Dù BRI sẽ mang đến những được mất về địa chính trị cho Trung Quốc, nó ít có khả năng trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong đại chiến lược như một số nhà phân tích vẫn tin.

Ông Tập Cận Bình đã gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là “dự án thế kỷ.”

Sáng kiến này bắt đầu được thông báo vào năm 2013, kế hoạch của ông Tập nhằm kết nối lục địa Á-Âu thông qua việc đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng trải dài từ Trung Quốc đến châu Âu, mở rộng sang cả Đông Nam Á và Đông Phi, đã được gọi là Kế hoạch Marshall mới của Trung Quốc, cũng như là một nỗ lực nhằm đạt được một đại chiến lược của nước này. Một số nhà quan sát còn nhìn nhận diễn đàn này là một phần nỗ lực của ông Tập nhằm lấp đầy khoảng trống sau khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của Barack Obama.

Sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ cung cấp đường cao tốc, đường sắt, đường ống, cảng biển, và các nhà máy năng lượng vốn vô cùng cần thiết ở các nước nghèo. “Vành đai” sẽ bao gồm một mạng lưới khổng lồ các tuyến đường cao tốc và đường sắt qua Trung Á, còn “Con đường” là một chuỗi các tuyến đường biển và cảng biển giữa châu Á và châu Âu.

Tất nhiên, động cơ của Trung Quốc không đơn thuần là từ thiện. Việc tái phân bổ số dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc từ trái phiếu kho bạc Mỹ lợi nhuận thấp sang đầu tư cơ sở hạ tầng màu mỡ hơn là điều dễ hiểu, và tạo nên các thị trường thay thế cho hàng hóa Trung Quốc. Với việc các doanh nghiệp thép và xi măng Trung Quốc đang khổ sở vì thừa năng suất, các doanh nghiệp xây dựng nước này sẽ được hưởng lợi từ sự đầu tư mới. Và khi các ngành chế tạo của Trung Quốc chuyển đến các tỉnh khó tiếp cận hơn, các mối liên kết cơ sở hạ tầng được cải thiện với các thị trường quốc tế sẽ phù hợp với các nhu cầu phát triển của Trung Quốc.

Nhưng BRI có hiệu quả về mặt đầu tư như nó được quảng cáo? Theo tờ Financial Times, đầu tư vào sáng kiến của ông Tập đã giảm vào năm ngoái, làm dấy lên nghi ngại về mức độ cam kết của các doanh nghiệp thương mại so với chính phủ. Mỗi tuần có năm đoàn tàu hỏa chở đầy hàng xuất phát từ Trùng Khánh tới Đức, nhưng chỉ có một đoàn tàu chở đầy hàng quay trở lại.

Vận tải hàng hóa bằng đường bộ từ Trung Quốc tới châu Âu vẫn đắt gấp đôi so với vận tải bằng đường biển. Như Financial Times đã viết, BRI “không may là giống một tầm nhìn chính trị rộng lớn hơn là một kế hoạch đầu tư thực tế.” Hơn nữa còn có mối nguy hiểm từ các khoản nợ và cho vay chưa được trả từ các dự án hóa ra chỉ là những “con voi trắng” (gây lãng phí – NBT) và các cuộc xung đột an ninh có thể ảnh hưởng xấu đến các dự án trải dài qua quá nhiều đường biên giới chủ quyền.

Tầm nhìn của ông Tập thật ấn tượng, nhưng liệu nó có thành công với tư cách một đại chiến lược hay không? Trung Quốc đang đánh cược vào một quan điểm địa chính trị cũ. Một thế kỷ trước, nhà lý luận địa chính trị người Anh Halford Mackinder đã lập luận rằng bất cứ ai nắm quyền kiểm soát lục địa Á-Âu sẽ kiểm soát được cả thế giới.

Nhưng giờ đây nhiều điều đã thay đổi trong thời đại Internet, nhưng địa lý vẫn quan trọng, bất chấp “cái chết của khoảng cách địa lý.”

Với BRI, Trung Quốc đang đặt cược vào Mackinder và Marco Polo. Nhưng tuyến đường bộ qua Trung Á sẽ làm hồi sinh “Ván cờ Lớn” giành ảnh hưởng trong thế kỷ 19 của Anh và Nga, cũng như các đế chế trước đây như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đồng thời, “con đường” trên biển xuyên qua Ấn Độ Dương cũng sẽ làm trầm trọng thêm sự đối đầu vốn đã khốc liệt của Trung Quốc với Ấn Độ, với những căng thẳng về các cảng biển và tuyến đường của Trung Quốc qua Pakistan.

Mỹ đang đặt cược nhiều hơn vào Mahan và Kennan. Châu Á có cán cân quyền lực của riêng mình, và Ấn Độ, Nhật Bản…. đều không muốn Trung Quốc thống trị.

Robert Zoellick, cựu Đại diện Thương mại Mỹ và chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã lập luận, nếu một Trung Quốc đang trỗi dậy có thể góp phần cung cấp hàng hóa công cho thế giới thì Mỹ nên khuyến khích Trung Quốc trở thành một “cổ đông có trách nhiệm.” Hơn nữa, các công ty Mỹ cũng có cơ hội được hưởng lợi từ đầu tư của BRI.

Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi ích từ việc hợp tác trong một loạt các vấn đề xuyên quốc gia như ổn định tiền tệ, biến đổi khí hậu, quản trị mạng, và chống khủng bố. Và dù BRI sẽ mang đến những được mất về địa chính trị cho Trung Quốc, nó ít có khả năng trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong đại chiến lược như một số nhà phân tích vẫn tin. Một câu hỏi khó hơn là liệu Mỹ có hoàn thành tốt phần nhiệm vụ của mình hay không.

Joseph S. Nye

Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn Is the American Century Over?

Tuần Việt Nam lược trích từ Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org).