“Chính sách luân chuyển tác động tích cực đến tư duy, tác phong xử lý công việc của mỗi cán bộ, buộc mỗi người phải tạo dấu ấn trong hoạt động thực tiễn”... 

Động lực để cán bộ năng động sáng tạo

Bữa cơm trưa ở Văn phòng Huyện ủy khá trễ. Bê bát cơm, chưa kịp ăn, ông Vũ Văn Đạt vội đặt xuống mâm rồi cáo lỗi mọi người, ra mặt đường. Nơi đó cần có ông. Cơn bão số 3 mang tên Sơn Tinh chuyển thành vùng áp thấp đang gây mưa lớn, có khả năng gây úng ngập và sạt lở hệ thống giao thông trong huyện...

Ông Đạt là Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn. Trước đó, ông là Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá. Cán bộ luân chuyển như ông Đạt đang thành phổ biến ở Thanh Hoá, ở cả cấp huyện và xã.

“Chính sách luân chuyển tác động tích cực đến tư duy, tác phong xử lý công việc của mỗi cán bộ, buộc mỗi người phải tạo dấu ấn trong hoạt động thực tiễn”...Ông Nguyễn Quang Hải, Bí thư huyện ủy Đông Sơn đã nhận xét như thế. Từ nhiệm kỳ trước, ông Hải là Phó Chủ tịch UBND tp Thanh Hoá, luân chuyển về làm Phó Bí thư huyện ủy Đông Sơn. Nhiệm kỳ vừa rồi, ông được bầu vào vị trí Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch HĐND huyện. Địa phương này đang chủ động triển khai các hoạt động sáp nhập thôn, luân chuyển cán bộ cấp xã, thị trấn, thúc đẩy phát triển kinh tế...Mọi việc đang vận hành trôi chảy.

Những ngày giữa tháng 7/2018, vừa qua đợt nắng nóng khốc liệt chưa từng có, nhưng cánh đồng xã Đông Minh, huyện Đông Sơn lúa lên xanh ngăn ngắt. 248 ha lúa được gieo cấy đúng thời vụ, được bơm tưới nước đầy đủ. Đường thôn ngõ xóm lát bê-tông, sạch sẽ, phong quang. Ngày 17 tháng 3 vừa rồi, xã đón nhận danh hiệu “xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Thành tựu rõ nhất của xã là năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,41%, dự kiến năm 2018 giảm xuống chỉ còn 2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, khi sản xuất nông nghiệp chỉ còn 19%, dịch vụ thương mại tăng lên 65%, 14% còn lại là ngành nghề khác...Ông Lê Đình Năng, Chủ tịch UBND xã nhận xét: “Từ khi được tăng cường bí thư đảng ủy từ nơi khác về, hiệu quả công tác nâng lên thấy rõ”. Ông Năng muốn nói tới hai vị trí được Huyện ủy Đông Sơn luân chuyển từ nhiệm kỳ 2015-2020: Ông Lê Trọng Ái, Bí thư Đảng ủy xã và ông Doãn Đình Sỹ, Phó Bí thư thường trực. “Các đồng chí được luân chuyển về đã tích cực xuống cơ sở, tìm hiểu tình hình, hoà nhập với công việc. Tính trì trệ, cục bộ, dòng họ giảm hẳn. Mọi vấn đề đều được tập thể BCH bàn bạc thống nhất, dân chủ, công khai”-ông Năng nói.

Huyện Đông Sơn có 16 xã, thị trấn, thì từ tháng 9-2016 tất cả đều được bố trí cán bộ không là người địa phương. Có 3 xã bố trí cả ba chức danh bí thư, phó bí thư và chủ tịch, còn lại là 2 hoặc 1 chức danh. Tuỳ vào tình hình thực tế ở địa phương và năng lực, phẩm chất cán bộ mà luân chuyển 3 vị trí hay 2 hoặc 1. Xã Đông Thanh tình hình trì trệ quá lâu, huyện thay cả 3 vị trí. “Luân chuyển cán bộ để tạo điều kiện ổn định về hệ thống chính trị, trật tự xã hội yên lành, kinh tế phát triển”- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hải nhấn mạnh.

