- Không phải ngẫu nhiên mà vài năm trở lại đây, khả năng nước Úc gia nhập ASEAN trở thành một đề tài thảo luận vô cùng sôi nổi.

Vài năm trở lại đây, người hâm mộ bóng đá có lẽ đã quen với hình ảnh đội tuyển Australia các cấp độ khác nhau tham gia vào các giải đấu ở châu Á. Liên đoàn Bóng đá Úc gia nhập AFC vào năm 2013, và trước khi chúng ta bàn cãi về lợi ích của đội bóng xứ Kangaroo với 4,5 suất dự World Cup ở châu Á, sự kiện này còn hàm ý một dịch chuyển địa chính trị lớn: nước Úc với chính sách "Hướng Bắc" đang muốn gần gũi hơn với hàng xóm của mình.

Châu Đại dương, trên khía cạnh địa lý, nằm cách biệt với lục địa lớn và đông dân nhất thế giới ở phía Nam Bán cầu.

Từ trước đến nay, khi đề cập tới trục phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, Australia và New Zealand chỉ được nhắc đến một cách ngoại giao và hời hợt. Sự tham gia vào chính sự ở châu Á - cụ thể là Đông Nam Á - của Australia chỉ gắn liền với liên minh quân sự với Mỹ và một số nước Asean trong cuộc chiến ở Việt Nam (khối SEATO), và những tranh cãi xung quanh vấn đề di cư bất hợp pháp với Indonesia. Nhưng trước cuộc họp thượng đỉnh với 10 thành viên ASEAN diễn ra tại Sydney trong tuần này - lần đầu tiên được tổ chức tại Australia - quốc gia 25 triệu dân này cho thấy tham vọng và cam kết mạnh mẽ về mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á. 

{keywords}
Nước Úc với Việt Nam: từ xa đến gần. Ảnh minh họa

Australia đã tích cực tham gia vào các diễn đàn ở châu Á trong thời gian qua, từ diễn đàn châu lục như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và APEC, cho đến các diễn đàn khu vực như Asean + 6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean (ADMM-Plus), hay Diễn đàn Khu vực Asean (ARF) mới tổ chức tại Nha Trang đầu năm nay. Họ cũng chủ động tham gia vào nhiều kênh đối thoại - ngoại giao khác trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa ở Đông Nam Á.

Việc đầu tư thời gian và công sức vào khu vực cho thấy tầm quan trọng của Asean trong chính sách đối ngoại của Australia. Về mặt kinh tế, Asean với 620 triệu dân và GDP lên đến 1,2 nghìn tỷ USD đang dần trở thành đối tác thương mại lớn bậc nhất với nước Úc. Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ký vào năm 2009, và từ năm 2014 đến nay, thương mại hai chiều luôn vượt con số 100 tỷ USD hàng năm, đưa Asean trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai với Úc (sau Mỹ).

Về mặt an ninh đối ngoại, Sách trắng Chính sách Đối ngoại năm 2017 của Australia cho rằng "Đông Nam Á định hình chính sách Hướng Bắc của Úc" và nằm trong "trục chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, ASEAN và Australia đều cùng có chung một mối quan tâm, đó là xây dựng được một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để phản ứng lại chủ nghĩa bá quyền đang manh nha hình thành trong khu vực. Là đồng minh quan trọng của Mỹ, Australia là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ cho những giải pháp đa phương hóa tranh chấp trên biển Đông, và là thành viên của nhóm Phối hợp Quốc phòng bốn bên (QUAD) cùng với Mỹ, Pháp và New Zealand, nhằm phối hợp các nỗ lực an ninh ở Thái Bình Dương.

Về an ninh nội địa, hợp tác với ASEAN cũng giúp quốc gia này giải quyết mối lo ngại về nạn buôn người, nhập cư bất hợp pháp, và xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp từ các ngư dân Đông Nam Á. Công ước ASEAN về chống mua bán người, phê chuẩn vào năm 2015, có sự hỗ trợ lớn từ phía Australia.

Những diễn biến phức tạp về địa chính trị gần 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến Australia không thể giữ chủ nghĩa biệt lập với châu Á, đặc biệt trong bối cảnh đồng minh thân cận nhất của họ là nước Mỹ trở nên "hướng nội" hơn dưới thời tổng thống Donald Trump. Australia có lẽ cũng ghi nhớ bài học trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi họ là đích đến cuối cùng của Đế quốc Nhật sau khi "Khối thịnh vượng chung Đông Á" được bình định.

Sự thịnh vượng và hòa bình của Đông Nam Á, vì thế, sẽ luôn là ưu tiên của Úc, bất kể khác biệt về mặt chính trị và văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà vài năm trở lại đây, khả năng nước Úc gia nhập ASEAN trở thành một đề tài thảo luận vô cùng sôi nổi. Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (phiên bản mới CPTPP) có thể cân nhắc nước Anh làm thành viên, tại sao Australia lại không thể là một phần của ASEAN? 

{keywords}
U23 Việt Nam đã giành chiến thắng trước U23 Australia trong giải U23 châu Á vừa qua. Ảnh: VOV

Với người Việt Nam, mối quan tâm với nước Úc có lẽ chỉ đến từ hai nguồn chính: du học và nhập cư. Australia là một trong những nước tiếp nhận du học sinh Việt Nam nhiều nhất (gần 20 nghìn người trong năm 2017), và số người Úc gốc Việt (sinh ra tại Việt Nam) là 220 nghìn người, chiếm gần 1% dân số Úc. Tuy vậy, những tín hiệu vui trong mối quan hệ thương mại gần đây với quốc gia này, đặc biệt là triển vọng xuất khẩu nông sản, cho thấy nước Úc xa xôi có thể mang lại nhiều giá trị hữu hình hơn về mặt kinh tế.

Sự chững lại của quá trình toàn cầu hoá thương mại khiến khu vực hoá trở thành xu hướng mới. Trong bối cảnh “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, việc những quốc gia có cùng chung nhiều lợi ích như Australia, New Zealand, và ASEAN sát lại gần nhau là điều dễ hiểu trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Có lẽ chỉ có các cổ động viên bóng đá của các nước châu Á là không hài lòng với thực tế này: từ khi gia nhập AFC, Australia đã lấy suất dự World Cup hai kỳ liên tiếp (2014 và 2018).

Nguyễn Khắc Giang

Chuyện quả vải Việt trong phòng bà Chủ tịch ở Australia

Chuyện quả vải Việt trong phòng bà Chủ tịch ở Australia

Nếu như từng rất vui khi thấy trái vải thiều Việt Nam kết trái trên đất nước Australia, thì giờ đây tôi lại có niềm vui khác.

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...

Một TPP không có Mỹ vẫn tốt hơn là không có TPP

Một TPP không có Mỹ vẫn tốt hơn là không có TPP

Còn quá sớm để nói về thời kỳ hậu TPP. Vì lợi ích của nền kinh tế nước ta cần hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong nỗ lực duy trì TPP. Một TPP không có Mỹ vẫn tốt hơn là không có TPP.