Sáng 22/7, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015 với sự phối hơp với Ban Tuyên giáo trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn; ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cùng đại diện một số bộ ngành Trung ương, các cơ quan báo chí văn nghệ, đài phát thanh và truyền hình trong cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tại Việt Nam có 849 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình với gần 18.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề.  Đối với báo điện tử, trải qua hai thập kỷ phát triển, kể từ khi tờ tạp chí điện tử Quê Hương của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, đến nay báo điện tử ở Việt Nam vẫn còn trong tình trạng dò dẫm tìm đường.

{keywords}

Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông phát biểu tại hội nghị

 

Hiện nay, các báo in đều có “phiên bản” báo điện tử nhưng chưa hiệu quả. Báo in vẫn “nuôi” báo điện tử và những tờ báo có số lượng phát hành hơn 100.000 tờ vẫn không lọt được vào top 30 bảng xếp hạng báo điện tử ở Việt Nam. Dù những tờ báo này đã đầu tư tài chính rất lớn cho “phiên bản” điện tử.

Báo điện tử có đặc tính riêng. Chừng nào báo điện tử còn tận dụng tin tức của báo in trong cùng một cơ quan báo chí thì báo in vẫn còn đảm nhiệm vai trò “nuôi nấng” báo điện tử. Trong tương lai, đến năm 2020 các loại thiết bị cầm tay (Personal Digital Assistant) ngày càng rẻ, tiện dụng hơn và tin tức trực tuyến sẽ lên ngôi. Vì thế ngay từ bây giờ các cơ quan báo in cần phải “suy nghĩ”.

Thứ trưởng Tuấn cho biết thêm, trong quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 báo điện tử và mạng xã hội đóng vai trò chủ đạo, đó là tầm nhìn chiến lược.

Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí văn nghệ trong thời gian qua luôn đi sát định hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên tuyền, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trước hết là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, góp phần phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Mặc dù những năm qua, khó khăn về kinh tế đã có tác động đến hoạt động chung của báo chí, tuy nhiên báo chí văn nghệ vẫn luôn giữ được sự ổn định về số lượng và lượng phát hành.

Điều đáng ghi nhận là số cơ quan báo chí văn nghệ xuất bản được báo hoặc trang tin điện tử đã tăng lên đáng kể.

Đối với một số cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng còn chậm, chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Vấn đề định hướng xã hội còn hạn chế, chưa tạo được tiếng nói quyết định trong việc mở rộng, định hướng nhận thức chung cho xã hội về những vấn đề trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật khi còn chưa có sự thống nhất hoặc đang tranh cãi.

{keywords}

Rất đông đại diện các báo, đài tham dự hội nghị

 

Ông Hồng Vinh, chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cho rằng, báo chí văn nghệ cần thay đổi cả về hoạt động và nội dung thể hiện để thích nghi. Theo ông, báo chí văn nghệ cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm sai trái trong hoạt động văn học, nghệ thuật.

Đội ngũ văn nghệ sỹ cần sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Song song đó, chúng ta cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ đặc biệt với cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Trần Chánh Nghĩa