Trong khi các rạp quốc doanh rơi vào cảnh ngắc ngoải sống qua ngày thì các cụm rạp hạng sang bỏ ra cả chục tỉ xây mới và nâng cấp để giành giật khán giả nhà giàu.


Thay đổi từ cái nhà vệ sinh

{keywords}
Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội được nâng cấp theo mô hình các rạp tư nhân.

Sự xuất hiện liên tiếp của các cụm rạp chiếu phim mới hiện đại tại HN và TP.HCM như MegaStar, Platinum, Lotte, Galaxy với các phòng chiếu kỹ thuật số, 3D cùng hệ thống âm thanh mới đã đặt phân khúc các rạp hạng sang vào cuộc đua giành giật khán giả tại các đô thị lớn. Sự xuất hiện của mạng internet, hệ thống băng đĩa, truyền hình cáp cùng các rạp chiếu gia đình buộc các rạp chiếu không chỉ cần có phim hay mà còn cần có rạp đẹp, hiện đại để chiều lòng tầng lớp khán giả thành thị ngày càng khó tính hơn.

Chính thách thức này đã buộc các rạp chiếu bình dân, những rạp chiếu nhỏ lẻ, những rạp quốc danh vào thế cạnh tranh tàn khốc. Nhiều năm trước, không ít rạp chiếu đã phải đóng cửa và chuyển đổi mục đích kinh doanh.

Các rạp còn tồn tại đến nay cũng đều phải tìm cách liên doanh tìm vốn nâng cấp rạp theo mô hình của các rạp tư nhân do nước ngoài rót vốn để chạy đua cho kịp rồi cạnh tranh bằng cách bán vé mềm hơn để có khách. Trong dòng xoáy này, không phải rạp nào cũng trụ được bởi thay đổi từ cơ sở vật chất đến cung cách phục vụ đã "ngấm vào máu" nhiều năm là chuyện không dễ.

Một chuyện thật tưởng như đùa được phóng viên ghi lại trong một cuộc gặp báo chí gần Tết âm lịch 2013 của một trung tâm chiếu phim thuộc sở hữu nhà nước tại HN. Sau cuộc trò chuyện, ông giám đốc mời các nhà báo đi thăm quan... khu nhà vệ sinh để các vị khách thấy giờ đây nó hiện đại và sạch sẽ thế nào. Thậm chí nhà vệ sinh còn được coi là bộ mặt và niềm tự hào của trung tâm. Lý do là vì xưa nay khu vệ sinh của cụm rạp này vốn không được sạch sẽ cho lắm và là điểm tụ tập hút chích của nhiều người dân gần đó.

Sự thay đổi tư duy phục vụ từ cái nhà vệ sinh, từ cái biển chỉ dẫn rạp đến cung cách phục vụ của nhân viên soát vé hóa ra lại là bước tiến lớn của các cụm rạp nhà nước đang phải tự lèo lái trên thị trường vốn nhiều cạnh tranh. Trong khi đó, các rạp tư nhân thì đua nhau gắn ghế VIP, phòng VIP với ghế bọc da có nút tự điều chỉnh với người phục vụ riêng ngay tại phòng chiếu để chiều lòng khách.

Rạp nghèo phát khóc nhìn rạp giàu chạy đua

{keywords}

Các rạp chiếu chạy đua từ thiết kế đến trang thiết bị để hút khách.

Thời điểm cuối tháng 7 vừa qua, hai cụm rạp Platimum và MegaStar tại Hà Nội cùng đưa vào hoạt động hệ thống âm thanh chuẩn thế giới Dolby Atmos thay vì Dolby 7.1 đã được áp dụng từ năm 2010. Đây là công nghệ âm thanh mới được Hollywood áp dụng từ hè 2012 từ bộ phim hoạt hình "Brave" và mới đây nhất là "The Wolverine".

