“Bờ vai cho cả bờ vai” là tản văn mới nhất của Võ Diệu Thanh với những câu chuyện nặng nợ với quê hương, với nghề giáo và cuộc sống.

Cuốn sách gồm 22 tản văn, mỗi tản văn là một tâm tình của một người nặng nợ với quê hương, với nghề giáo và cuộc sống. Những điều rất đỗi bình dị, “nhỏ nhặt” của cuộc sống nhiều biến động, lạ lùng thay, lại đi vào văn chị một cách rất thấm, rất tự nhiên như hơi thở, như nguồn sống âm ỉ trong mỗi con người. 

{keywords}

Những điều chị nhắc đến trong mỗi trang văn là những điều người ta dễ thường lãng quên đâu đó trong những tất bật, xô bồ của dòng đời. Võ Diệu Thanh đã viết về những ám ảnh quê nhà nhiều khốn khó của riêng mình, là những ngọn sầu đâu “đắng tan từ đầu lưỡi chạy mãi tận trong lòng”, là ngôi nhà với “những bữa cơm gia đình tụ hội”, là xóm nghèo chìm giữa những lênh đênh mùa lũ,… Rốt cùng, đi qua nhiều khổ ải giữa cuộc đời trầm luân, hình ảnh quê nghèo vẫn là chốn tựa nương, trú an vững bền nhất cho mỗi người.

Hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật Trường tiểu học “C” Chợ Vàm (huyện Phú Tân, An Giang), chị cũng dành nhiều trang văn để viết về nghề giáo, về cái nghiệp chị đang theo đuổi. Không đao to búa lớn, mỗi bài viết về học trò, về nghề giáo đều giản dị như chính con người đời thường của chị… Nhưng tất cả luôn đắm say, nhiệt huyết. Tình yêu nghề, yêu học trò ấy thật đáng quý giữa cuộc đời này.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết “Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước những giản dị tự đáy lòng…” . “Bờ vai cho cả bờ vai” của Võ Diệu Thanh đã khiến người đọc rơi nước mắt bởi những giản dị như thế tự sâu thẳm một tấm lòng “yêu cuộc sống, dù nước mắt có đang chảy…”.

Trích đoạn hay trong "Bờ vai cho cả bờ vai"

Sầu đâu, ngay cái tên của nó gợi nên một nỗi vấn vương nào đó, một sự tìm kiếm đa đoan nào đó, rất tình cảm, rất độ lượng. Khi cơm áo bộn bề, người của những buổi cơm sum vầy ngày xưa đi tứ tán. Tôi thường ngồi một mình với món ăn hằng ưa thích, nhìn cây, nhìn khoảng sông thưa vắng, nhai một miếng rớt nước mắt một miếng. Cái đắng tan từ đầu lưỡi chạy mãi tận trong lòng. Sầu đâu chỉ ngon khi được nhai ràu rạu giữa những ngày tình thâm hội tụ.

(Hương vị của những trăm năm)

Tôi hiểu vì sao nội tôi có thể làm bánh năm này qua năm khác với tất cả say mê. Nhìn mỗi mẻ bánh ra lò đúng ý, nhìn người ăn tấm tắc, nội vui hơn chính mình được ăn ngon. Người thầy dạy học trò cũng thế. Ngôi trường cũ, lớp học cũ, đương nhiên bài học không mới, nhưng cách thức khác hơn vì đối tượng đã khác, tuổi nghề cũng đang dầy thêm. Mỗi lứa học trò như một mẻ bánh riêng biệt. Chúng tạo những cảm hứng truyền thụ lạ. Mẻ bánh đời dạy học của tôi ngày càng đủ đầy hương vị.

(Mẻ bánh đời thầy)

Đáng lẽ tôi phải hiểu ra xứ mình không là cái gì hết giữa mắt mọi người. Nhưng mãi mãi tôi không nghĩ như vậy. Tôi vẫn cứ muốn kể cho mọi người nghe về những hình ảnh quê mùa thấm tận ruột gan tôi. Khi chạm tay vào những dòng hình ảnh cũ, tôi chạm lại cơn tức tưởi ngày xưa. Dù nhà cũ giờ chỉ còn là một thửa đất hoang vu. Mộ ngoại nằm lẻ loi bên con rạch Thầy Quơn. Mấy gốc mãng cầu gai thiếu hơi người lặng lẽ cỗi cằn, trái chăng đèo đẹt. Vì kế sinh nhai, người trước người sau đã rời nhà đi tứ tán.

(Thắng cảnh của mỗi người)

T.Lê