Trong một nền điện ảnh không chịu trưởng thành và càng ngày càng lụy tiền bạc, lụy nhảm nhí, lụy ngôn tình, lụy mê lô như điện ảnh Việt Nam hiện tại, một nền điện ảnh luôn nằm ở vùng trũng của thế giới, ta biết nhìn gì từ giải Oscar?

Hàng năm đến dịp này, giới điện ảnh toàn thế giới đều hướng về giải Oscar, giải thưởng điện ảnh của một quốc gia, nhưng có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Năm 2017 là mùa trao giải thứ 89 của Oscar, giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) nhưng nó chưa bao giờ mất đi vị thế dẫn đầu của mình, dù năm nào đến mùa giải Oscar, giới mộ điệu điện ảnh lại được dịp mổ xẻ, phân tích, kết tội nó là “phân biệt chủng tộc”, “phân biệt giới tính”, thiếu sự đa dạng”, “chính trị hóa”, thậm chí đòi “tẩy chay” nó.

{keywords}
Cảnh trong phim La La Land. Ảnh: eva.vn

Sở dĩ báo chí và giới điện ảnh một mặt vừa theo dõi sát sao, đưa ra các nhận định, dự đoán; một mặt chỉ trích, đòi hỏi sự công bằng, đa dạng là bởi vì Oscar, vừa là giải thưởng mang tính Hàn lâm, vừa lại rất đại chúng, dễ tiếp cận đến số đông. 

Những giải thưởng điện ảnh lớn khác như Cành cọ vàng (LHP Cannes), Sư tử vàng (Venice), Gấu vàng (Berlin)... thường được bình chọn bởi một nhóm Ban giám khảo uy tín, mang nặng tính chủ quan của người cầm cân nảy mực. Công chúng của các LHP lớn nói trên cũng chỉ tập trung vào một nhóm khán giả nhỏ có cơ hội được thưởng thức các bộ phim trong những ngày diễn ra LHP. Khi giải thưởng được công bố, một số lượng khán giả đông hơn sẽ được tiếp cận các bộ phim này, nhưng cũng không nhiều. 

Trên thực tế, sức lan tỏa của những bộ phim đoạt các giải thưởng danh giá của 3 LHP quốc tế nói trên thường khá khiêm tốn, thậm chí ngay cả khi đoạt giải Cành cọ vàng, nhiều bộ phim vẫn khó tiếp cận khán giả, doanh thu không bù nổi vào kinh phí làm phim, như trường hợp của bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng gần đây là Dheepan (2015) của Pháp.

Oscar thì ngược lại, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của nó khi danh sách các bộ phim đề cử được công bố, như 9 bộ phim được đề cử giải “Phim hay nhất” có sự tăng trưởng doanh thu ngoạn mục hơn 300% so với thời điểm trước khi chúng được đề cử. Tổng doanh thu của 9 bộ phim nghệ thuật này đã vượt con số 1 tỷ đô la Mỹ khắp toàn cầu và dự kiến còn tăng mạnh nữa sau đêm trao giải Oscar. Sức mạnh của giải thưởng Oscar nằm ở đó.

{keywords}
Cảnh trong phim Moonlight. Ảnh: Fandango

Tất nhiên, khán giả và tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng nhất của các bộ phim nghệ thuật. Điều quan trọng mà giải thưởng này hướng đến, một mặt là nghệ thuật kể chuyện của các biên kịch, đạo diễn; tài năng diễn xuất của các diễn viên và đặc biệt nhất là các vấn đề xã hội, các thông điệp về cuộc sống, con người được các nghệ sĩ phản ảnh như thế nào thông qua các bộ phim của họ.

Hãy thử điểm lại các bộ phim đề cử Oscar phim hay nhất năm nay. Ngoại trừ La La Land đã được nói quá nhiều, khán giả chúng ta còn được thưởng thức những bộ phim đặc sắc khác. Moonlight là thân phận của một đứa trẻ da màu trong một cộng đồng nghèo khổ và tội phạm ở nước Mỹ. Cô độc, nghèo đói, bị ức hiếp, hoang mang về giới tính...; làm sao để một đứa trẻ lớn lên với những vết thương cả từ bên trong lẫn bên ngoài có thể giữ được sự thiên lương của mình và hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống? 

