- "Không vì lợi ích cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng lớn. Những hình ảnh phản cảm như cướp phết, chém lợn, đập đầu trâu phải được chấm dứt trong mùa lễ hội sắp tới", ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo.


Sáng 2/7, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015. Tại hội nghị, đa phần các ý kiến đều cho rằng, từ lễ hội quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ phạm vi làng, xã phần lễ tổ chức có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp. Nhiều lễ hội tổ chức tốt như Yên Tử, đền Trần, miếu Bà Chúa Sứ,...

Tuy nhiên, hiện tượng tiếp nhận đồ thờ tự không phù hợp với không gian di tích, một số nghi lễ như đập trâu tại lễ hội Cầu trâu, cướp lộc tại đền Sóc Sơn (Hà Nội), "cướp phết" Hiền Quan (Phú Thọ), chém lợn (Bắc Ninh)... gây phản cảm và bức xúc trong xã hội. Hiện tượng chèo kéo khách từ xa ở lễ hội (Chùa Hương); lén lút đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, ăn xin, nâng giá trông giữ phương tiện (Phủ Tây Hồ) còn diễn ra.

Hạn chế lễ hội chọi trâu

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, lễ hội đang diễn ra theo 2 xu hướng: Cơ chế thị trường và cơ chế toàn cầu hóa. Cơ chế thị trường khiến cái gì cũng bị đặt lợi ích lên hàng đầu nên mới có chuyện cướp lộc. Người quản lý thích bởi sẽ có nhiều dịch vụ đi kèm để thu phí như việc gửi xe, sân bãi nên mới có chuyện thi nhau mở chọi trâu, chọi dê, chọi bò,...

Cơ chế toàn cầu hóa khiến không gian lễ hội mở rộng không còn bó hẹp trong quy mô làng xã nữa, chỉ cần cái điện thoại, trong vài phút, hình ảnh của lễ hội đó lan khắp nơi, vượt qua phạm vi của đất nước.

{keywords}

Theo TS Sơn, cần phải phân cấp lễ hội để quản lý cho tốt. Đặc biệt, một số nghi lễ hiến sinh cần được tổ chức tế nhị và có văn hóa trong một không gian nhất định: “Chọi trâu không phải vùng nào cũng có, nhưng bây giờ hàng chục lễ hội chọi trâu ra đời. Vì cơ chế thị trường tác động vào, ai cũng nghĩ đến lợi nhuận. Muốn tổ chức thì phải có giấy phép mới được mở hội, thứ hai là phải quy định chứ không phải cấm tất cả. Chỗ nào được chọi trâu, chỗ nào không thì phải vận động, theo quy định của Nhà nước”.

Đồng quan điểm, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho rằng, đối với lễ hội chọi trâu, ngoài những lễ hội đã được tổ chức định kỳ, được ghi vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì những lễ hội chọi trâu khác cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với hiện tại. Không cấp phép tổ chức mới đối với loại hình lễ hội này (đặc biệt là lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương).

Điều trị bằng kháng sinh liều cao

Theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản, không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi lễ hội cổ truyền nào đó chỉ vì có các hiện tượng 'tiêu cực' đi kèm mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng, truyền thông. Hiện tượng tranh cãi quanh lễ hội Ném Thượng với tục hiến sinh lợn là ví dụ điển hình của sự khác nhau trong nhận thức của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng chủ thể, du khách tham dự lễ hội và đặc biệt là giới trẻ. Trên thế giới, tục hiến sinh động vật cũng đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội.

Ông Thành lấy ví dụ tại Tây Ban Nha, lễ hội ném dê ban đầu chính quyền địa phương cũng đứng về phía cộng đồng và cố gắng bảo vệ tập tục. Dân làng ở đây cho rằng, lễ hội mà không ném dê thì cũng như Giáng sinh không có cây thông Noel. Tuy nhiên, từ năm 2001 họ đã đồng ý và thay thế bằng hình nộm do có những biện pháp xử lý mạnh tay.

Tại Pháp, Bộ luật hình sự cũng quy định công khai trừng phạt từ 2 năm tù giam đối với những hành động lạm dụng nghiêm trọng hoặc hành xử tàn ác với vật nuôi và động vật được thuần hóa.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lợi, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi khu phố Thượng, Tp Bắc Ninh cho rằng, tất cả những vật nuôi đều phải giết mổ để ăn chứ không thể ăn tươi nuốt sống được. Lễ hội Chém lợn ở Làng Thượng sẽ được điều chỉnh dần dần chứ không thể một sớm một chiều được.

Chốt lại, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, những lộn xộn trong xảy ra trong lễ hội hiện nay sẽ phải chấn chỉnh ngay tức thì, nếu không rồi đâu lại vào đấy. "Bây giờ, chúng ta phải điều trị lộn xộn trong lễ hội bằng kháng sinh liều cao, cứ kháng sinh liều thấp như vẫn dùng không hiệu quả nữa. Phải mạnh tay và ngày hôm nay, tất cả các sở ngành phải hứa trước Bộ trưởng là phải làm quyết liệt, không thể nói suông rồi đâu lại vào đấy được", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo dù không cấm hẳn những lễ hội gây 'tai tiếng' nhưng những hình ảnh phản cảm như chém lợn, đập đầu trâu, cướp phết cần phải được chấm dứt. "Lộc là tự đến, chứ không phải đi cướp mà có", Bộ trưởng nhấn mạnh.

T.Lê