Có nhiều lĩnh vực trước đây tưởng rằng phải hy sinh, chịu đi sau đợi cân đối trở lại khi kinh tế xã hội đã phát triển một bước, xem ra đã không hẳn như thế.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu phần 2 cuộc phỏng vấn với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT, xoay quanh câu chuyện nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam.

>> Xem lại Phần 1: ‘Mẹ đi giúp việc, bố đi cửu vạn, con cái về đâu?’ 

{keywords}
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn. Ảnh: Huỳnh Phan

Qua cơn “say sưa”, chúng ta nhận ra…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi mới nhậm chức đã gặp doanh nghiệp, và sau hai năm mới gặp nông dân. Vậy có phải do nông nghiệp đã phát triển thuận lợi hơn, chẳng hạn xuất khẩu rau hoa quả đã vượt qua xuất khẩu dầu khí, hay ở đây là vấn đề lớn hơn nhiều?

Thời gian qua, toàn xã hội đã có sự nhìn nhận lại mô hình tăng trưởng nói chung và vai trò của các ngành nghề nói riêng sau một thời kỳ chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do tỷ lệ nợ công tăng vọt, cán cân thương mại rất khó cân bằng, tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng rất lớn, tăng trưởng chững lại, rồi vấn đề ô nhiễm môi trường, những hệ quả xã hội từ chênh lệch thu nhập giữa các khu vực…

Chúng ta bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về hiệu quả, độ an toàn xã hội, tính vững bền của tăng trưởng kinh tế, chất lượng thực của cuộc sống và nhận thấy là có nhiều lĩnh vực đã từng được ưu tiên tập trung phát triển để vượt lên trước, với hy vọng sau đó chúng sẽ trở thành đầu tầu kéo theo các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng khác. Có nhiều lĩnh vực trước đây tưởng rằng phải hy sinh, chịu đi sau đợi cân đối trở lại khi kinh tế xã hội đã phát triển một bước, xem ra đã không hẳn như thế.

Chẳng hạn chúng ta đã chứng kiến sự lúng túng của quản lý nhà nước trong thất bại của thị trường bất động sản, sự tệ hại của khai thác tài nguyên, sự bấp bênh của thị trường chứng khoán tài chính, sự thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, sự kém hiệu quả của các lĩnh vực công nghiệp nhất là công nghiệp nặng, tính hai mặt của đầu tư nước ngoài, sự quá tải của xã hội và kinh tế ở 2 đô thị chính.

Không riêng gì chính phủ mà nhà đầu tư, chuyên gia, mỗi một người dân đều nhận thấy sự bất hợp lý của việc chạy theo các giá trị “ kinh tế ảo”. Nó xa rời sức mạnh ổn định căn bản của nền “kinh tế thực” sản xuất vật chất, vốn là lợi thế chính của đất nước nằm ở nông nghiệp, nông thôn, ở dịch vụ bao gồm cả văn hóa, cảnh quan, môi trường; ở sức mạnh của con người cả trí tuệ, lẫn lao động.

Động lực phát triển này có thể không nhanh, tỷ trọng xuất khẩu có thể vừa phải, nhưng giá trị gia tăng của nó, phần đóng góp cho người Việt Nam lại rất nhiều. Ở đây ta không “gia công” mà thực sự sản xuất, sản phẩm của ta không nhái theo nước ngoài mà mang bản sắc và lợi thế đất nước. Không giống như công nghiệp:  rất nhiều giá trị gia tăng ở phần đầu cung cấp nguyên liệu đầu vào, cho đến phần sau chế biến, buôn bán là người ngoài hưởng, chúng ta chỉ gia công, chế biến, lắp ráp và chịu nhiều thiệt thòi về ô nhiễm môi trường, phải xử lý rất nhiều vấn đề về xã hội và rất nhiều rủi ro, trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp. 

Một thời kỳ, và đến giờ chưa phải là hết, chúng ta say sưa, kỳ vọng các doanh nghiệp trước tiên là các DN nước ngoài, các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi đến các đại gia lớn, các tầng lớp khởi nghiệp trẻ hình thành những cơn lốc lớn đi vào tất cả các mũi nhọn, từ đó tung ra nguồn vốn lớn, thúc đẩy công nghệ cao, mở ra thị trường mới, tạo nên cách thức quản lý thông minh để đem lại sức sống cho xã hội cả về việc làm và đầu tư.

Chuyện đó diễn ra thật, nhưng chỉ ở một số địa bàn, chẳng hạn quanh TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ thu hút 57% đầu tư FDI, 58% công suất đầu tư chế tạo, là đầu tàu xuất khẩu. Thứ 2 là vùng quanh Hà Nội, dọc dài vòng lên Quảng Ninh. 17 tỉnh thành ở 2 khu vực này đóng góp hơn 70% ngân sách nhà nước. Bao nhiêu cơ sở hạ tầng, đầu tư trong nước, nước ngoài, lao động cũng… dồn cả vào đấy. Trong khi hai thành phố đều quá tải về chỗ ở, giao thông, môi trường,…và sản phẩm công nghiệp thiếu thị trường, khó xuất khẩu thì khoảng cách kinh tế với các vùng “ngoài động lực” tiếp tục doãng ra.

