- "Thủy điện Hòa Bình là đập đất đá, tồn tại đã hơn 30 năm. Mà đập đất đá càng lâu thì càng chắc vì đất đá ngày càng bị ép xuống, các chỉ tiêu chống sự cố tăng lên".

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Thái Phụng Nê chia sẻ với Tuần Việt Nam về góc nhìn trước những lo lắng về thủy điện gần đây. 

{keywords}
Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Thái Phụng Nê.

Thưa ông, sau vụ vỡ đập Xepian-Xe Nam Noy ở Lào, dư luận lại nhắc lại những thông tin gây lo lắng. Chẳng hạn, nếu vỡ đập thì chiếc xe tăng 40 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng; sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ sẽ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người. Là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nhất, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, tôi nói về kinh nghiệm quốc tế. Khi xây dựng đập thủy điện, thế giới bao giờ cũng tính toán các phương án để đề phòng thảm họa, phòng tránh thiệt hại. Tuy nhiên, đó là tài liệu bí mật, không tiết lộ trên báo chí hay đưa lên mạng để tránh gây ám ảnh cho nhân dân.

Ở Việt Nam, trong 15 năm nay Chính phủ đã có quy định về việc lập các phương án cho trường hợp tai họa có thể xảy ra đối với tất cả các thủy điện.

Có nhiều người phóng ra nói, một xe tăng ở Việt Trì có thể bị thổi bay ra biển Đông nếu vỡ đập. Điều đó là rất vô lý với những người hiểu biết, nhưng lại rất có lý với những người không hiểu biết. Với tôi, làm sao mà một chiếc xe tăng nặng 50-100 tấn bị đẩy đi như thế được. Nó không phải là lá tre. Không có chuyện đó.

Xin hỏi ông một câu thẳng thắn, đập thủy điện Hòa Bình, thủy điện lớn nhất của Việt Nam, như thế nào?

Lo thì lo, nhưng lo thái quá thì không nên.

Đập thủy điện Hòa Bình được Liên Xô thiết kế, xây dựng nhưng hệ số an toàn còn cao hơn tiêu chuẩn của Mỹ, tức là có hệ số dự phòng rất lớn.

Nó có khả năng chống lũ lớn, tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có. Trong 120 năm quan trắc chúng ta chỉ ghi nhận một con lũ kỷ lục là 22.600 m3/giây. Tôi nói thế cho các bạn dễ hình dung.

Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 6 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 xảy ra lũ lớn trên sông Đà thì thủy điện Hòa Bình chỉ mở có 7 cửa thôi. Còn lũ tháng 10 năm ngoái rất đột ngột thì thủy điện này cũng chỉ mở 8 cửa và chỉ mở trong 1 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước phục vụ cho tưới tiêu mà không có trục trặc gì. Điều này có nghĩa hệ số dự phòng còn rất lớn.

Hơn nữa, thủy điện Hòa Bình là đập đất đá, tồn tại đến nay là hơn 30 năm. Mà đập đất đá càng lâu càng chắc vì đất đá ngày càng bị ép xuống, các chỉ tiêu chống sự cố tăng lên. 

{keywords}
Đập Thủy điện Hòa Bình có khả năng chống lũ lớn, tới 60.000 m3/giây. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Hiện nay, theo quy định, các đập thủy điện lớn sẽ được giám sát như thế nào, thưa ông?

Hàng năm trước mùa lũ các công trình thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu phải kiểm tra các thiết bị đóng mở, mở ra đóng lại từng cái một để xem có gì nghi ngờ không, có gì phải khắc phục ngay. Tất cả thông tin thu được phải trình ngay cho Hội đồng Khoa học Nhà nước về an toàn đập.

Mỗi năm Hội đồng đều họp và kiểm tra lại tất cả ba thủy điện đó. Họ kiểm tra không phải đến tận nơi nhìn đập mà bằng các số liệu quan trắc trong suốt một năm. Các đập có đủ thiết bị quan trắc, công nghệ hiện đại. Các thiết bị đó qua hệ thống điện tử đưa dữ liệu về phòng điều khiển. Ví dụ, ở điểm này ở đập thấm ra sao sẽ được cập nhật ngay, gọi là thời gian thật. Ngày trước phải xách thước ra tận nơi đo rồi về mới có. Còn nay thì có phòng điều khiển trung tâm, cứ bật ra thì biết tình trạng chịu lực của đập ở bắt kỳ thời gian nào.