{keywords}
Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Quan Sơn, huyện miền núi biên giới, cộng đồng dân tộc thiểu số chiếm đa số. Toàn huyện có tới gần 4.000 đảng viên, chiếm khoảng 10% dân số. Ngay trong nhiệm kỳ này, huyện có nhiều bước chuyển rất ấn tượng: Là huyện thực hiện nhất thể hoá 100% chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Ở nhiều nơi, bí thư chi bộ và trưởng thôn độ tuổi trung bình khá cao, thì ở huyện rất đặc thù miền núi biên giới này tuổi bình quân là 40. Trong số 13 xã, thị trấn, có 9 đơn vị bí thư, chủ tịch không là người địa phương. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều là cán bộ luân chuyển. 5 cán bộ phòng, ban của huyện được luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch xã. Cán bộ mới, tư duy mới, hành động mới. Ngày 10/4/2018, Huyện ủy có nghị quyết số 11 “về phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”. Nghị quyết đề ra những mục tiêu rất thiết thực: Mỗi xã, thị trấn mỗi năm thành lập mới ít nhất một doanh nghiệp do đảng viên làm chủ; mỗi thôn bản, khu phố mỗi năm ít nhất có 3 mô hình đảng viên làm kinh tế giỏi; đến năm 2020, có 100% hộ gia đình đảng viên thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo; mỗi đảng viên trong nhiệm kỳ có trách nhiệm phụ trách, hướng dẫn ít nhất 01 hộ thoát nghèo...Hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, với tinh thần “sát dân, sát địa bàn”, Huyện ủy Quan Sơn sáng tạo mô hình “3+1”: mỗi tháng, cán bộ, công chức dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, 1 tuần đến thôn bản, khu phố, cùng sinh hoạt chi bộ, nắm tình hình, hỗ trợ cơ sở. Cán bộ huyện trực tiếp giúp xã; cán bộ xã trực tiếp giúp thôn bản. Ông Chu Đình Trọng, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đánh giá: “Nội dung nghị quyết 11 và mô hình “3+1” đang được triển khai hiệu quả. Huyện ủy quán triệt tinh thần lấy chuyển động tình hình của xã, bản làm thước đo, tiêu chí đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên”.

Trung Hạ có thể xem là mẫu hình chuyển động tích cực của huyện Quan Sơn. Đây là xã đi đầu thực hiện chủ trương “sát dân, sát địa bàn”; cũng là nơi thực hiện nhất thể hoá thành công với 100% thôn có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Xã có hơn 4.000 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân thu nhập năm 2017 xấp xỉ 1.000 USD/người. Đảng bộ xã có 278 đảng viên, 100% hộ gia đình đảng viên đã thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Sinh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Huyện ủy được luân chuyển về làm Bí thư - Chủ tịch UBND xã Trung Hạ tỏ ra tâm đắc với nghị quyết 11 và mô hình “3+1” của Huyện ủy Quan Sơn. “Mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện tính gương mẫu bằng những hành động cụ thể, việc làm cụ thể”- ông Sinh nói. “Cán bộ thôn đã được trang bị máy tính phục vụ công tác. Xã đang triển khai chương trình “đường điện an ninh”, “đoạn đường tự quản”, làm thay đổi bộ mặt thôn bản nông thôn miền núi. Kinh phí chủ yếu do các mạnh thường quân là những đảng viên, chủ doanh nghiệp ủng hộ”- ông Sinh chia sẻ.

Luân chuyển cán bộ gắn với bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Khâu đột phá

Từ trước nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã coi trọng khâu luân chuyển cán bộ. Tại kết luận số 60-KL/TU ngày 02/5/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đúc kết: “Việc bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải người địa phương đã từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”.

“Tỉnh ủy Thanh Hoá xác định điều động, luân chuyển gắn với bố trí người đứng đầu không là người địa phương là khâu đột phá trong công tác cán bộ”- ông Lại Thế Nguyên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết. Ngay từ tháng 3/2012, Tỉnh ủy Thanh Hoá đã có Nghị quyết số 04 “Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hoá thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”. Nghị quyết xác định, một trong những giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ là “làm tốt công tác điều động, luân chuyển”. Năm 2013, tỉnh thực hiện đợt luân chuyển lớn, với tổng số trên 30 cán bộ, từ tỉnh về huyện, từ huyện lên tỉnh. Hầu hết cán bộ luân chuyển thời đó đều trưởng thành, nhiều người vào Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, giữ các vị trí chủ chốt; nhiều trường hợp ở lại giữ vị trí bí thư, chủ tịch huyện nhiệm kỳ hiện tại. Đến trước đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, đã có 14/27 huyện, thị, thành phố có ít nhất một trong các chức danh bí thư cấp ủy, phó bí thư thường trực, phó bí thư-chủ tịch UBND không phải người địa phương. Đến thời điểm này, là 22/27 huyện, thị, thành phố. Ở cấp xã, phường, thị trấn, là 421/635 đơn vị. Các huyện Thạch Thành, Đông Sơn, Thiệu Hoá, Ngọc Lặc, thị xã Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hoá đã bố trí một trong ba chức danh chủ chốt ở xã, phường, thị trấn không phải người địa phương. Sau đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 lại một đợt luân chuyển mới. “Tính từ tháng 2/2012 đến tháng 4/2018, đã điều động, luân chuyển 1.772 lượt cán bộ ở các cấp, các ngành, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 98 đồng chí. Các đồng chí được luân chuyển làm bí thư hoặc chủ tịch cấp huyện đều khẳng định rất tốt vai trò của mình”- ông Lại Thế Nguyên đánh giá.

