- “Chúng tôi hồi đó rất chật vật trong việc đi xin mã ngành bởi vì trên thực tế lúc đó chưa có mã ngành gọi là Chính sách Công” – TS Vũ Thành Tự Anh nhớ về những buổi đầu gây dựng nền móng về ngành học quan trọng này.

Hơn 2 tháng trước, TS Vũ Thành Tự Anh trở lại Bến Tre. Ông có một cuộc gặp với Chủ tịch tỉnh này nguyên là sinh viên khóa 1 của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – tiền thân Trường Chính sách Công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam).

Trong bữa tối, TS Tự Anh hỏi Chủ tịch Bến Tre rằng, những kiến thức ông học hồi xưa giờ cũng đã cũ kỹ, lạc hậu nhưng những gì học được từ Fulbright cách đây 20 năm có giúp được gì?

Ông Chủ tịch tỉnh thành thật chia sẻ, đúng là những kiến thức cơ bản đã lạc hậu nhưng có một thứ không lạc hậu đó là phương pháp tư duy.

“Cái mà tôi học được ở trường Fulbright là cách tiếp cận vấn đề, phương pháp tư duy, phương pháp nhìn nó soi rọi nó ở nhiều chiều khác nhau và cái đấy không bao giờ cũ”, ông chia sẻ.

“Mang chất lượng giáo dục cao nhất đến cho một nước đang phát triển, trong một điều kiện khó khăn như Việt Nam quả thật không dễ và đấy là sứ mệnh của chúng tôi”.

Hay nói cách khác, những kiến thức cụ thể có thể cũ nhưng phương pháp để học, học trọn vẹn, học trọn đời và học dưới góc độ một nhà phân tích Chính sách Công thì không bao giờ cũ.

Chưa phải ở một một vị trí thực sự cao cấp như ông Chủ tịch tỉnh Bến Tre nhưng một cựu học viên ở Thanh Hóa tốt nghiệp trường cách đây 4 năm cũng có nhiều suy ngẫm.

“Tôi với bạn cũng đi ăn tối với nhau. Vì là truyền thống của trường là bất kỳ khi nào mà các giảng viên về địa phương thì đều cố gắng gặp cựu sinh viên. Sau khi gặp, bạn cựu sinh viên tiễn tôi ra taxi, rồi nói: “Lúc nãy em không tiện nói với thầy và các bạn nhưng có một điều em nghĩ học nhiều nhất ở trường đấy là sự chính trực.

Khi em về lại cơ quan, em không thể nào nói dối, không thể làm việc đáng lẽ ra trước đây em coi như là bình thường. Em nghĩ thành công lớn nhất, đóng góp lớn nhất mà trường tạo ra đó là sự chính trực, và sự chính trực quan trọng nhất là trung thực với chính mình”, TS Tự Anh kể.

{keywords}

Phá vỡ sự cấm kị

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright được thành lập năm 1994 từ sự phối hợp giữa Hội đồng các Tổ chức Học thuật Hoa Kỳ, Chương trình Việt Nam thuộc Viện Phát triển Quốc tế Harvard và Đại học Kinh tế TP.HCM như sự tiên phong về hợp tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

TS Tự Anh vẫn nhớ những ngày đầu chuẩn bị cho chương trình này.

“Chúng tôi hồi đó rất chật vật trong việc đi xin mã ngành bởi vì lúc đó chưa có mã ngành gọi là Chính sách Công và phải gửi nhờ sang ở mã ngành Kinh tế. Mãi về sau, ngành Chính sách Công mới trở thành một mã ngành riêng biệt, thì trường cũng là một trong những tổ chức đưa giảng dạy Chính sách Công và Lãnh đạo Công đầu tiên đến Việt Nam”, TS Tự Anh cho biết.

Và, từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đến Trường Chính sách Công – Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) là một bước tiến dài.

“Tôi cho rằng ảnh hưởng lớn nhất và đóng góp lớn nhất của chương trình trước đây và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright hiện nay đó là tạo ra một tiêu chuẩn mới, một khuôn khổ mới cho thảo luận Chính sách công ở Việt Nam”.

Nếu như trước đây, việc phê bình các Chính sách Công là điều gì đó có tính cấm kị, thậm chí nếu phát biểu cũng chỉ ở những nơi không thật sự chính thức hoặc không có khuôn mặt và sự tham gia của báo chí.

“Từ khi Trường Fulbright Việt Nam bắt đầu tham gia thảo luận chính sách với một trong những nguyên tắc quản trị cơ bản của mình là minh bạch và chịu trách nhiệm thì chúng tôi luôn luôn cố gắng cung cấp những nghiên cứu được sự hỗ trợ bởi những nghiên cứu cơ bản và những nghiên cứu hàn lâm nhưng đồng thời lại có tính ứng dụng chính sách.

Chúng tôi luôn luôn công bố các nghiên cứu đó cho một mặt là từ phía Chính phủ, các cộng đồng những người làm chính sách, đồng thời cho công chúng nói chung – những người có quyền được biết về những gì xảy ra trên đất nước mình”, TS Tự Anh chia sẻ.

