- Cuối cùng, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã chấp nhận ra đi êm thấm, nhường chỗ cho ai đó thay ông làm sống lại đất nước từng một thời là “giỏ bánh mỳ” của châu Phi, nhưng hành trình của Zimbabwe vẫn vô định.

Những sự kiện chóng mặt trong hai tuần qua tại Zimbabwe cần được nhìn nhận một cách thận trọng, tuy nhiên cũng không nên mất hy vọng. Đúng là tự do đã đến với người dân Zimbabwe, nhưng tự do đó không được đem đến bởi vị Phó Tổng thống bị sa thải và được tái phục chức Emmerson Mnangagwa, càng không phải bởi Tướng Constantino Chiwenga, người đứng đầu nhóm binh sĩ thực hiện các hành động đẩy Tổng thống Mugabe đến chỗ phải chấp nhận từ chức. Tất cả họ đều là những “người cũ”, là một phần của vấn đề chứ không phải là giải pháp.

“Gót chân Achilles” của ông Mugabe

Không quá khi nói rằng sự sa sút của ông Mugabe xuất phát chính từ các tham vọng của người vợ hiếu chiến Grace của ông. Mong muốn trở thành người kế nhiệm chức Tổng thống của bà khiến giới chức quân đội cảm thấy đã vượt quá giới hạn.

Bà Grace, sinh tại Nam Phi, ít hơn chồng 41 tuổi, vốn là một trong các nữ thư ký của ông Mugabe vào năm 1987. Họ đã bí mật có hai con trước khi vợ đầu của ông qua đời năm 1992. Hai người đã tổ chức đám cưới linh đình năm 1996, rồi có con thứ 3. Bà Grace từng nổi tiếng là “nghiện” shopping, chi tiêu không tiếc tiền cho quần áo, đồ trang sức và những chuyến du lịch quốc tế, thậm chí liên quan đến cả những thỏa thuận đất đai tham nhũng.

Nhưng những năm gần đây, bà ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc nhà nước và trở thành một ứng cử viên tiềm năng cho chức vị cao nhất đất nước khi ông Mugabe đưa ra một quyết định khiến quân đội phải “choáng”, là sa thải cấp phó của mình – Phó Tổng thống Mnangagwa. Nhằm ngăn chặn Đệ nhất phu nhân 52 tuổi trở thành Phó Tổng thống, quân đội đã ra tay ngay lập tức, giành quyền kiểm soát đất nước và ra hiệu về “hồi kết” của quyền lực Mugabe.

Cuộc khủng hoảng đã được “bóp cò” bởi bà Grace vì bà muốn thâu tóm quyền lực. Kế hoạch của bà nhận được sự ủng hộ của nhóm Thế hệ 40 (G40), một nhóm những người ủng hộ trẻ tuổi, nổi tiếng là hiếu chiến. Nhóm này bao gồm cả một số Bộ trưởng. Nhưng quân đội đã hành động ngay trước khi bà Grace có thể trở thành Phó Tổng thống tại đại hội của đảng ZANU-PF cầm quyền vào tháng tới. Nhóm của bà dường như chỉ còn cách thành công vài bước, nhưng đã vấp phải thất bại hoàn toàn.

{keywords}
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và vợ, bà Grace. Ảnh: AP

Có “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”?

Cuộc ra tay của quân đội coi như đã được “một công đôi việc”. Quân đội vừa ngăn chặn được bà Grace tiếm quyền, vừa mở đường cho ông Mnangagwa ngồi vào chiếc “ghế nóng” mà không cần chờ đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Ông Mnangagwa cùng với Tướng Chiwenga đều là những thành viên trong nhóm những người khá thân cận với ông Mugabe kể từ khi đất nước được giải phóng. Họ luôn ở bên cạnh ông, cùng tham gia vụ trấn áp người nổi dậy đối lập ở Matabeleland những năm 1980, làm 20.000 người thiệt mạng.

