“Cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng”, chúng ta sẽ đạt được độ thông thái của luật pháp.

Một sinh viên trường Đại học luật TP.HCM mang vào trường bản photo của 8 cuốn giáo trình khác nhau. Bị bảo vệ phát hiện, ban đầu sinh viên này đã bị trường đưa ra mức phạt đình chỉ học một năm (sau đó giảm xuống cảnh cáo) vì lý do “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.

Để góp thêm một góc nhìn, bài viết thảo luận không chỉ trên phương diện luật sở hữu trí tuệ (cụ thể là luật bản quyền), mà cả luật hành chính, tố tụng, áp dụng pháp luật. Cao hơn hết, luật pháp ứng xử thế nào đối với hành vi của công dân để đạt được độ thông thái của mình.

Khi nào thì photo giáo trình không phạm luật?

Photocopy tài liệu là một trong những hình thức sao chép (reproduction) tác phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của luật bản quyền quốc tế và từng quốc gia. Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, việc sao chép như vậy phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, có thể sao chép mà không cần sự cho phép đó. Sở dĩ như vậy vì pháp luật về tài sản trí tuệ cần phải dung hòa giữa việc bảo hộ sở hữu với sự tiếp cận tài sản trí tuệ từ phía cộng đồng.

Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng nhằm “bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng”. Theo đó, cho phép sao chép tác phẩm nói chung (photocopy nói riêng) không quá một bản trong trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân, không nhằm mục đích thương mại.

Đối chiếu với luật bản quyền ở các nước như Mỹ, Úc, Anh, Canada, New Zealand, Ấn Độ, LB Nga, liên minh châu Âu có khái niệm “sử dụng hợp lý‎” (fair use, fair dealing, fair practice); nếu được coi là “sử dụng hợp l‎ý” thì không vi phạm luật bản quyền. Dù ở mức độ khác nhau, áp dụng khái niệm này, họ đều cho phép sinh viên photocopy tài liệu để dùng cho mục đích  học tập của mình ở trường.

Tuy nhiên, một số yếu tố khác sẽ được xem xét như: dung lượng tài liệu photo (ví dụ 10% hay 20%, hay một chương của một cuốn giáo trình dày; toàn bộ một bài báo nghiên cứu khoa học); thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm; và quan trọng nhất là vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường, hoặc đối với chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật Việt Nam không đề cập đến mục đích học tập của sinh viên; trong khi luật các nước có. Chính vì căn cứ vào quy định của Việt Nam, có những giảng viên luật, văn phòng luật sư giải thích, sinh viên không “nghiên cứu khoa học”, do đó nếu không được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đồng‎ ý thì không được photocopy tài liệu với bất kỳ dung lượng nào, cho dù nhằm mục đích học tập. Có lẽ do theo cách hiểu này, nhà trường đã coi hành vi của sinh viên là vi phạm pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, cần hiểu quy định một cách hợp lý, mềm dẻo, sát với thực tế. Một chi tiết đáng lưu ý ở Mỹ: trong luật Mỹ cũng không ghi rõ từ “học tập” (study) như luật Úc, Anh, Ấn Độ, mà chỉ ghi “giảng dạy, nghiên cứu”, (teaching, research or scholarship), nhưng các luật sư, giảng viên luật, tòa án vẫn coi mục đích học tập của sinh viên là một trong các yếu tố để xem xét việc sao chép tác phẩm của sinh viên có hợp lệ không.

{keywords}
Cách xử lý nữ sinh mang bản photo giáo trình vào trường của ĐH Luật TP.HCM gây nên nhiều tranh luận

Áp dụng cách tiếp cận này, trong trường hợp ở Việt Nam, có thể coi “nghiên cứu khoa học” cũng bao hàm các hoạt động của sinh viên, không chỉ ngồi nghe bài giảng, mà đã tham gia vào quá trình tìm tòi, khám phá, nghiên cứu. Bên cạnh đó, theo luật Việt Nam, nếu sinh viên chỉ photo một bản, dùng nó vào mục đích học tập cá nhân thì tính ra họ chỉ phải chịu trách nhiệm về việc gây phương hại lợi ích ở mức độ một bản copy, tức là không đáng kể, được coi là “sử dụng hợp lý”.

