- Lúc đàn, lúc hát, lúc lại diễn kịch… mỗi buổi ra mắt sách của tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch đều thu hút những khán giả yêu mến sách của anh.


Thành công với những dự án sách cá nhân, gần đây nhất là anh mới ra mắt cuốn “Người cũ còn thương” tạo thành hiệu ứng nho nhỏ trong cộng đồng yêu sách, tác giả Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ với VietNamNet về những trăn trở xung quanh nghiệp cầm viết.

- Mỗi lần ra sách, lúc thì diễn kịch, lần thì hát, đàn, Thạch là nhà văn trẻ thật lắm “chiêu trò”!

Thạch nghĩ ở giai đoạn hiện tại, ngoài việc là một sản phẩm văn hóa thì mỗi cuốn sách có thể nhìn nhận như một sản phẩm thương mại và làm tiếp thị, giới thiệu nó đến tay người đọc là một điều hiển nhiên cần thiết. Nếu nội dung anh viết ra hay mà không được nhiều người biến đến, không có người mua thì đó là sự phí phạm tài năng, công sức. Vì vậy, ngoài việc tập trung cho nội dung tác phẩm, Thạch nghĩ đầu tư vào quảng bá sách là việc làm cần thiết. Với “Người cũ còn thương”, ra chung với sách là bài hát cùng tên tặng kèm và buổi giới thiệu sách là một mini show tên “Chuyện cho người cũ”.

{keywords}

Nguyễn Ngọc Thạch ký tặng sách

- Nghe nói, Thạch đang định lấn sân sang lĩnh vực ca hát, giữa một rừng ca sĩ trẻ bây giờ, Thạch có tự tin về giọng của mình không?

Hoàn toàn không. Thạch hát dở lắm. Mặc dù biết bản thân không mạnh về khả năng ca hát, nhưng vì độc giả, mình sẽ hát, chỉ hy vọng nếu có dở quá thì không phải nhận quá nhiều gạch đá từ mọi người.

- Thạch là một tác giả trẻ rất đa tài, dự định tương lai của Thạch sẽ như thế nào?

Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời thì người ta sẽ có những mục tiêu khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, sau khi đã qua giai đoạn “tạo tác phẩm” Thạch muốn bản thân mình đi đến một cột mốc khác, là “tạo tác giả”.

Sau hơn hai năm làm việc trong ngành sách, Thạch có một trăn trở rằng so với dân số Việt Nam hiện tại thì số lượng sách xuất bản còn rất ít, cho thấy văn hóa đọc trong nước chưa cao. Muốn phát triển văn hóa đọc, việc phát triển người viết là điều đầu tiên cần làm.

Tiếp xúc nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện và bản thân mình cũng từng là nhân vật chính của nhiều câu chuyện tốt xấu, Thạch nhận ra rằng có rất nhiều bạn trẻ viết tốt nhưng lại loay hoay không biết phải ra sách thế nào, cũng như còn rất mù mờ về quyền lợi cũng như cách giới thiệu tác phẩm của mình đến độc giả.

Chính vì lý do đó, Thạch muốn được công tác, làm việc với các bạn trẻ đam mê viết để giúp các bạn không lúng túng và đơn độc trong con đường văn chương phía trước.

- Là một tác giả, đồng thời là người có trăn trở về thị trường sách Việt Nam, Thạch có những nhận định về làng sách trong vài năm tới?

Cá nhân Thạch thấy, trong vài năm tới thị trường sách sẽ có tính đào thải cao hơn và sự chuyên nghiệp nhiều hơn. Sau nhiều bất cập xảy ra trong làng sách, Cục Xuất bản đã có chỉ thị để các đơn vị kỹ lưỡng hơn trong việc xuất bản và chọn lọc bản thảo. Cũng từ đó, các tác giả trẻ muốn giữ vững sự ủng hộ từ độc giả của mình phải chăm chút chất lượng nội dung sách nhiều hơn.

Sách điện tử cũng sẽ là một xu thế mới được nhiều người chú ý. Khi ra mắt cuốn sách trước tên “Kế hoạch cua trai”, nhiều người ngần ngại cho rằng phát hành ebook với Miki song song sách giấy sẽ làm ảnh hưởng doanh số sách giấy nhưng thực tế cho thấy cả hai đều bán ổn định và có nhóm đối tượng mua khác nhau.

- Cảm ơn Thạch về những chia sẻ và chúc bạn sẽ thành công với những dự định của mình.

Không có chủ thể nhất định, xuyên suốt hơn 30 bài viết trong “Người cũ còn thương” là những kỷ niệm miên man dành cho một người đã thành cũ trong ký ức. Mỗi bài viết ngắn dài khác nhau chỉ chọn một chữ duy nhất làm tiêu đề.

Đó là “Xa” với câu chuyện yêu xa của bên đó, bên này. Đó là “Bạn” với câu hỏi liệu bao nhiêu người có thể thành bạn sau khi đã từng yêu. Đó là “Lại” với những chú giải về việc yêu lại người xưa. Hay đó là “Hứa” với những lời ngọt ngào người ta thường nói lúc còn yêu để rồi khi thành cũ thì lời cũng như gió bay. Nhưng dù với chủ đề gì thì mỗi bài viết vẫn là một nỗi nhớ đặc quánh về người cũ.

Thạch vẫn giữ giọng văn bình thản, tự nhiên như vẫn thường dùng trong thể loại tản văn trước đây với “Chênh vênh hai lăm”, “Lưng chừng cô đơn”. Văn Thạch không hoa mỹ, màu mè, chỉ đơn giản như người ta ngồi trong một buổi chiều bên café hay rượu nhẹ, nhìn ngắm đường phố và người đi dưới kia rồi viết lại vài dòng thành cuốn nhật ký riêng. Đôi khi, chỉ là viết cho một người nhưng ai đọc vào cũng thấy bản thân trong đó.

T.Lê