Mnangagwa đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tư pháp. Ông được coi là ở vị trí trung tâm trong mạng lưới kết nối quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền.

Trong những năm 1990, Zimbabwe lún sâu vào tuyệt vọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Đây là lần đầu tiên cơ quan tư pháp và các thể chế khác mất đi tính độc lập. Những năm 2000 đã chứng kiến sự thâu tóm quyền lực ngày càng mạnh của ông Mugabe. Cuộc bầu cử năm 2002 đã diễn ra trong bạo lực. Giai đoạn ngay sau đó đã rất kinh khủng. Tất cả những chuyện này xảy ra khi Mnangagwa là “cánh tay phải” của ông Mugabe.

Nói cách khác, Mnangagwa là một Mugabe thu nhỏ. Mnangagwa là giám đốc an ninh của ông Mugabe trong những năm 1980.

Tư lệnh quân đội Chiwenga còn tệ hơn. Ông đứng đầu quân đội ở Zimbabwe nhưng không phải là người bảo vệ nhân dân mà là bảo vệ đảng Zanu-PF. Trong cuộc bầu cử năm 2008, khi rõ ràng là ông Mugabe sắp thua trước ứng cử viên Morgan Tsvangirai của đảng đối lập MDC, Tướng Chiwenga tuyên bố thẳng thừng rằng ông sẽ không hoan nghênh lãnh đạo đối lập trở thành tổng thống.

Nhưng mối quan hệ của ông Mnangagwa với Tổng thống Mugabe bắt đầu xấu đi vào năm nay, sau khi bà Mugabe ngày càng thể hiện rõ tham vọng kế nhiệm chồng. Bà cáo buộc ông Mnangagwa muốn làm suy yếu quyền lực của chồng, chia rẽ đảng và âm mưu đảo chính, dẫn đến việc ông Mnangagwa bị cách chức vào ngày 6/11.

Giờ đây Mnangagwa và Chiwenga đã tiến hành cái mà họ không thừa nhận là một cuộc đảo chính. Nhưng không có gì chắc rằng họ làm vậy là vì hàng triệu người dân Zimbabwe tràn ngập đường phố đòi ông Mugabe từ chức.

Hành trình của Zimbabwe vẫn vô định. Đất nước này có thể phục hồi rất nhanh, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc liệu sự ra đi của ông Mugabe có mở ra một chân trời thực sự mới hay không, hay lại khiến Zimbabwe vào tình cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Con đường dẫn tới một nước Zimbabwe hùng mạnh sẽ còn dài hơn nhiều người hy vọng và sẽ đầy những thăng trầm và chông gai. Một sự khởi đầu mới sẽ cần những lãnh đạo mới với tư duy mới.

Diệu An

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...

Jack Ma và câu chuyện truyền cảm hứng

Jack Ma và câu chuyện truyền cảm hứng

Trước tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, vị tỷ phú người Trung Quốc, Jack Ma, đến Hà Nội, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho lớp trẻ Việt Nam.

Trung Quốc sau Đại hội 19 và câu hỏi khó đoán định

Trung Quốc sau Đại hội 19 và câu hỏi khó đoán định

Liệu cường quốc này sẽ chọn con đường trỗi dậy ra sao thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Chân dung vị ‘quốc sư’ đắc lực cho 3 đời lãnh đạo TQ

Chân dung vị ‘quốc sư’ đắc lực cho 3 đời lãnh đạo TQ

Dù ông Vương từng là “quốc sư” đắc lực cho 3 đời lãnh đạo Trung Quốc, người ta vẫn ít biết về đời tư của ông.

Triệu Lạc Tế - Người cầm đầu “Đội quân đả Hổ” ở Trung Quốc trong 5 năm tới

Triệu Lạc Tế - Người cầm đầu “Đội quân đả Hổ” ở Trung Quốc trong 5 năm tới

Trong gần 5 năm làm “Tổng quản nhân sự”, ông Triệu Lạc Tế được coi là tỏ ra rất kín kẽ, ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.