Làm sao để một đứa trẻ “khóc nhiều đến nổi có thể biến thành giọt nước” lại vẫn bao dung và biết tha thứ cho cuộc sống, cho tha nhân? Đó là những thông điệp ngầm mà đạo diễn da đen Barry Jenkins chuyển tới khán giả thông qua bộ phim nhỏ của mình bằng nghệ thuật kể chuyện vừa rất riêng tư vừa đại đồng. Đó là lý do khiến bộ phim rất nhỏ (kinh phí 1,5 triệu USD và phải làm âm thầm trong 4 năm) chiến thắng tất cả những bộ phim bom tấn có kinh phí cả trăm triệu đô tại mùa giải Oscar năm nay.

Manchester by the Sea là một bi kịch gia đình khi con người đối diện với những mất mát, những cái chết không hề được báo trước, không hề có tín hiệu để rồi sau đó họ tự cầm tù mình trong nỗi đau không thể cứu rỗi, cho đến khi họ phải đối diện với một sự mất mát mới và học cách vượt qua quá khứ. Hell or High Water là một hiện thực cay đắng khác, một bộ phim “viễn Tây” hiện đại nói về sự đói nghèo “như một dịch bệnh, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” như một vòng tròn luẩn quẩn, khiến họ phải phạm tội để giải thoát nó...

{keywords}
Cảnh trong phim Manchester by the Sea. Ảnh: IndieWire.

Cả ba bộ phim nói trên đều là ba tác phẩm rất nhỏ trong ngành công nghiệp điện ảnh của Hollywood. Cả ba đều chú trọng vào thân phận con người của nước Mỹ đương đại, về những bi kịch, những nỗi đau cá nhân mà bọn họ phải đối mặt. Cả ba bộ phim đều “bắt bệnh” nước Mỹ thông qua những câu chuyện cá nhân. Những câu chuyện trong các bộ phim xa xôi của nước Mỹ nhưng lại giúp ta soi chiếu vào  vào cuộc sống hiện thực của Việt Nam, vào chính bản thân chúng ta khi đối mặt với những vấn đề ta gặp phải trong đời, những vấn đề mà ta không tìm thấy trong nền điện ảnh của chúng ta.

Trong một nền điện ảnh không chịu trưởng thành và càng ngày càng lụy tiền bạc, lụy nhảm nhí, lụy ngôn tình, lụy mê lô như điện ảnh Việt Nam hiện tại, một nền điện ảnh luôn nằm ở vùng trũng của thế giới, ta biết nhìn gì từ giải Oscar?

Tiền bạc không phải là vấn đề và chưa bao giờ là vấn đề của điện ảnh. Để kêu gọi kinh phí cho Moonlight, đạo diễn Barry Jenkins có một tấm vé thông hành duy nhất là bộ phim đầu tay của anh, Medicine for Melancholy (2008), được làm với kinh phí 13.000 đô la Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với kinh phí các bộ phim Việt Nam hiện nay. 

Ngay cả con số kinh phí 1,5 triệu đô của Moonlight cũng mới chỉ ngang bằng nhiều bộ phim lớn của Việt Nam hiện tại. Hai bộ phim gom nhiều đề cử Oscar khác của năm nay là Manchester by the Sea và Hell or High Water cũng được thực hiện với mức kinh phí thấp so với mặt bằng chung của điện ảnh Mỹ và thế giới (từ 8-12 triệu USD). Tiền bạc và kỹ thuật, thậm chí là kiểm duyệt chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là lực cản để thực hiện một bộ phim nghệ thuật chia sẻ được những vấn đề cá nhân của tác giả nhưng cũng nói được những câu chuyện của con người nói chung.

Có lẽ đó là điều chúng ta nên học và không nên đổ tội cho những lý do khách quan cho sự yếu kém của mình khi nhìn giải Oscar từ một nền điện ảnh vùng trũng của thế giới.

Lê Hồng Lâm