- "Triển lãm về cải cách ruộng đất nhấn mạnh về những thành quả của cải cách ruộng đất, bên cạnh đó còn có cả tư liệu về những sai lầm và sửa sai liên quan đến chiến dịch cải cách ruộng đất nhưng đây không phải là mục đích chính của triển lãm. Không nhất thiết phải phơi bày sai lầm của lịch sử như vậy", ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.

{keywords}

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang dành phần chính nói về "Cải cách ruộng đất 1946-1957" với các hiện vật, tài liệu trưng bày được chia làm bốn nội dung cụ thể. Trong đó, có một phần nêu rõ các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất thông qua trưng bày nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất.

Phần nói về cải cách ruộng đất từ năm 1953-1956 giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách.

{keywords}

Phần "Sai lầm và sửa chữa sai lầm" giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương. Phần trưng bày này khiến một bộ phận người xem cảm thấy 'sơ sài', bởi những câu chuyện về số phận của con người bị oan sai, giờ con cháu họ sống ra sao, nghĩ gì về thời kỳ mà ông cha họ đã trải qua thì lại không thấy đề cập tới.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Không nhất thiết phải phơi bày toàn bộ những sai lầm của lịch sử". Theo ông Cường, với triển lãm lần này, thông điệp mạnh mẽ nhất là Bảo tàng muốn hướng tới là những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất đã mang lại cho nhà nước mới được thành lập, cho người dân Việt Nam nghèo khổ đang từ phận nô lệ mất nước được hưởng thành quả cách mạng đó. Điều này là đáng nói và phải nói kỹ để thế hệ sau này, khi không trải qua thời kỳ đó có cái nhìn đúng đắn về lịch sử.

{keywords}

"Cái đa chiều, toàn diện mà chúng tôi muốn hướng tới là "sai lầm và sửa chữa sai lầm" thì chúng tôi chỉ khoanh nó dưới góc độ Trung ương Đảng và Bác Hồ đã kiểm điểm và chỉnh sửa theo phương pháp chỉ đạo như thế nào. Và đã nhận thức được ngay trong quá trình cải cách chứ không phải chờ tới một thời gian dài như những vấn đề khác", ông Cường nói.

Bởi vậy theo ông Cường, việc đi sâu vào oan sai như thế nào, hình thức oan sai ra sao, đối tượng oan sai chịu đối xử như thế nào thì lại không nằm trong mục đích của cuộc trưng bày lần này mặc dù tư liệu của Bảo tàng rất nhiều. Đây không phải là vấn đề nhạy cảm mà Bảo tàng muốn né tránh, những sai lầm trong lịch sử Đảng đã nhận thức và có chỉ đạo xử lý những người có trách nhiệm trong công cuộc cải cách ruộng đất rồi thì không nhất thiết phải phơi bày những mất mát đau thương một lần nữa.

"Đúng là có những mất mát đã được sửa chữa, đã được minh oan nhưng có những mất mát không thể bù đắp được", ông Cường nói. Nhưng theo ông Cường, cuộc trưng bày mở ra thì có 2 bộ phận tới xem là chủ yếu. Bộ phận người xem thứ nhất là họ chưa hiểu được cải cách ruộng đất như thế nào và họ muốn xem để hiểu rõ. Còn bộ phận thứ hai là người nhà, là con cháu của đối tượng trong cải cách ruộng đất đó xem xem mình đã thể hiện cái sửa sai đó như thế nào, những đối xử trong cải cách ruộng đấy họ làm giáo điều ra làm sao? 

"Thế hệ tôi nếu không tìm hiểu kỹ về công cuộc cải cách ruộng đất thì đều nghĩ rằng, cải cách ruộng đất là sự thất bại của Đảng, là nỗi đau thương của dân oan mà không biết rằng thành tựu mà nó đạt được lại là chính. Đó cũng chính là mục đích của triển lãm", ông Cường nhấn mạnh.

Tình Lê