{keywords}
Một góc huyện Quan Sơn- Thanh Hóa. Ảnh: Công luận

Giữa tháng 7/2018 này, Tỉnh ủy Thanh Hoá thực hiện đợt luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở 7 đơn vị cấp huyện. Đây là bước đệm giữa nhiệm kỳ chuẩn bị thay thế các vị trí sẽ nghỉ hưu hoặc không tái cử trong nhiệm kỳ tới, cũng là bước tạo nguồn cho nhiệm kỳ sau. Cán bộ luân chuyển đợt này đều ở độ tuổi sinh năm 1976 trở lại đây, đều nằm trong quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh và các vị trí chủ chốt sở, ban, ngành.

Như thế, luân chuyển chính là tạo môi trường cho cán bộ thể hiện năng lực, phẩm chất và uy tín cá nhân, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đời sống, để rèn luyện, tự khẳng định, trưởng thành, kế nhiệm xứng đáng. Đấy cũng là cách chủ động tạo nguồn kế cận đan xen, tiếp nối, bài bản, để có được đội ngũ cán bộ “chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa”, làm nòng cốt “xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh tiên tiến, làm tiền đề để xây dựng tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ dạy”.

Bài học thực tiễn

Thành ủy thành phố Thanh Hoá là nơi được Tỉnh ủy Thanh Hoá đồng ý cho thực hiện thí điểm luân chuyển cán bộ rất sớm, từ năm 2004; và cũng là địa phương thực hiện thí điểm mô hình bí thư đảng ủy-chủ tịch UBND phường, xã cách đây tới 10 năm. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, đã có 219 lượt cán bộ được luân chuyển. Riêng từ năm 2010 đến nay là 161 lượt. “Cán bộ luân chuyển đều trường thành. Cán bộ ban, ngành của thành phố đều từ cán bộ xã, phường trưởng thành đi lên”- Ông Đàm Văn Thê, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nhận xét. Là cán bộ trưởng thành từ luân chuyển, từ cơ sở đi lên, giờ lại phụ trách công tác tổ chức của cấp ủy, ông Đàm Văn Thê nêu mấy kinh nghiệm trong công tác luân chuyển. Theo ông Thê, phải xây dựng đề án chi tiết, cụ thể và thực hiện thí điểm; đồng thời chọn cán bộ thực hiện “đột phá khẩu” phải là cán bộ quy hoạch nguồn chủ chốt của thành phố, có năng lực, phẩm chất và uy tín; chọn phường đang có vấn đề phức tạp trong nội bộ để đưa cán bộ xuống. Cần có quy định quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ được luân chuyển và cơ quan, tổ chức liên quan. Quy định phải toát lên tinh thần chống độc đoán, chuyên quyền, phát huy vai trò tập thể cấp ủy. Phải có cơ chế cho cán bộ được luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ, như được quyền chọn cấp phó đi cùng, được hỗ trợ xử lý những tồn đọng liên quan đến quyền lợi của cán bộ và nhân dân...Vấn đề quan trọng nữa, là phải quan tâm công tác tư tưởng trong cán bộ và nhân dân nơi cán bộ luân chuyển tới, lường trước mọi kịch bản, diễn biến có thể xảy ra để có phương án xử lý phù hợp... Trưởng ban Tổ chức Thành ủy thành phố Thanh Hoá còn nhấn mạnh, trong công tác luân chuyển, phải làm cho cán bộ thuộc đối tượng luân chuyển thay đổi nhận thức, từ “bị” luân chuyển, “phải” luân chuyển thành “được” luân chuyển, “muốn” luân chuyển.

