-Tượng Phật Quốc thái dân An Phật đài theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 đặt ở Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc) cao 49m với tổng mức đầu tư (nếu phải mua đá nhập ngoại) vào khoảng 500 tỉ đồng.


Ngày 20/5, Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam, Hội Kiến trúc Việt Nam và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý và nghiên cứu, nhằm có những giải pháp kiến trúc, thi công, văn hoá cho công trình tượng Phật Quốc thái dân an Phật đài (QTDAPT).

Theo thiết kế, QTDAPĐ cao 49m, kích thước 47,4x38,6m, làm từ 35.292 tấn khối đá hoa cương và cẩm thạch, nặng khoảng 4 vạn tấn. Bên trong lòng bức tượng sẽ là một tòa tháp cao 10 tầng và dành để làm bảo tàng Phật giáo với hơn 2.000 mẫu vật, do Viện nghiên cứu nhân tài-nhân lực ISSTH trao tặng. Con số 49m là tượng trưng cho 49 ngày thiền định và 49 năm hoằng hoá của Phật tổ.

{keywords}

Quang cảnh buổi hội thảo

Không lấy sự đồ sộ để lập kỉ lục

Theo trụ trì chùa Tây Phương, Thích Minh Nguyệt, nếu bình thường phải đi mua đá ở nước ngoài, dự tính bức tượng sẽ phải cần tới 500 tỉ mới hoàn thành. Tuy nhiên, nhà chùa đang vận động Chính phủ cho phép khai thác đá tại mỏ đá ở Yên Bái, nếu được thì bức tưởng chỉ mất khoảng 200 tỉ là hoàn thành. Vị trụ trì cũng cho biết, tất cả nguồn tiền làm tượng đều do xã hội hóa, phật tử các nơi cung tiến.

TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) khẳng định việc xây dựng QTDAPĐ có ý nghĩa rất lớn về tâm linh, kinh tế, xã hội, kiến trúc, điêu khắc.

Đặc biệt, khi hoàn thành, Tây Thiên - Tam Đảo sẽ trở thành thắng tích Phật giáo tiêu biểu, một trung tâm Phật giáo thu hút sự quan tâm của khách thập phương trong và ngoài nước. Giá trị tinh thần, vật chất của công trình cùng sự linh thiêng của Tam Đảo sẽ tác động đến ý thức, tư tưởng của mỗi người và có sức lan rộng, làm thay đổi nhận thức, để con người sống có trách nhiệm, gắn bó hơn với đất nước.

Đặc biệt, đây là công trình bằng đá trong nước, do người Việt Nam thiết kế, chế tác và tôn tạo nên sẽ có ý nghĩa về kiến trúc độc đáo khi từ cấu trúc tới hình khối là một công trình bằng đá, rất lớn, nên chắc chắn không đơn giản trong thiết kế, thi công. Đây cũng là công trình tượng Phật bằng đá quý trong nước có kích thước lớn đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, nên sẽ có ý nghĩa lớn về nghệ thuật tạo hình, kiến trúc bằng đá, đánh dấu sự phát triển của kiến trúc Việt Nam.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói: "Về quy mô, đúng là tượng QTDAPĐ quả là đồ sộ. Có lẽ là đồ sộ nhất trong các pho tượng Phật ở nước ta, thậm chí khu vực. Tôi nghĩ tuyệt nhiên ở đây không có chủ đích lấy sự đồ sộ phi thường để tạo lập kỷ lục, điều thường dễ bị lầm tưởng mà đơn giản là Thày trụ trì muốn chiều cao bức tượng lên tới con số 49m là tượng trưng cho 49 ngày thiền định và 49 năm hoằng hoá của Phật tổ".

{keywords}

Bản phối cảnh khi tượng Phật đã hoàn thành

Chức năng của công trình cần được cân nhắc kỹ

Không phản đối việc dựng tượng nhưng PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam lại lưu ý tới những người làm dự án: "Cần xác định mục tiêu của dự án cũng như chức năng xã hội của công trình cũng cần phải được cân nhắc và phải chứa đựng được những giá trị văn hóa có tầm thời đại và nhân loại. Chúng ta không hoàn toàn thỏa mãn với mục tiêu đặt ra trong đề án là "được kỳ vọng là điểm nhấn cho du lịch". Một công trình quá đồ sộ cả về quy mô và chiều cao cũng như công sức, tiền bạc phải đầu tư không nên và không thể chỉ nhằm đáp ứng kỳ vọng cho một điểm nhấn du lịch tâm linh, dù rằng đó đang là một loại hình du lịch được ưa chuộng", TS Bài nói.

Ông Bài cũng nhấn mạnh rằng ngay từ bây giờ, việc xây dựng tượng cũng nên thoát ra khỏi ý nghĩ là "điểm nhấn du lịch tâm linh" mà phải hướng tới những Đại lễ cầu "Thế giới hòa bình- Quốc thái dân an".

Một thiếu sót nữa của dự án được ông Bài chỉ ra là chưa có các sự kiện, các hoạt động văn hóa phù hợp với pháp luật được tổ chức thường niên tại đây. "Về mặt nguyên tắc, khi khởi dựng một công trình văn hóa hay tôn giáo với quy mô lớn như thế này, bao giờ người ta cũng phải suy nghĩ tới nội dung và hình thức tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa phù hợp với luật pháp và đạo lý của người Việt Nam nhằm làm cho công trình thực sự có ích với cộng đồng và như thế mà nó có sự hấp dẫn của tượng đài nói chung và điểm đến du lịch nói riêng. Đó là một trong những nội dung khoa học còn trống vắng mà chúng ta cần phải trao đổi lại. Rồi cơ chế vận hành nó ra sao cũng cần phải được minh bạch hóa trong dự án này", ông Bài trình bày.

Tại buổi hội thảo, các nhà kiến trúc, mỹ thuật và xây dựng cũng đã đưa ra các giải pháp về kiến trúc để đảm bảo không tẩy xoá thiên nhiên, khung cảnh và cộng sinh với xung quanh; các giải pháp kỹ thuật an toàn nhất cho công trình này.

T.Lê