuật tạo hình. Tốt nghiệp cao học, anh lại trở về tiếp tục công việc của mình ở Đồng Hới. Lương Sáng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là hội viên, ủy viên Ban chấp hành và phân trưởng Mỹ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Anh là một trong những họa sĩ trẻ nhiều triển vọng của ngành mỹ thuật địa phương. Lương Sáng đoạt khá nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và địa phương, gần đây nhất là đoạt giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung lần thứ 20 (tháng 8/2015) với tác phẩm sơn dầu “Điểm tựa”.

Tuy nhiên, giống như ở hầu hết các tỉnh lẻ khác, ngành mỹ thuật ở Quảng Bình dường như mới chỉ là ngọn gió đủ làm mát giới nghệ sĩ. Không có thị trường, các họa sĩ rơi vào cảnh trớ trêu: phải lựa chọn giữa cơm áo gạo tiền và sáng tạo nghệ thuật, giữa nghệ thuật đích thực và thứ nghệ thuật thương mại, giữa sự dấn thân điên cuồng vào cơn say đắm hội họa và sự phân thân của kẻ nửa làm nghệ thuật nửa làm công chức, giữa việc tận sống cùng nghệ thuật và sự nửa vời… Người nghệ sĩ cô đơn và đôi lúc hoang mang trước câu hỏi mà chính anh ta phải dứt khoát trả lời: Làm thế nào để có được sự an toàn, trong khi ở tình huống này nó gần như đối kháng với sự dấn thân, với lòng đam mê nghệ thuật, với khát vọng cháy bỏng của người nghệ sĩ?

Có lẽ Nguyễn Lương Sáng cũng từng trăn trở nhiều về điều này. Để rồi chiều nay, bên dòng Nhật Lệ mơ màng xanh, anh nói, một lần nữa nhẹ tênh, rằng mọi sự của cuộc đời anh, đều vì cậu con trai bé nhỏ.

“Tôi chỉ vẽ sau khi lo xong mọi việc cho con, như cho ăn, cho học bài, cho con đi ngủ”, Sáng nói giản dị một cách bất ngờ.

{keywords}

 

Và nhiều đêm như thế, sau một ngày giảng dạy ở trường, sau những giờ cho con ăn, ru con ngủ, sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, sau một nỗi thảng thốt hoang vu tưởng có thể nhận chìm cả tâm hồn, Nguyễn Lương Sáng đã vẽ những bức như “Người trong cuộc”, “Thoát”, “Mắt bão”, “Ám ảnh”, “Giao cảm”, “Điểm tựa”… Đó là những bức sơn dầu khổ lớn, vẽ theo phong cách hiện đại, vừa được diễn tả bằng bút pháp cực thực lại vừa phảng phất lối sắp đặt. Tuy nhiên, ấn tượng chung về tranh của Nguyễn Lương Sáng là ý tưởng mạnh mẽ. Từ lối vẽ, bố cục, tạo hình cho đến hòa sắc, tất cả đều tạo một cảm giác mãnh liệt, dồn tụ, nén chặt, căng tràn. Chúng nói về tâm thế của con người hiện đại, cũng là sự đấu tranh, căng thẳng, giằng xé, tù hãm, vượt thoát, nhưng cũng là sự mạnh mẽ, bạo liệt, tràn sinh lực.

Bởi hơn ai hết, Sáng hiểu cảm giác của thế hệ mình. Anh là “người trong cuộc”, bị giam hãm trong một mớ bòng bong những khổ đau vật lộn, muốn “thoát” và đang cố níu vào một “điểm tựa”. Anh cũng là một con xúc xắc bị xoay đảo trong bốn bề “mắt bão”, đang tìm cơ may trong chính sự lộn nhào. Vả chăng, người nghệ sĩ là như thế, với tâm hồn nhạy cảm, họ sớm cảm nhận được những nỗi éo le, trắc trở. Và cuộc sống của họ dễ trở thành cuộc đấu tranh mà ở đó nghệ thuật luôn thôi thúc phải giành được phần xứng đáng cho nó. Nhưng hạnh phúc của người nghệ sĩ lại ở trong chính sự quay cuồng ấy. Nỗi mất mát đôi lúc trở thành chất liệu tuyệt vời để sáng tác. “Với tôi, một cuộc sống yên tĩnh, đủ đầy, một cuộc sống êm ấm nhàn tẻ có thể mang đến những ngày vui bình an, nhưng nhiều khi sống trong một thế giới tuyệt đẹp như thế sẽ không sáng tạo được”, Sáng tâm sự.

Vì vậy mà sau bấy nhiêu dở dang đau khổ, Sáng vẫn bình thản đón nhận và mỉm cười với cuộc đời. Anh lấy hội họa làm sự giãi bày, đôi khi đó cũng là một cuộc vượt thoát của Sáng lên trên nỗi đau. Và cậu con trai bé nhỏ cũng như những yêu thương chính là nơi người họa sĩ trẻ nương vào để tiếp tục sống, tiếp tục tin yêu cuộc sống và tiếp tục giãi bày…

Phạm Quỳnh An