– Liên quan đến những tranh cãi về việc thanh toán phí bản quyền các ca khúc nhạc Trịnh thời gian qua, nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng chia sẻ ý kiến.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Ban tổ chức không tôn trọng quyền tác giả

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Hiện nay, vấn đề tác quyền là một vấn đề nhức nhối mà các nhạc sĩ luôn quan tâm. Như cá nhân Chung, ở ngoài kia, có bao nhiêu cửa hàng karaoke sử dụng các khúc của mình để phục vụ khách, có bao nhiều siêu thị mở bài hát của Chung… làm sao Chung kiểm soát hết được và đi đến từng nơi một mà đòi.

Chính vì thế mà Chung đã ủy quyền hoàn toàn cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong việc thu tác quyền. Hầu hết các nhạc sĩ đều làm như vậy. Với mỗi khoản phí thu về, nhạc sĩ sẽ trích lại phần trăm cho bên Trung tâm.

Trở lại với câu chuyện tranh cãi ồn ào thời gian qua, Chung thấy dường như phía ban tổ chức không có ý thức tôn trọng quyền tác giả. Bởi nếu có ý thức thì đã không làm như vậy. Họ hoàn toàn có quyền lựa chọn, nếu không đồng ý với mức giá mà Trung tâm đưa ra thì đừng sử dụng các ca khúc đó.

Hơn nữa, việc họ đòi giấy ủy quyền của 7 thành viên thừa kế của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là vô lý. Bởi bản thân họ cũng không hề có giấy ủy quyền tương tự cho phép họ được thoải mái sử dụng các ca khúc đó.

Về vấn đề mức giá trung bình mà Trung tâm đưa ra là 7,5 triệu đồng/bài, Chung tạm không đánh giá là cao hay thấp. Bởi với sản phẩm đặc thù này thì giá cả rất vô chừng, và Trung tâm cũng có cách tính của riêng mình, đã được áp dụng từ trước đến nay. Chưa kể, cái giá đưa ra còn có thể có tác động từ phía gia đình nhạc sĩ nữa. Giả sử cô Trịnh Vĩnh Trinh là người đưa ra mức giá đó thì Trung tâm cũng không thể can thiệp.

Trong giới nhạc sĩ có một luật bất thành văn, đó là với các chương trình từ thiện, chương trình vì cộng đồng không bán vé thì sẽ không thu tiền tác quyền. Cá nhân Chung cũng nhiều lần đồng ý các cho đơn vị tổ chức sử dụng miễn phí những sáng tác của mình, vì có những mối quan hệ không thể tính toán bằng tiền bạc.

Điều mà Chung thấy đáng tiếc nhất trong chuyện này là việc một nhạc sĩ lớn như Phó Đức Phương lại phải đích thân ra mặt đi thu tiền. Ông hoàn toàn có thể ủy quyền cho một người khác làm việc đó.

Dương Khắc Linh: Thực trạng bản quyền ở Việt Nam hiện vẫn rất lộn xộn

{keywords}
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Dương Khắc Linh

Thời gian qua, tôi tương đối bận nên tôi cũng không theo dõi sát sao câu chuyện này. Tuy nhiên, hiện tượng các đơn vị tổ chức chây ỳ trong việc trả tiền bản quyền cũng không có gì là lạ. Bởi thực trạng bản quyền ở Việt Nam hiện vẫn rất lộn xộn và người nhạc sĩ luôn phải chịu thiệt thòi.

Chẳng nói đâu xa, vụ việc Zing MP3 bị kiện về vấn đề bản quyền cũng khá là ầm ĩ. Đây là một công ty lớn, họ hiểu rằng mình phải có trách nhiệm trả tiền bản quyền nhưng nhất định không làm dù cho con số 4 tỷ chẳng đáng là bao so với lợi nhuận của họ.

Ngay từ khi về Việt Nam, tôi đã làm việc với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc bởi bản thân mình không có thời gian để có thể theo dõi ai đang dùng chùa nhạc của mình. Tôi thấy Trung tâm đã làm việc rất nỗ lực, nhưng kết quả thì không khả quan. Ngoài các đơn vị tổ chức thì những nhà mạng cũng rất nhập nhèm vấn đề bản quyền. Và số tiền tôi nhận được chỉ là một phần nhỏ so với con số thực.

Ở nước ngoài, các nhạc sĩ cũng có những Trung tâm tương tự để bảo vệ bản quyền cho mình. Tuy nhiên, họ có quyền lực rất mạnh, có luật pháp chặt chẽ, có luật sư, thế nên hầu như không ai dám làm sai luật. Nếu cá nhân hoặc tổ chức nào không trả tiền bản quyền sẽ bị xử lý theo pháp luật và có khả năng đi tù.

Về mức phí trung bình 7,5 triệu đồng/tác phẩm nhạc Trịnh cho đêm diễn tại Hà Nội mà bên Trung tâm đưa ra thì tôi không bình luận gì vì mình không phải người trong cuộc. Nhưng tôi nghĩ, không thể vì nó đắt mà mình quyết định “xài chùa” được. Chẳng nhẽ bạn đi mua điện thoại, thấy giá cao quá, thế là bạn đòi người ta cho mình… miễn phí?

{keywords}

Chiều ngày 12/8, Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc đã đưa ra được Giấy Ủy quyền bản có đầy đủ chữ ký của 7 người thừa kế như bên phía đơn vị tổ chức yêu cầu. Ủy quyền này được ký vào ngày 9/4/2002 (1 năm sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và có thời hạn trong vòng 20 năm. 


Linh Phạm