“Trường chủ động nhúng mình vào trong môi trường chính sách và chính trị ở Việt Nam. Nó không đồng hóa nhưng trở thành một người quan sát gần gũi và cận cảnh với các vấn đề chính sách”.

Một vấn đề là lúc khởi thủy, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright là dự án hợp tác giữa Trường Đại học Harvard, cụ thể là Trường Chính sách công và Quản lý Harvard Kennedy School cùng với trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Với nguồn lực từ Harvard, trường là cầu nối giữa những nghiên cứu có chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất ở Harvard cộng thêm với vấn đề thực tiễn và các vấn đề thực tế về chính sách, chính trị và xã hội Việt Nam.

“Chúng tôi là cầu nối cho một bên là khuôn khổ lý thuyết và phương pháp, một bên là có bài toán cần phải giải. Chính cầu nối này giúp cho chúng tôi một mặt luôn luôn đối diện với các bài toán thực tế (mà tôi gọi là proximity), tức là sự gần gũi của Fulbright với các bài toán chính sách thực tiễn, nhưng đồng thời vẫn tiếp được nguồn sinh lực cũng như các phương pháp mới từ Harvard.

{keywords}

Đấy là một vị trí tương đối đặc biệt, độc đáo của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong quá trình đưa những kiến thức có tính lý thuyết, nghiên cứu và kinh viện trở thành những thông điệp chính sách mà Chính phủ có thể thực hiện được”, TS Tự Anh cho biết.

Định dạng sự khác biệt

Nói về sự khác biệt của trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, theo TS Tự Anh đó là sự tiếp xúc và tương tác rất mật thiết với các nhà làm chính sách.

“Tôi biết là có một số trường Chính sách Công khác có tính chất kinh viện nhiều hơn hoặc thậm chí vì nhiều lý do khác nhau họ bị giới hạn trong việc thảo luận các vấn đề chính sách. Trường Chính sách Công Fulbright đến thời điểm này, tôi có thể tự hào mà nói rất nhiều vấn đề chính sách quan trọng nhất của Việt Nam chúng tôi nghiên cứu và thảo luận trực tiếp với cộng đồng các nhà làm chính sách cũng như các nhà chính trị của Việt Nam”, ông cho biết.

Điều đó cho thấy trường chủ động nhúng mình vào trong môi trường chính sách và chính trị ở Việt Nam.

“Nó không đồng hóa nhưng trở thành một người quan sát gần gũi và cận cảnh với các vấn đề chính sách và với những kinh nghiệm như thế thì Trường có thể góp ý thảo luận chính sách cũng như có thể tạo ra các kinh nghiệm, truyền đạt các kinh nghiệm đối với các quốc gia khác”, TS Tự Anh chia sẻ tiếp.

“Nhiều vấn đề chính sách quan trọng nhất của Việt Nam chúng tôi nghiên cứu và thảo luận trực tiếp với cộng đồng các nhà làm chính sách cũng như các nhà chính trị của Việt Nam”.

TS Tự Anh chia sẻ, ông và các đồng sự luôn xác định sứ mệnh mang tới cho những sinh viên Việt Nam một chất lượng giáo dục đào tạo cao nhất trong một điều kiện của nước đang phát triển.

Trường Chính sách Công và Quản lý – Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nối những giá trị mà Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã xác lập trong hơn 20 năm qua, cũng như là sẽ phát huy những giá trị nằm trong một cộng đồng chung của Đại học Fulbright Việt Nam.

“Nếu chúng ta ở Mỹ, Anh, Pháp thì việc mang tới chất lượng giáo dục đẳng cấp cao nhất cho sinh viên của nước đấy không phải dễ nhưng không quá khó. Nhưng mang chất lượng giáo dục cao nhất đến cho một nước đang phát triển, trong một điều kiện khó khăn như Việt Nam quả thật không dễ và đấy là sứ mệnh của chúng tôi trong Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và sau đó là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam”, ông nói.

{keywords}

Bên cạnh đó là khát vọng đưa trường trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chính sách ưu tú không chỉ của Việt Nam mà của vùng, không chỉ giới hạn các vấn đề chính sách của Việt Nam mà cả các nghiên cứu cũng như tầm ảnh hưởng của trường lan rộng ra trong khu vực.

Trong nỗ lực đấy, trường đã xây dựng chương trình LMPPI tức là Sáng kiến Chính sách công Hạ vùng sông Mê Kông, một chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nghiên cứu về phát triển bền vững, nghiên cứu về an ninh một nước… những vấn đề không phải chỉ riêng Việt Nam. Hay Cộng đồng kinh tế ASEAN với những vấn đề về tự do thương mại, chẳng hạn như vấn đề đầu tư, vấn đề về dây chuyền lao động…

Gần đây nhất, trường bắt đầu thảo luận về sự hợp tác với một đối tác ở Myanmar trong một chương trình đào tạo và nghiên cứu về tài chính công là vấn đề mà Myanmar rất cần.

Linh Châu (Fulbright University Vietnam)