- "Bảo tồn Ví, Giặm không hề khó so với các loại hình khác bởi nó vẫn đang sống, tồn tại mạnh mẽ trong cộng đồng. Ví, Giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động', PGS. TS Đặng Hoành Loan.

Dân ca Ví, Giặm vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng đằng sau câu chuyện vinh danh lại là nỗi lo bảo tồn để tránh như những loại hình khác bị biến tướng và sân khấu hóa vì nhiều mục đích khác nhau.

{keywords}

Tiết mục tham gia Liên hoan tiếng hát dân ca xứ Nghệ.

Ví, Giặm đã tự giải phóng mình

PGS. TS Đặng Hoành Loan, người tham gia nhận xét về bộ hồ sơ Ví Giặm Nghệ Tĩnh ở Hội đồng Di sản Quốc gia với tư cách người làm âm nhạc chia sẻ rằng về mặt nghệ thuật học, nghệ thuật dân ca Ví, Giặm đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam một hình thức dân ca khác với tất cả ác hình thức âm nhạc dân gian có từ Thanh Hóa ra hết miền Bắc.

Nó là một nhạc ngữ riêng, không giống như nhạc ngữ của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Nó là nhạc ngữ riêng của vùng Trung Trung Bộ. Nhạc ngữ ấy làm cho âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng, đặc biệt nó là tiền đề của rất sáng tạo nghệ thuật mới dựa trên âm hưởng dân ca Ví, Giặm. Cũng chính nhờ có Ví, Giặm chúng ta có hàng trăm bài âm nhạc, dân ca mới, nhạc không lời mới viết trên chất liệu Ví , Giặm, nói cách khác ví giặm là chất liệu giúp các nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm mang đầy tính hiện thực.

Theo TS Đặng Hoành Loan trong quá trình lịch sử Ví, Giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động.

Điều này không thấy nhiều ở các nghệ thuật truyền thống khác. Và đó là nguyên nhân chính để Ví, Giặm phát triển rộng rãi, đồng nhất trong suốt chiều dài lịch sử xã hội. Cụ thể, nếu như trước kia chỉ đi cấy hát phường cấy, làm vải hát phường vải, đi đò hát phường đò, đi buôn hát cà kê... thì qua quá trình biến đổi, cộng đồng không bị bó hẹp bởi ngoại cảnh này nữa.

“Không gian Ví, Giặm đã mất lâu rồi, không còn phường củi, không còn phường vải… nhưng nhân dân Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi từ nghệ thuật thực hành lao động sang nghệ thuật giải trí cộng đồng ngót 100 năm nay rồi. Nó tồn tại trong cộng đồng như hình thức sinh hoạt, giải trí cộng đồng chứ không còn là không gian sinh hoạt văn hóa như thuở xưa nữa. 

Sự chuyển đổi chức năng từ thực hành lao động sang sinh hoạt giải trí cộng đồng ấy làm Ví, Giặm có sức sống mạnh mẽ dẫu xã hội đã trải bao phen biến loạn. Bên cạnh đó, vì gắn bó mật thiết với cộng đồng, nên các lời ca Ví, Giặm cũng là lời kể từ quá khứ của dân tộc Việt. Ví như những ngày đầu khởi nghĩa, những cuộc kháng chiến trường kỳ, công cuộc xây dựng hòa bình... đều phản ánh trong dân ca Ví, Giặm", PGS. TS Đặng Hoành Loan khẳng định.

{keywords}

Câu chuyện sau vinh danh

Theo TS Đặng Hoành Loan, vì Ví, Giặm không xa rời đời sống cộng đồng nên người ta đã xây dựng nên những sân khấu Ví, Giặm, nói cách khác là xây dựng nên một hình thức Ví , Giặm khác không thuộc cái tầng của nghệ thuật Ví, Giặm dân gian. Ví thế có thể nói, Ví, Giặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh có hai tầng, đó là tầng sân khấu hiện đại và tầng văn hóa dân gian. 

Hai tầng ví giặm nay đang song song tồn tại đang đắp đầy đời sống văn hóa của nhân dân. Điều này không đáng lo lắng trong việc bảo tồn, càng không lo lắng nó biến mất, vì nếu biến mất thì nó đã biến mất rồi, chuyển đổi thì nó cũng đã chuyển đổi rồi, khi nó chuyển đổi thành nghệ thuật sinh hoạt thì nó sẽ biến đổi vô cùng để thích nghi với đời sống. Nếu trước kia người ta hát Ví riêng, hát Giặm riêng thì nay cứ sau câu hát Ví là họ hát Giặm. Sự chuyển đổi ấy rất hợp lý, hòa hợp giữa Ví và Giặm trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo, sáng tạo. Ví, Giặm trở thành hình thức tổ chức âm nhạc rất đặc biệt, có sức hấp dẫn đặc biệt với cộng đồng.