Tất cả các khâu như thiết kế đập với tiêu chuẩn cao, thẩm định, xây dựng, nghiệm thu được thực hiện chặt chẽ qua nhiều cấp nhà nước; khi vận hành có Hội đồng khoa học giám sát chặt chẽ để không xảy ra trường hợp thảm họa.

Tôi nói thế với các công trình lớn. Nếu có, nó có thể xảy ra ở công tình nhỏ mà có sơ xuất trong thiết kế, xây dựng, giám sát.

Vì sao vậy?

Tất cả các đập thủy điện lớn nhỏ đều phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt của Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng ta đã phân cấp cho địa phương cấp phép, quản lý các thủy điện nhỏ dưới 30 MW. Vấn đề là ở chỗ, do nó nhỏ nên việc thiết kế, xậy dựng, vận hành có thể lỏng lẻo. Thực tế đó là có.

Nếu vỡ đập là do trách nhiệm của những người liên quan không nghiêm túc. Ví dụ, nền chưa xong đã đắp đập, trình tự đổ bê tông không đúng kỹ thuật nên chất lượng không đảm bảo… Với đập nhỏ, trung bình, lớn đều phải được quản lý hết sức nghiêm túc theo tiêu chuẩn quy định. Làm được như thế thì không thấy gì đáng lo theo kinh nghiệm của tôi. Khi thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu, giám sát đầy đủ, nghiêm ngặt thì việc xảy ra tai họa là ít có, thậm chí không có.

Theo kinh nghiệm của ông, chuyện đó đã từng xảy ra chưa?

Ở Việt Nam những vụ lớn thì chưa; còn vụ nho nhỏ thì phạm vi ảnh hưởng chỉ ở một làng thôi, chứ ở quy mô xã hay huyện cũng chưa có. Mà bây giờ có hàng ngàn đập.

Còn trên thế giới từng xảy ra. Họ đã tổng kết lại để dạy lại cho những người làm thủy điện, thủy lợi thế hệ sau. Hồi tôi học đã có những giáo trình đó rồi. Tất cả các nguyên nhân để xảy ra tai họa đều do thiếu trách nhiệm và do thiên tai bất khả kháng như động đất.

Như ông biết, có ý kiến cho rằng đã có thảm họa ở một vài thủy điện nhỏ do không giữ được lũ quét. Ông nhìn nhận như thế nào?

Tôi không đánh giá ý kiến đó là sai hay đúng vì mức độ hiểu biết khác nhau.

Đối với tôi, khi gọi là thảm họa là có thiệt hại rất lớn về người và tài sản mà chủ đầu tư không thể khắc phục hay bồi thường được.

Nhiều người nói hồ thủy điện phải có chức năng điều tiết lũ. Điều này nên được hiểu như thế nào?

Nhận xét đó là do nhận thức không đầy đủ.

Hồ thủy điện khi được quy định điều tiết chống lũ phải có dung tích chống lũ. Ví dụ, thủy điện Hòa Bình dành 3 tỷ m3 nước, thủy điện Sơn La dành 4 tỷ m3 nước để chống lũ. Có nghĩa dung tích đó luôn luôn để trống để dành; trong mùa lũ thì phải hạ nước xuống để có dung tích đó. Quyền điều tiết nước là Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai Trung ương chứ không phải chủ hồ; hồ được các chính quyền địa phương giám sát bằng camera. Mức đó không giữ được thì chủ hồ bị quy trách nhiệm.

Tuy nhiên, có rất nhiều hồ không có chức năng đó vì chúng không thể tạo ra bất kỳ dung tích chống lũ nào. Có nhiều thủy điện nhỏ xây trên những con sông chạy dọc dãy Trường Sơn, đầu nguồn là núi và đổ ra biển, tức là rất dốc nên không thể nào xây được hồ có dung tích phòng lũ. Các nhà máy đó chỉ phát điện. Để góp phần chống lũ họ hạ mức nước xuống để tạo ra dung tích nào đó, nhưng không được bao nhiêu. Dung tích đó chỉ giúp giữ đỉnh lũ ở mức nào đó để ở phía hạ lưu người dân có thời gian chuẩn bị, không thiệt hại về người. Các chủ hồ đều có trách nhiệm chấp hành quy trình như vậy.

