- Không thể gọi Nabokov với danh từ nào chính xác hơn một nhà văn. Rất thuần túy là một nhà văn, ông không truyền bá tư tưởng hay kể chuyện riêng của bản thân mình. Ông chắt lọc chất liệu từ đời sống, vẽ một bức tranh hoàn hảo bằng ngôn từ và hư cấu, khéo léo tiết lộ những bài học nho nhỏ, bi thương.

"Tiếng cười trong bóng tối" (1938) - tác phẩm thứ hai và cũng là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov ra mắt tại Việt Nam - ra đời trước "Lolita" 17 năm, được coi là tiền đề cho việc phát triển chủ đề về một người đàn ông lớn tuổi say mê một cô gái trẻ xinh đẹp. Cũng tương tự như nhân vật Humbert Humbert trong "Lolita" sau này, Albinus được mô tả là một người đàn ông đứng đuổi giàu có, có kiến thức đáng kể về mỹ thuật, được người đời trọng vọng, tính khí rụt rè lịch thiệp bẩm sinh và không  thỏa mãn trong cuộc sống gia đình.

{keywords}
"Tiếng cười trong bóng tối" - tác phẩm thứ hai của Nabokov ra mắt tại Việt Nam

Albinus chưa bao giờ có được những cảm xúc thăng hoa tột cùng trong tình yêu. Cuộc đời ông trôi đi êm đềm với vài mối tình nhạt thời thanh niên cho đến khi ông cưới một người phụ nữ đoan trang và hiền hậu. Bà có nét đẹp xinh xắn và nhẹ nhõm. Bà sinh cho ông một cô con gái trong sáng, tính tình dịu dàng giống mẹ.  Albinus tạm gọi đó là hạnh phúc. Ông yêu vợ theo cách của mình - chân thành, trìu mến - chấp nhận việc bà không đem đến được cho ông những rung cảm kiểu khát khao mòn mỏi.

Những tưởng cuộc đời ông cứ trôi đi như thế trong yên lành và Albinus sẽ mãi mãi không chạm tới cái rung cảm thần thánh mà ông hằng mơ mộng, nhưng bất ngờ trong một buổi xem phim, ông bị cuốn hút bởi một thân hình thon thả, "một khuôn mặt trắng xanh, hờn dỗi, đẹp đến nhức nhối". Cuộc sống của Albinus bắt đầu thay đổi.

Tâm trạng ông bứt rứt và không yên ổn, thờ ơ với công việc ông vẫn say mê. Ông đấu tranh để không trở lại rạp chiếu phim, nhưng rồi không thể cưỡng lại, cứ trở đi trở lại thêm nhiều lần nữa, cho đến khi cô gái trẻ xa lạ biết được tình ý của ông.

Đến đây, tuyến nhân vật và kiểu tính cách của họ trong "Tiếng cười trong bóng tối" càng trở nên gần hơn với "Lolita". Margot trẻ trung, xinh xắn khác thường, mê điện ảnh và tràn đầy nhiệt huyết. Không thể gọi là thông minh, nhưng cô láu lỉnh và tính toán theo cách của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lam lũ, Margot không có cơ hội nào chạm đến ước mơ trở thành minh tinh. Cô thử bắt đầu với nghề làm mẫu khỏa thân và tách khỏi gia đình. Một ngày nọ Alex Miller - một kẻ tinh ranh và khéo mồm xuất hiện - nhanh chóng khiến cô say mê. Họ chung sống với nhau đúng một tháng cho đến khi hắn quyết định bỏ đi. Margot phải tìm cho mình một "người đỡ đầu" mới, nhiều tiền và dễ sai khiến. Và cô chọn Albinus.

Alex Miller mang bóng dáng của nhân vật Quilty - kẻ làm tan nát trái tim những cô gái trẻ nhưng đồng thời cũng bằng cách đó, nắm giữ trái tim họ. Alex là thứ đối chọi với cái ngờ nghệch và tôn thờ người yêu của Albinus, dù cả hai đều chia sẻ những kiến thức về mĩ thuật; cũng như cả Quilty và Humbert Humbert đều là những "nhà trí thức" đương thời.

{keywords}
"Tiếng cười trong bóng tối" và "Lolita" đều chia sẻ bi kịch về những người đàn ông lớn tuổi say mê những cô gái trẻ

Albinus cũng như Humbert, đổ hết tiền bạc và tính mạng để yêu chiều người tình trẻ xinh đẹp của mình, mặc dù trái tim cô chẳng bao giờ thuộc về ông. Nhưng Albinus cũng có cái nghịch đảo với Humbert. Nếu như Humbert điều khiển và cưỡng ép Lolita bằng tình dục - dù vẫn thề thốt yêu em; thì phía Albinus, trò chơi tình dục lại do Margot điều khiển. Albinus hoàn toàn mất kiểm soát về mọi thứ. Ông để Margot cuốn ông đi, cướp đoạt tiền bạc của ông và hủy hoại mái ấm gia đình.

Kết cục bi thảm của Humbert Humbert trong "Lolita" vẫn còn bớt cay đắng hơn Albinus trong "Tiếng cười trong bóng tối". Tác giả đã đẩy bi kịch của người đàn ông rụt rè mê mỹ thuật này đến mức cùng cực, đến mức độc giả có thể thấy rùng mình khi hình dung những ngày ông phải trải qua trong những năm tháng cuối đời.

Và như thế, đọc "Tiếng cười trong bóng tối" để biết về những tiền đề đầu tiên của thủ pháp nghệ thuật kiểu Nabokov, cái chất điện ảnh, chất trinh thám trong tác phẩm của ông. Sau này, người ta có thể nói về "Lolita" như một cuốn dâm thư vị thành niên, nhưng đó không phải là câu chuyện thực tâm Nabokov đã kể. Ông đã giấu nhẹm trước độc giả thờ ơ cái tinh thần nhân văn đáng quý, nằm ẩn giữa những tình tiết trinh thám, những gợi mở khiêu khích giả cách yêu đương, trò chơi ngôn ngữ, thái độ giễu nhại lẫn cảm thương và cảnh báo về hệ quả lòng tham dục bên trong cả người đàn ông lẫn đàn bà.

Hồ Hương Giang