Ở Việt Nam, Trang Thanh Hiền không phải là người đầu tiên say mê vẽ hoa, lá, nhụy… như những biểu tượng hai mặt (hoặc nhiều hơn hai mặt) về con người và thiên nhiên.

Khác với con đường tất yếu thông thường của các họa sĩ, bắt đầu khám phá ý nghĩa của hình tượng bằng lao động thực tế trên chính hình tượng đó theo cách lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tìm tòi những biểu hiện mới, Hiền không phải là người bỏ quá nhiều công sức thực hành để tìm ra một lối biểu hiện hình ảnh riêng cho mình bởi chị vốn là một người nghiên cứu nghệ thuật cổ Việt Nam, các biểu tượng và ý nghĩa hình tượng cũng như cảm xúc của nó đã đầy ắp trong Hiền.

{keywords} 

 {keywords}

Nên, hãy xem những biểu tượng đó được thể hiện một cách chắt lọc và độc đáo như thế nào trong tranh của Hiền: lá và chồi cũng là mắt và môi, có khi trở thành nhụy- tâm điểm của hình tượng. Đài hoa, nhụy và cánh hoa cũng là thân hình, là đầu, cổ, và vai, là dáng ngồi trên Niết bàn, là chính Niết bàn. Nhụy, lá và hạt phấn là hào quang, là biểu đạt chuyển động của gió, là nếp áo buông, có khi là một thứ nền hòa quyện khó rạch ròi của hình tượng.

Trong nghệ thuật Ấn Độ giáo, hình tượng con mắt là một thứ biểu tượng có nhiều hơn hai nghĩa, dựa trên truyền thuyết về Indra, vị thần quyền năng và trí tuệ cao cả nhưng không cưỡng được ham muốn trước người đàn bà tuyệt đẹp nên đã phạm tội dâm dục. Thần Sáng thế Brahma bắt ông phải mang hàng ngàn hình ioni trên khắp thân mình, mà sau này, với thế gian, đó cũng là những con mắt, nhắc nhở về sức mạnh của trí tuệ.

{keywords} 

 {keywords}

“Con mắt” trong tranh của Hiền có lẽ chỉ rất ít khi mang ý nghĩa ám tượng như vậy. Được vẽ như một tâm điểm của các bức tranh, hay tâm điểm của  hình tượng, con mắt trở thành một trục xoay để từ đó tỏa ra nhiều phía những lớp lang khác nhau của cảm xúc. Có một chút tinh nghịch trong từng con mắt, hay đôi mắt, hoặc “chùm” mắt mà Hiền vẽ bằng những nét dài vút, mơ màng mà tinh quái như mắt bà chúa Liễu, có khi như cặp lông mày, như tâm điểm phân chia hai nửa của con người, hay như những chồi hoặc nhụy hoa. Cùng với những “rèm” môi, khi mờ ảo như một cái nền biểu cảm, khi bay lượn như những nhành lá trong cơn gió nội tâm, khi vươn mọc mềm mại đầy sức sống, “mắt” và “môi” trong tranh của Hiền vừa là sự phô bày về hình ảnh, vừa là điểm tụ của cảm xúc, tạo ra linh hồn của bức tranh.

Chọn vẽ mực tàu trên giấy vỏ cây của người Nùng An, loại giấy thủ công chuyên dùng cho các nghi thức tâm linh của đồng bào thiểu số vùng núi phía Bắc, Hiền đã tận dụng được nhiều phẩm tính biểu cảm sẵn có của chất liệu và thế mạnh của thể loại. Tận dụng triệt để không gian hai chiều, Hiền chọn những bố cục nhẹ, trải dọc từ trên xuống (theo lối viết câu đối xưa) hoặc “chạy” hàng ngang theo lối phù điêu cổ. Tận dụng nhòe mờ của mực và giấy dó. Những đường nét mạnh và nổi nhưng mềm mại. Luôn có sự lưỡng phân (hay thậm chí phân tách thành nhiều phần, như ba mảnh tranh hay người năm thân, bảy đầu…) của hình tượng và đan xen hài hòa, nhịp nhàng giữa liền mạch và rời rạc, đặc và rỗng, giữa thực và hư, có và không.

Đó là lối bố cục của tâm hồn, rất ít phụ thuộc vào ngoại giới hay thậm chí các quy luật sách vở của nghệ thuật. Tất cả làm thành một thế giới vừa hồn nhiên, trẻ trung, vừa đậm đặc cảm xúc tôn giáo thần bí và tính Mẹ. Một ngày, Hiền đã mơ giấc mơ của vườn cây, bằng những hình tượng xa xưa từ đại ngàn, hay từ một cõi thiêng nào đó vừa gần gũi lại vừa xa vời với con người, mà từ lâu nhiều người đã lãng quên… Cùng với tranh, Trang Thanh Hiền gửi tới mọi người những vần thơ đầu tay của chị. Đó là những ý tưởng thành thực, bộc lộ từ những tâm sự hàng ngày của một người phụ nữ đang nếm trải nhiều khúc quanh của cuộc đời cũng như của tình yêu.

Khánh Phương