Như vậy, tổng hợp, xem xét các sự kiện, yếu tố một cách phù hợp, công bằng, có thể nói, sinh viên khi photocopy một bản giáo trình để học thì không vi phạm quyền tác giả, tương tự như khi giảng viên photocopy một bản vì mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học vậy. Và sửa đổi qui định của luật, ghi rõ được phép sao chép một bản cho cá nhân để học tập.

Sự thông thái của luật pháp

Câu chuyện về chống sao chép tác phẩm bất hợp pháp chẳng phải mới mẻ gì. Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) từng tìm một số phương án để thu một khoản phí từ những người sở hữu máy photocopy (nhiều ý kiến khác nhau). Sau đó lại có đề xuất thu một khoản cố định từ sinh viên, cho dù họ có sử dụng sách photo hay không (bị phản đối mạnh).

Chủ sở hữu quyền tác giả của một cuốn sách, sáng chế hay tác phẩm nghệ thuật có thể dễ dàng bị đánh mất quyền của mình, không thể dựng rào ngăn cản mọi người sử dụng nó như đối với ngôi nhà. Họ buộc phải trông cậy rất nhiều vào sự bảo hộ của pháp luật nhà nước, không chỉ là những quy định trên giấy, mà sự thực thi trên thực tế.

Bởi như một nhà luật học nói, tài sản (trong đó có tài sản trí tuệ) là những thứ mà chủ sở hữu của nó có thể đính kèm một lời tuyên bố với toàn bộ thế giới còn lại rằng, đừng đụng đến chúng nếu tôi chưa cho phép; ký tên: một công dân; được bảo hộ bởi: nhà nước. Thế nhưng, nhà nước lại cũng phải gánh trách nhiệm để lợi ích từ tài sản được phân phối rộng rãi trong công chúng.

Có người ví tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ là “niêu cơm Thạch Sanh”, xới mãi vẫn đầy. Dù vậy, nghịch lý ở Việt Nam là: ít ai muốn nấu cơm bằng niêu cơm đó, vì nấu lên chưa kịp ăn đã bị hớt tay trên. Ủng hộ việc xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng... Nhưng cũng không vì thế mà lại nhằm vào những người không phải là thủ phạm.

Có thể đặt câu hỏi: Nhu cầu photo tài liệu của sinh viên là có thật và chính đáng, tại sao không cho phép trong khuôn khổ “sử dụng hợp lý” như đối với giảng viên? Tại sao không nhằm vào các cửa hiệu photo có các hành vi vi phạm?

Chúng ta đều mong “niêu cơm Thạch Sanh” sẽ không bao giờ vơi. Nhưng chúng ta cũng không muốn hàng triệu sinh viên bị đẩy vào tình trạng vi phạm luật chỉ vì phô tô một bản tài liệu để học.

“Cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng”, chúng ta sẽ đạt được độ thông thái của luật pháp.

Nguyễn Đức Lam

Không chỉ chuyện bản quyền

Bên cạnh các vấn đề của luật bản quyền, trường hợp này đặt ra một số vấn đề khác.

Trước hết, nhà trường có thẩm quyền để kết luận hành vi đó vi phạm luật hay không, hay phải là một cơ quan khác có đủ thẩm quyền. Thực ra, đây không chỉ là chuyện nội quy của trường, mà đã đụng đến việc giải quyết tranh chấp dân sự giữa một bên là nhà trường (tạm coi là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các giáo trình), bên kia là sinh viên (bị nhà trường coi là photocopy trái phép các giáo trình đó). Mà đã là tranh chấp thì việc phán xử, giải quyết nó phải do bên thứ ba, trung gian tiến hành, chứ không phải nhà trường – một bên trong tranh chấp đứng ra làm “tòa án”.

Một vấn đề khác cũng cần được bàn luận, đó là: bảo vệ có quyền kiểm tra (thực ra là khám xét) tư trang của sinh viên hay không? Được biết, nhà trường đã giao tổ bảo vệ thường xuyên kiểm tra, phối hợp với tổ kiểm tra (có đại diện nhiều bộ phận) thông qua hệ thống camera học đường để phát hiện vi phạm.

Trong trường hợp đang được bàn đến, sinh viên viết trong bản tường trình “bị bảo vệ bắt lại”. Để đối chiếu, ngay cả công an không phải lúc nào cũng có quyền kiểm tra như vậy, chứ chưa nói đến bảo vệ của trường đại học.

Nguyễn Đức Lam