Từ việc nâng cấp cơ sở vật chất rạp chiếu, phòng chiếu, chỗ ngồi đến hệ thống máy chiếu số, màn hình 3D, cuộc chạy đua nâng cấp hệ thống âm thanh từ Dolby 5.1 đến 7.1 rồi Dolby Atmos đặt các rạp chiếu hạng sang vào cuộc chiến vô cùng tốn kém để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Trung bình các rạp phải chi khoảng chừng 500-600 triệu đồng để nâng cấp hệ thống âm thanh mới và đây thực sự là con số không nhỏ với những "rạp nhà nghèo".

"Khán giả luôn mong muốn trải nghiệm những công nghệ mới nhất của thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng Dolby Atmos sẽ mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho khán giả. Nó khiến cho khán giả cảm thấy mình như đang ở trong bộ phim. Chúng tôi đã và đang trang bị công nghệ này cho 4 rạp của mình, ở cả TP.HCM và Hà Nội", bà Mariam - Giám đốc điều hành cụm rạp MegaStar cho hay.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, một cụm rạp theo tiêu chuẩn hiện đại như MegaStar cần chừng 8-10 tỉ đồng cho một phòng chiếu. Như vậy một cụm rạp từ 8-10 phòng chiếu cần từ 60-100 tỉ đồng. Con số này cũng có thể cao hơn nếu sử dụng các thiết bị cao cấp. Đó là chưa kể đến việc nâng cấp thay mới thiết bị được làm thường xuyên.

Hiện tại, những cụm rạp hiện đại được cho là tiên phong tại HN và TP.HCM đã được mở 7-8 năm và đây cũng là thời điểm chúng cần cải tạo. Đây là công việc vô cùng tốn kém nhưng lại cần thiết bởi nhu cầu giải trí của khán giả ngày càng cao và họ luôn thích xem phim với những trải nghiệm tốt nhất.

Chính vì vậy, một khi đã ra rạp, số đông khán giả (thường là giới trẻ) có xu hướng chọn những rạp cao cấp để thưởng thức một bộ phim với nghĩa hoàn hảo nhất từ âm thanh, hình ảnh, phòng chiếu đến phong cách phục vụ. Không ai chịu bỏ tiền mua vé xem một bộ phim mới trong những rạp chiếu chật chội và xuống cấp với hệ thống loa rè.

Rạp sang hốt bạc, tư nhân chiếm lĩnh

{keywords}
Các rạp chiếu cao cấp có chi phí cao nhưng kiếm bộn tiền.

Sự tăng trưởng đến chóng mặt của thị trường chiếu bóng trong những năm gần đây đã biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các chủ rạp mạnh tay đầu tư. Tờ Hollywood Reporter cho hay doanh thu phòng vé tại Việt Nam năm 2012 đạt tới 43 triệu USD (khoảng 900 tỉ đồng), gấp 5 lần thời điểm năm 2012. Tuy nhiên doanh số chủ yếu rơi vào các cụm rạp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài cũng như đa phần là các phim ngoại nhập.

Sự bùng nổ của dân cư đô thị, sự phát triển của hệ thống phát hành với lượng phim nhập về không giới hạn đã biến VN vào top đầu những thị trường chiếu bóng tăng trưởng "nóng" nhất thế giới.

Mặc dù liên tục xuất hiện các cụm rạp mới tại HN và TP.HCM nhưng hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 100 rạp chiếu, bằng 1/10 Thái Lan. Riêng Băng Cốc năm 2007 đã có tới 300 rạp. Như vậy có thể nói ở VN đây vẫn là thị trường rất tiềm năng.

Bên cạnh kế hoạch xây rạp của các hãng tư nhân có vốn nước ngoài, từ nay đến năm 2020, theo đề án phát triển điện ảnh mới được đưa ra thì sẽ có chừng 100 rạp chiếu phim sẽ được nhà nước xây mới và nâng cấp.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng sẽ được đầu tư đến đâu, vận hành thế nào và có đủ sức để cạnh tranh với các rạp tư nhân hạng sang đang nở rộ như nấm sau mưa và vốn đã giành nhau hết lượng khán giả có tiền có thói quen đến rạp ở các đô thị lớn.

Hạnh Phương