- Các vụ thử tên lửa đạn đạo trong hai tháng qua, Triều Tiên muốn gửi đi những thông điệp cứng rắn đối với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Nếu như hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào trong tháng 7 là một cảnh báo mạnh gửi đến Mỹ, hệ thống pháo phòng không thử nghiệm ngày 26/8 là lời cảnh báo tới Hàn Quốc, thì vụ phóng thử sau đó 3 ngày của một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản chính là một lời cảnh báo gửi tới Tokyo. Vậy là Bình Nhưỡng không “bỏ rơi” một ai trong bộ ba đồng minh cứng Mỹ – Nhật – Hàn.

{keywords}
Ảnh minh họa: CNN.

Trong vụ phóng sáng 29/8, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế gắn một đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên một tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ sau một vụ phóng năm 2009. Không giống với các lần thử nghiệm tên lửa trước đó, rõ ràng vụ phóng lần này mang một hàm ý khác: tạo ra một tiền lệ nguy hiểm rằng các tên lửa trong tương lai của nước này sẽ bay qua Nhật Bản.

Trước đây, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng luôn nói là phóng vệ tinh (vào năm 1998 và 2009) bay qua lãnh thổ Nhật Bản, nhưng họ chưa bao giờ sử dụng một tên lửa đạn đạo, vốn được thiết kế cho các cuộc tấn công quân sự. Chắc chắn Triều Tiên đang theo dõi các phản ứng của quốc tế để xem liệu họ có thể sử dụng việc phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản như một tiền lệ cho các vụ phóng trong tương lai hay không.

Không quân Hàn Quốc đã lập tức tiến hành cuộc diễn tập ném bom sau vụ phóng trên, nhằm phô trương các năng lực quân sự mạnh có thể đánh bại mọi cuộc tấn công của Triều Tiên trong tương lai. Nhật Bản đã kịch liệt lên án việc tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước mình mà không thông báo trước, song cho biết hệ thống phòng không Nhật Bản đã không bắn hạ tên lửa này vì nó không đe dọa “đất nước Mặt trời mọc”. Nhưng dù Nhật Bản tuyên bố như vậy, vụ phóng của Triều Tiên đã cho thấy sự bất lực của các biện pháp phòng thủ của Nhật Bản. Trên thực tế, Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang duy trì hệ thống lá chắn tên lửa Aegis (được trang bị tên lửa hành trình và tàu khu trục) trên biển Nhật Bản. Tuy nhiên, hệ thống này không nhằm đánh chặn tên lửa của Triều Tiên mới phóng khi nó bay hướng Đông từ Bình Nhưỡng ở độ cao 550km. Hiện ở Nhật Bản, đang rộ lên những lời kêu gọi bố trí một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ (như đang được triển khai tại Hàn Quốc), hoặc một hệ thống Aegis trên bờ.

Một khía cạnh đáng chú ý khác của vụ phóng mới nhất là nó lần đầu tiên được tiến hành tại Sunan, nơi có sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Thông tin này đặt ra một giả thiết là tên lửa đã được phóng từ một bệ phóng di động trên một đường băng trong sân bay. Nếu đúng như vậy thì khả năng này sẽ làm giảm tính hiệu quả của một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ.

Vụ phóng mới nhất được hiểu là phản ứng của Triều Tiên với các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên. Đây là cách phản ứng quen thuộc của Triều Tiên mỗi khi diễn ra các cuộc tập trận thường niên nói trên. Tuy nhiên, tầm bắn và loại tên lửa mới phóng (Hwasong-12, theo tiếng Triều Tiên có nghĩa là Sao Hỏa) dường như còn nhằm chứng tỏ rằng Triều Tiên có thể thực hiện lời đe dọa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương nếu muốn.

Thực tế là vụ phóng diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Guam. Đảo Guam cách Triều Tiên 2.200 hải lý. Tên lửa hôm nay dường như chưa đạt tới tầm bắn này, tức là chưa xảy ra kịch bản mà ông Trump đã cảnh báo là “giới hạn đỏ” và sẽ đáp trả bằng “hỏa lực và thịnh nộ chưa từng thấy”. Tuy nhiên, vụ phóng mới đã đặt ông Trump vào một tình thế khó khăn. Do nó không đặt ra một mối đe dọa rõ ràng và thực sự nào đối với nước Mỹ lục địa và các vùng lãnh thổ hải ngoại nên các lực lượng của Mỹ không có lý do để trả đũa, và nếu làm vậy Tư lệnh Mỹ sẽ bị quy kết là người tấn công trước. Nhưng nếu không phản ứng đủ mạnh sẽ đồng nghĩa với nguy cơ làm suy yếu liên minh Mỹ – Nhật trong khi Thủ tướng Shinzo Abe đã kịch liệt lên án vụ phóng là “hành động xúc phạm thái quá, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy, làm ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành các vụ phóng với một tần suất bất thường – 13 vụ từ đầu năm tới nay. Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có thể sở hữu tên lửa hạt nhân tầm xa trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất vào đầu năm 2021. Vụ thử vừa qua đã một lần nữa cho thấy trình độ công nghệ tên lửa của Triều Tiên vẫn tiến bộ bất chấp các lệnh trừng phạt. Khoảng bay của tên lửa mới nhất cho thấy đảo Guam giờ là một mục tiêu trong tầm tay.

Đáng chú ý là vụ phóng cũng cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hề lúng túng trong cuộc theo đuổi vũ khí của mình, bất chấp những cảnh báo của một người khó đoán định như ông Trump. Tất nhiên, vụ phóng không phải không gây nguy cơ gì đối với ông Kim. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một tàu cá hay tàu hải quân bị trúng tên lửa, hay tên lửa vỡ tung khi đang ở không phận Nhật Bản và các mảnh vỡ rơi xuống khu vực đông dân cư? Nhưng nhà lãnh đạo 33 tuổi này chưa bao giờ chùn bước trong cuộc theo đuổi năng lực vũ khí hạt nhân có thể bắn tới Mỹ và ít người tin rằng ông có thể bị thuyết phục khi tâm trạng đang rất phấn thích như thế này.

Triều Tiên nghĩ rằng với việc phô trương năng lực tên lửa của mình, con đường dẫn tới đối thoại sẽ mở ra. Tuy nhiên, có lẽ logic này không được các nước khác hiểu theo cách tương tự.

Nhật Khánh