Có quy định rất ngặt nghèo là dù hồ lớn hay nhỏ, chủ hồ không bao giờ được xả ra lưu lượng lớn hơn khi lũ về, tức mức nước xả lớn nhất chỉ bằng nước lũ đến. Họ không có quyền tạo ra lũ nhân tạo. Tuyệt đối không được tháo nước ra nhiều hơn nước tự nhiên. Người ta quan tắc thủy văn để tính toán lượng nước xả, nước mưa. Quy định như vậy để khi có gì xảy ra thì quy được trách nhiệm.

Thủy điện mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng bị quy là làm mất rừng, thay đổi hệ sinh thái… Ông bình luận như thế nào về những chiều hướng này?

Làm hồ thì mất rừng, còn ngăn đập thì cá không lên được nên khi thiết kế thủy điện chủ đầu tư phải tính hai việc này, và nhiều việc khác nữa.

Ngập rừng, mất ruộng, di dân, ảnh hưởng môi trường, nguy cơ mất loại cá nào thì chủ đầu tư phải tính thiệt hại đó so với lợi ích thu được. Hội đồng thẩm định sẽ quyết định trên cơ sở báo cáo tác động môi trường do Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt. Tất nhiên, bên thẩm định chú ý đến rừng và sinh thái.

Có địa phương thấy thiệt hại lớn hơn lợi ích thì họ không cho làm. Ví dụ như dự án sông Đồng Nai 6  họ đã không cho làm, ai nói gì cũng không cho, kể cả ra Quốc hội.

Trên thế giới, khi người ta cần giữ loài cá nào, họ sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải xây những công trình chuyển cá. Dọc sông Mekong có các công trình chuyển cá, họ tạo các dòng chảy rất phù hợp, hấp dẫn để cho cá lên, hay hạ vó để cá vào rồi cất lên trên.

Ở Việt Nam tôi chưa thấy có công trình chuyển cá, dù đôi khi quy hoạch và thiết kế công trình có tính toán.

Sông Hồng ở miền Bắc có ba nhánh là sông Đà, sông Lô, sông Thao thì chỉ cho xây thủy điện trên hai nhánh, bỏ ngỏ sông Thao để cá lên đó đẻ. Trên sông Lô có ba nhánh là Thác Bà, sông Gâm, sông Chảy thì chỉ xây thủy điện trên hai nhánh, để ngỏ sông Lô để giữ cá.

Nghĩa là khi lập công trình thì doanh nghiệp, chính quyền phải giải thích rõ ràng những được – mất về tài nguyên.

Cám ơn ông Thái Phụng Nê đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Tư Giang

Lũ quét tan hoang, người dân oằn mình: Vì đâu nên nỗi?

Lũ quét tan hoang, người dân oằn mình: Vì đâu nên nỗi?

Những năm gần đây, lũ quét đang có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, khó lường và để lại hậu quả khốc liệt hơn.    

Cần một “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách cho vùng lũ quét

Cần một “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách cho vùng lũ quét

Rất cần một giải pháp tổng thể cho toàn vùng thường bị lũ quét.

Để không phải chứng kiến người chết do lũ quét, lở đất

Để không phải chứng kiến người chết do lũ quét, lở đất

Phải chăng những thảm họa thiên nhiên này là không thể tránh, chúng ta phải chấp nhận sống chung và không có biện pháp nào giảm thiểu thiệt hại?

Xả lũ 'đúng quy trình' và chuyện kêu bò là… trâu

Xả lũ 'đúng quy trình' và chuyện kêu bò là… trâu

Dư luận thường có xu hướng “quy” tội cho thủy điện, cho tình trạng chặt phá rừng- điều đó không sai nhưng có lẽ nói thế là chưa đủ, chưa điểm đúng “huyệt”.

Giá điện và những cơn lũ

Giá điện và những cơn lũ

 Không ai rõ, không ai truy và câu hỏi đó luôn có một câu trả lời luẩn quẩn: chúng ta nói về trách nhiệm của chúng ta. Không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cả.

Khung cảnh khó ngờ nơi rốn lũ Chương Mỹ sau nửa tháng chìm trong nước

Khung cảnh khó ngờ nơi rốn lũ Chương Mỹ sau nửa tháng chìm trong nước

Nửa tháng nay, người dân các thôn, xóm ở Chương Mỹ vẫn sống trong biển nước. Nhiều vùng vẫn ngập cả mét, mọi sinh hoạt rất khó khăn.