Thành phố Thanh Hoá chưa phải là đơn vị làm tốt nhất công tác luân chuyển, nhưng những kinh nghiệm từ đây mang tính thực tiễn và phổ biến. Trong quá trình thực hiện công tác luân chuyển ở Thanh Hoá, không phải nơi nào cũng tuân thủ những bài học kinh nghiệm này. Có nơi đã bộc lộ khuyết điểm do chủ quan vội vàng trong khâu chọn cán bộ. Huyện Quảng Xương là ví dụ điển hình. Trong khoảng thời gian ngắn, một số cán bộ từ huyện được luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch, hoặc bí thư kiêm chủ tịch UBND xã đã sớm bộc lộ thói hư tật xấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý. Quảng Xương cũng địa phương, cho đến thời điểm hiện tại, các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư-chủ tịch UBND huyện vẫn còn là người địa phương. Ở đây, nổi lên bài học: Công tác điều động, luân chuyển chỉ đem lại “hoa thơm trái ngọt” khi khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ thực sự tinh tường, dân chủ, khách quan. Mặt khác, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, từ tỉnh tới huyện, từ huyện tới xã, đồng thời kịp thời điều chuyển cán bộ khi không đáp ứng được yêu cầu của tổ chức.

“Chính sách đối với cán bộ điều động, luân chuyển cần được xây dựng, hoàn thiện sớm”- một cán bộ thuộc diện luân chuyển đề nghị. “Tránh tình trạng mỗi nơi vận dụng một kiểu, hoặc nơi có nơi không, dễ phân bì, tâm tư”- cán bộ này nói. Theo kế hoạch, thì đến quý IV năm nay, Thanh Hoá mới ban hành chính sách đối với cán bộ điều động, luân chuyển.

Ở Thanh Hoá, khi nói tới công tác điều động, luân chuyển cán bộ, thường nhắc tới một văn bản rất “kinh điển”. Đó là Kết luận số 60, ngày 01/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư-chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện không là người địa phương”. Nói là “kinh điển”, vì văn bản này dù ban hành trước đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 và là bước chuẩn bị cho công tác nhân sự trước đại hội, nhưng đến thời điểm này vẫn nguyên giá trị, vì tính khái quát mà chi tiết, cụ thể, thể hiện rõ ràng quan điểm, mục tiêu, đối tượng, phương pháp, thời gian, tổ chức thực hiện, phù hợp với các kết luận, quy định về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ gần đây nhất của Trung ương, Bộ Chính trị. Ví dụ, về phương pháp tiến hành, kết luận này nêu 5 định hướng điều động, luân chuyển: Từ huyện này sang huyện khác; từ tỉnh về huyện, từ huyện lên tỉnh; những nơi lãnh đạo chủ chốt không tái cử hoặc nghỉ bảo hiểm xã hội; lãnh đạo chủ chốt đủ tuổi tái cử nhưng ở đó phong trào trì trệ, yếu kém, nội bộ thiếu thống nhất. Như thế là bao quát được mọi trường hợp, đối tượng. Ở cấp huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hoá có thể vận dụng kết luận này để thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ trong huyện, từ huyện về xã, từ xã lên huyện và từ xã này sang xã khác.

Uông Ngọc Dậu

Trung ương quyết tinh giản để tăng hiệu lực bộ máy

Trung ương quyết tinh giản để tăng hiệu lực bộ máy

Không nên hiểu cứng nhắc mục tiêu tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách, mà quan trọng nhất là hiệu quả, hiệu lực của bộ máy.  

Câu chuyện con bò và những nút chỉ rối

Câu chuyện con bò và những nút chỉ rối

Hơn 20 năm trước, khi tái lập, Vĩnh Phúc nghèo xơ xác. Nhưng sau một bước chuyển mạnh dạn, mảnh đất này giờ đang từng bước thịnh vượng.

Sáp nhập huyện, xã: Bớt bám ‘bầu sữa’ ngân sách?

Sáp nhập huyện, xã: Bớt bám ‘bầu sữa’ ngân sách?

Sáp nhập các đơn vị hành chính cơ sở là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy và cách thức quản trị.    

Nhất thể hóa chức danh, sáp nhập và bài toán khó khăn giảm nhân sự công

Nhất thể hóa chức danh, sáp nhập và bài toán khó khăn giảm nhân sự công

Rất khó nhưng việc giảm nhân sự công nhất là nhân sự lãnh đạo phải là bài toán được giải quyết.

Tinh giản bộ máy: Không còn đường lùi

Tinh giản bộ máy: Không còn đường lùi

Thực tế cho thấy, việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo là nhu cầu bức thiết cho mục tiêu kiến tạo phát triển.