-Lo ngại về việc văn hóa đọc đang mai một, thậm chí mất đi trong cộng đồng, dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” đã được Bộ VH TT&DL xây dựng trong thời gian qua. Dự kiến sẽ mất khoảng 230 tỷ đồng để vực dậy thói quen đọc sách của Việt Nam.


Sáng 28/7 tại thư viện Hà Nội, Bộ VH TT&DL tổ chức Hội thảo xây dựng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”.

Tỉnh thành phải có thư viện độc lập, bảng hiệu đàng hoàng

Dự thảo Đề án đưa ra những chỉ tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từng nội dung. Trong đó chỉ tiêu chung là nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020. Bên cạnh đó là những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2020, 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại và 50% số thư viện cấp huyện có điều kiện tương tự; 30% gia đình có tủ sách…

{keywords}
Thói quen đọc sách của người Việt đang mất dần

Dự thảo cũng đưa ra những tỷ lệ như số phương tiện truyền thông phải có chuyên mục giới thiệu sách, việc biên soạn tài liệu hướng dẫn đọc; sự phối hợp giữa các ngành liên quan để tăng cường văn hóa đọc như đến năm 2020 phấn đấu 100% các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương có chuyên mục giới thiệu sách; 100% địa phương có chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục, đào tạo và ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc tuyên truyền giới thiệu sách cũng như các hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Đặc biệt, dự thảo hướng đến mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc, để việc đọc trở thành nền nếp trong cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất của người dân, mà trước hết là học sinh, sinh viên. Trong đó phấn đấu đến năm 2020, 70% các trường phổ thông các cấp, 100% các trường đại học đưa việc giáo dục kiến thức về sách, về thông tin, kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin, sử dụng thư viện trong học tập vào chương trình giảng dạy của nhà trường; 70% số học sinh, 80% số sinh viên trường có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, tìm hiểu, giải trí.

Số lượng không quan trọng bằng chất lượng

Theo ông Vũ Công Hội, Phó vụ trưởng Vụ văn hóa thư viện, do biến đổi của nền kinh tế thị trường, hoạt động thư viện kém phát triển nếu nói quá đi một chút thì phải dùng từ 'thụt lùi'. Thế nên cần phải tranh thủ được ý kiến của các cơ quan hữu quan để làm nổi bật lên được ý nghĩa của việc phát triển mạng lưới thư viện để nâng cao văn hóa đọc trong những năm tới có ý như thế nào.

"Tôi cho rằng, cần phải cân nhắc lại một vài điều trong dự thảo. Chẳng hạn các tỉnh thành hầu như đều có thư viện cả, quan trọng là chất lượng của nó như thế nào thôi. Đội ngũ những người làm công tác thư viện ra sao?", ông Hội nói.

Về vấn đề này, TS Vũ Dương Thúy Ngà, phó vụ trưởng Vụ thư viện nói đúng là 63 tỉnh thành trên cả nước về số lượng thư viện thì đủ cả nhưng chất lượng lại không được như mong muốn. Bà Ngà nêu ví dụ rằng một số tỉnh, thư viện chỉ là một phòng nhỏ, được nằm ghép với các nhà văn hóa xã, tỉnh hay đường lên khó khăn. "Nhiều nơi thư viện nằm xa tít tắp, treo leo trên một quả đồi, đường đất, đi lại khó khăn. Nhiều người yêu đọc sách lắm mà nghĩ tới quãng đường tới thư viện còn ngại. Lại có nhiều nơi đến cái bảng tên thư viện cũng không có."

Lãnh đạo là người cần đọc sách trước tiên

{keywords}

Đóng góp vào dự thảo Đề án này, nhà giáo Hoàng Xuân Hoàng nêu ý kiến nếu phát triển văn hóa đọc thì bản thân lãnh đạo phải là người cần đọc sách đầu tiên, có thế thì mới dân mới xem. Thầy Hoàng Xuân Hoàng cũng cho rằng, xã hội không thể có toàn người tốt mà cũng không thể có toàn người xấu. Việc đọc sách cũng vậy, không thể ai ai cũng đọc hết được sách, bởi cuộc sống mưu sinh họ không có thời giờ để dành cho việc đọc nhưng cũng không thể đánh giá họ xấu vì như vậy.

Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Thạch, người khỏi xướng chương trình sách hóa nông thôn cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng lại tiêu chí thư viện, mở rộng hệ thống thư viện đến từng lớp học, học sinh phải được mượn sách mang về nhà, đưa tiết đọc sách vào chương trình học, gắn việc đọc sách của học sinh vào nhiệm vụ của hiệu trưởng và thầy cô giáo ở các cấp. Bộ VH TT&DL cần chuyển vùng hoạt động từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn xóm thay vì để sách 'nằm ngủ' ở khu vực đô thị - nơi mà nhiều gia đình đủ năng lực để mua sách cho con cái họ đọc.

TS Vũ Dương Thúy Hà, chủ trì buổi hội thảo hứa sẽ tiếp thu để chỉnh sửa thật hoàn thiện dự thảo để sớm trình Chính phủ phê duyệt.

T.Lê