"Ví, Giặm sân khấu ra đời vài chục năm rồi, chắc chắn không làm ảnh hưởng xấu tới di sản dân gian, ngược lại nó làm đầy hơn đời sống văn hóa của cộng đồng. Ví, Giặm lên được sân khấu là nhờ dân gian bởi cộng đồng đã chuyển lối sống sinh hoạt thuở xưa ở đồng ruộng, sông nước, các làng dệt vải, trở thành nghệ thuật giải trí với hình thức đối ca, tam ca…" , TS Loan nói.

Chính vì vậy cũng theo TS Loan tốt nhất là tổ chức để đưa Ví, Giặm vào trong tất cả các sinh hoạt cộng đồng. Cũng nên cho nghệ nhân truyền dạy, chúng ta nuôi các nghệ nhân truyền dạy bằng cách trả thù lao chứ không phải trả lương. Trả thù lao là hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy cho cộng đồng chứ không phải là bao tất lương để anh hưởng thụ rồi không làm gì cả. Hỗ trợ đến mức tối đa để nghệ nhân có sự truyền dạy tối đa. "Trong quá trình điền dã của tôi thì tôi thấy rằng nghệ nhân nào cũng khao khát được truyền dạy, vấn đề là các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho họ truyền dạy', TS Loan cho biết.

Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là điều rất đáng mừng. Người dân mình thường hay tự hào rằng chúng ta có 9 hay 10 cái di sản... nhưng phải nói rằng đằng sau vinh danh là cả một câu chuyện dài về bảo tồn. Bao giờ cũng phải bảo tồn và phát huy rồi mới đến thừa kế và phát triển nhưng chúng ta hay làm tắt: Bảo tồn rồi phát triển nên nhiều khi bị biến tướng.

Chẳng hạn như cồng chiêng Tây Nguyên bây giờ người ta cứ thích mang đi các hội diễn. Vấn đề là ở cơ quan quản lý phải chú trọng đầu tư sau khi được vinh danh. Ngày trước người dân là chủ thế của di sản nhưng bây giờ nhiều thông tin nên phải có một cơ quan quản lý định hình. 

“Chủ nhân của di sản văn hóa là nhân dân. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết nên không ít trường hợp, người dân vô tình làm biến tướng di sản, dẫn đến việc mất dần nét độc đáo gốc của di sản. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một ví dụ cho câu chuyện này”, GS Tô Ngọc Thanh lý giải.

Theo GS Tô Ngọc Thanh, dân ca Ví, Giặm vừa mới được vinh danh nên chưa thể nói trước được điều gì nhưng vai trò của cơ quan quản lý rất quan trọng. Phải có một quỹ đầu tư nhất định chứ không vì người quản lý yêu hay không yêu Ví, Giặm mà lơ là, ít quan tâm.

GS-TS Ngô Đức Thịnh lại đặt câu chuyện phát huy giá trị của Ví, Giặm như thế nào sau vinh danh để nó phát huy và lan tỏa giá trị của di sản này. “Các cấp quản lý cần giám sát chặt chẽ việc này. Việt Nam đã có nhiều di sản được tôn vinh nhưng việc bảo tồn sau vinh danh lại không được thực hiện tốt. Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là một trường hợp tiêu biểu. UNESCO đã ba lần đưa ra cảnh báo về vấn đề bào tồn di sản này. Chúng ta cần tránh lặp lại những trường hợp, câu chuyện tương tự với các di sản mới được vinh danh trong thời gian gần đây,” GS Ngô Đức Thịnh nói.

Ông Cao Đăng Vĩnh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho rằng dân ca ví, dặm đang dần mai một trong đời sống cộng đồng. Các nghệ nhân lưu giữ các làn điệu gốc hầu hết đã qua đời, số còn lại cũng đã già yếu.

Âm nhạc và lối sống hiện đại đang tác động mạnh mẽ làm dân ca xứ Nghệ mất dần công chúng. Các bà mẹ hầu như không còn ru con bằng dân ca. Kiến thức về dân ca Ví, Giặm của thế hệ trẻ cũng rất mờ nhạt. Các CLB dân ca được thành lập chưa nhiều, số đã có hoạt động chưa thực sự hiệu quả, kinh phí còn rất khó khăn. Nghệ An, Hà Tĩnh đều chưa khai thác được vốn dân ca vào việc phục vụ và thu hút khách du lịch...

NSND Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: “Môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ không còn, và làm thế nào để phục hồi môi trường diễn xướng đang là một câu hỏi khó. Ngày xưa hát phường vải thì có phường vải, hò chèo thuyền thì có chèo thuyền... còn ngày nay chỉ có thể mô phỏng, sân khấu hóa”.

T.Lê