- Loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ năng lực yếu kém, tham nhũng, thoái hóa biến chất là chủ trương đúng đắn nhưng không thể dùng tiền ngân sách làm đòn bẩy trong công tác sắp xếp cán bộ.

Bài 1: Động viên quan hưu sớm: Chi 200 triệu việc liệu có ‘xuôi’?

Bài 2: Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi

Kỳ họp sắp tới của HĐND TP Đà Nẵng dự kiến sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo tự nguyện thôi việc để sắp xếp cán bộ.

Theo đó, cán bộ Đà Nẵng tự nguyện thôi việc có thể được hỗ trợ từ 100 đến 200 triệu đồng.

Cụ thể: Cán bộ là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng.

Cán bộ là Thành ủy viên; người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; bí thư quận, huyện ủy và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng.

Các vị trí khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3 đến 0,5 được hỗ trợ từ 100-140 triệu đồng.

Như vậy, nếu chủ trương này được hiện thực hóa theo yêu cầu cấp bách của việc tinh giảm bộ máy thì ngân sách thành phố sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ hỗ trợ cho những cán bộ tự nguyện thôi việc.

Nhưng có lẽ đấy chỉ là lí thuyết!

Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương dùng tiền thanh lọc bộ máy thiết nghĩ rất khó khả thi. Vấn đề đặt ra là ai trong số hàng ngàn cán bộ chủ chốt từ trưởng phòng cấp huyện trở lên sẽ “tự nguyện” thôi việc khi mà cái ghế họ đang ngồi là ghế nóng? 100 hay 200 triệu là gì so với bổng lộc được đẻ ra từ chức vụ và quyền hạn mà họ đang nắm giữ?

{keywords}
Đại biểu dự kỳ họp thứ 6 HĐND Đà Nẵng

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng  cho rằng: “Với những cán bộ biến chất, tham ô thì vài trăm triệu có nghĩa lý gì so với với khoản tiền mà họ có thể có được khi giữ ghế.”

Loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ năng lực yếu kém, tham nhũng, thoái hóa biến chất là chủ trương đúng đắn nhưng không thể dùng tiền ngân sách làm đòn bẩy trong công tác sắp xếp cán bộ.

Vụ 40 “nhân tài” xin thôi việc gần đây là một bài học sâu sắc không chỉ riêng của Đà Nẵng. Qua vụ việc này, vấn đề đặt ra không chỉ là chính sách ưu đãi, chiêu mộ nhân tài mà quan trọng hơn là cải thiện môi trường và điều kiện làm việc.

Thế cho nên chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ lãnh đạo tự nguyện thôi việc có thể tạo ra hiệu ứng ngược, đó là cơ hội để người tài tự “sàng lọc” ra khỏi bộ máy – họ vừa có tiền trợ cấp, vừa dễ dàng thoát khỏi biên chế nhà nước để tìm đến bến đỗ thích hợp hơn với năng lực sở trường của bản thân.

Vì thế chẳng ai dám chắc trong số những người “tự nguyện” thôi việc trong tương lai theo chủ trương của HĐND thành phố Đà Nẵng lại không có những cán bộ tài năng tâm huyết dứt áo ra đi?

Xin nhắc lại một lần nữa, tiền – mà lại là tiền thuế của dân - không phải là đòn bẩy để kiện toàn bộ máy.

Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, cần có những giải pháp khác để công cuộc sàng lọc cán bộ, tinh giảm biên chế hiệu quả hơn.

Bàn đến chuyện này người viết lại nghĩ, bấy lâu nay nhiều người vẫn tư duy sống lâu lên lão làng cộng với vấn nạn chạy chức chạy việc, con ông cháu cha khiến cho bộ máy phình to, chất lượng cán bộ viên chức không đạt yêu cầu. Vấn nạn 30% cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp ô về là điều không tưởng, dù sự thật còn hơn thế.

Mới đây nhất, báo chí đăng tải thông tin khiến dư luận càng thấy bất bình.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) diễn ra sáng 3/7, ông Tô Quang Phán - Tổng giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội cho biết, trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại cơ quan này, chỉ khoảng 60% là "đủ năng lực" làm việc tốt. Còn lại 40% không đạt yêu cầu.

40% cán bộ viên chức kém cỏi ấy là ai? Xin thưa, là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố", ông Phán tiết lộ.

Chua chát thay, dù biết rõ 40% ấy quanh năm suốt tháng vật vờ như cái bóng, "làm việc làng nhàng, đi ra đi vào" nhưng lãnh đạo đài không thể loại họ ra khỏi bộ máy vì là "con ông này, cháu bà kia”. Thế là dân lại phải còng lưng gánh thuế nuôi báo cô 40% ấy.

Đó là khiếm khuyết lớn nhất trong quản lí nhà nước hiện nay.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để lấp cái “lỗ đen” kinh khủng đó?

Đã có rất nhiều chủ trương, đã có rất nhiều giải pháp, đã có rất nhiều sự hô hào nhưng dường như tất cả vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết tận gốc vấn đề này.

Cần phải coi việc sàng lọc cán bộ, viên chức hằng năm như qui luật sinh tồn trong tự nhiên. Không thể mặc định làm cán bộ suốt đời, thậm chí vi phạm, kỉ luật lại được luân chuyển hay thăng chức cao hơn. Biên chế nhà nước không phải là cái giấy thông hành để cá nhân giữ chỗ ngồi hưởng lương.

Quản lí nhân sự trong bộ máy hành chính công phải theo hướng mở chứ không phải khép kín như bấy lâu nay. Nghĩa là phải có sự “đào thải”, “thay máu” hằng năm.

Mỗi cơ quan, đơn vị phải dành một tỉ lệ thích hợp trong tổng số cán bộ, viên chức cho việc loại bỏ những người yếu kém, vi phạm khuyết điểm. Phải coi thất nghiệp như một môi trường tích cực để những ai rơi vào đó tự nuôi dưỡng động lực phấn đấu tìm kiếm việc làm mới.

Khi môi trường làm việc mang tính cạnh tranh (điều này đã thấy rất rõ trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài) thì tự khắc mỗi người sẽ biết cách chăm lo cho công việc của mình nếu không muốn bị đào thải sớm.

Và khi đó, chẳng cần đến một xu tiền thuế của dân để “mua” lấy sự tự nguyện thôi việc của mỗi người.

Nguyễn Duy Xuân

Tham khảo:

1. http://vietnamnet.vn/vn/ thoi-su/da-nang-can-bo-tu- nguyen-thoi-viec-se-duoc- thuong-lon-460243.html

2. https://tuoitre.vn/40-nhan- su-kem-cua-dai-truyen-hinh-ha- noi-la-con-ong-nay-ba-kia- 20180703142411431.htm

Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?

Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?

Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc, dư lòng tham câu kết hình thành “sâu bầy” bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội.

20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta

20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta

20 năm qua, Chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước.

“Mất cán bộ, rất tiếc, day dứt nhưng không thể không xử”

“Mất cán bộ, rất tiếc, day dứt nhưng không thể không xử”

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận công tác kỷ luật Đảng viên vi phạm năm 2017, tâm tư: “Mất cán bộ thì rất tiếc, trăn trở và day dứt nhưng không thể không xử”.

Công tác tổ chức và công tác cán bộ như hình với bóng

Công tác tổ chức và công tác cán bộ như hình với bóng

Trong các nội dung mà Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đang bàn, có lẽ có hai nội dung được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm nhất.

Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ để tránh "ngồi nhầm ghế"

Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ để tránh "ngồi nhầm ghế"

Chủ nhiệm UB Tư pháp vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.