14 tỉnh miền núi phía Bắc góp 3,6% cho ngân sách; cả 2 vùng tiềm năng nông nghiệp lớn là 5 tỉnh Tây nguyên chỉ góp 1,4%, 13 tỉnh ĐBSCL góp được 4,5%, v.v… Khoảng cách thu nhập nông thôn – đô thị, miền xuôi – miền núi, dân tộc thiểu số - người Kinh,… cũng xa ra. Đầu tàu chạy nhanh nhưng không kéo các toa theo và đang cảm thấy các chính sách nhà nước ưu đãi cho mình quá ít ỏi, tấm áo cơ chế quá chật chội thì các địa phương đi sau cảm thấy bị bỏ lại, thiếu đầu tư hỗ trợ, thiếu liên kết, tự ti và ỷ lại. Cả hai phía đều vướng về động lực phát triển.

Tuy nhiên, “có qua sóng gió mới biết lòng nhau”, tất cả những gian nan, thử thách, bốc đồng ấy, giúp chúng ta ngộ ra ưu thế của “nền kinh tế thực”. Nông nghiệp trải khắp lãnh thổ, dù nó bị mất đi đất đai, nước, lao động, rừng, khoáng sản,… dù chỉ được đầu tư 6% tổng đầu tư toàn xã hội và dù phải chịu ô nhiễm nặng nề, những “cú đòn” như Formosa tưởng như không vượt qua nổi; dù phải đương đầu với thiên tai, với thị trường, những thử thách như bão giá lợn nặng nề nhưng vẫn đứng vững, đi đầu tiên phong đóng góp cho xuất khẩu, là ngành chính tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, ngành mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo. Rõ ràng, phải nghĩ lại về mô hình tăng trưởng. 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng là một khía cạnh liên quan đến mô hình tăng trưởng, theo ông cách thức chúng ta công nghiệp hóa nông thôn hiện nay liệu có gì bất ổn?

So sánh giữa các tỉnh “công nghiệp hóa” có GDP nông nghiệp chiếm chỉ còn khoảng 6% như Đồng Nai hay Vĩnh Phú với một số tỉnh “thuần nông”, như Thái Bình, An Giang nơi GDP nông nghiệp còn đóng góp 35 - 36% thì thấy GDP trên đầu người chỉ hơn gấp đôi, gấp rưỡi. Thu nhập bình quân đầu người thì tương đương nhau hoặc nhỉnh hơn độ 50% và 60-70% dân số vẫn sống ở nông thôn, tức là công nghiệp “gia công” nối với chuỗi toàn cầu vẫn đi một đằng mà xã hội nông thôn tự phát huy nội lực vẫn đi một nẻo.

Hàn Quốc năm 1998 cũng có tỷ trọng GDP nông nghiệp là 6%, nhưng nếu cả nước ta phát triển kinh tế theo mô hình hiện nay thì có đạt tỷ trọng đó cũng còn xa mới trở thành nước công nghiệp hiện đại được.

Một nền kinh tế phát triển bao trùm thành công là Đài Loan. Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, cơ sở hạ tầng phát triển trên cả lãnh thổ, các khu công nghiệp phát triển ở mọi đô thị địa phương (1956 - 1966, lao động công nghiệp ở thành phố giảm từ 43% xuống 37%, chỉ có 17% lao động nông thôn rời làng). Trong 20 năm công nghiệp hóa, 5 thành phố lớn chỉ tăng dân số 18% -27%. Công nghiệp phối hợp với kinh tế nông thôn, ngành chế biến nông sản phát triển (năm 1950, nông sản qua chế biến chiếm 70% giá trị xuất khẩu); các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động cũng phát triển, công nghiệp nhắm vào phục vụ sản xuất và đời sống ở thị trường nông thôn (dân số có 10 triệu người đã góp 60% cho tăng trưởng công nghiệp chế tạo).

Chúng ta cần xem xét lại mô hình tăng trưởng dồn cả vào quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các khu công nghiệp cần được đưa về cạnh các đô thị ở nông thôn, nhất là vùng có quỹ đất thuận lợi như trung du, cao nguyên. Các trung tâm dịch vụ cần đưa về các đồng bằng đông dân ở sông Hồng, sông Cửu Long, vừa bám lấy thị trường, vừa huy động lao động.

Hai thành phố lớn phải được giải phóng khỏi chức năng sản xuất và dịch vụ, tập trung vào các chức năng cao cấp hơn. Cần phát triển mạnh các thành phố vệ tinh để giãn cư dân về nông thôn lân cận, vừa có môi trường trong sạch cho đô thị, vừa phát triển xã hội nông thôn. Muốn vậy, phải xây dựng cơ sở hạ tầng về nông thôn, trước hết là giao thông.

Phải thoát khỏi cái bẫy “công nghiệp gia công”, nhân cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà phát triển nông nghiệp và dịch vụ trước khi Việt Nam rơi tiếp vào bẫy “già hóa”. Phải phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vùng miền. Tôi nghĩ mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam cũng có thể làm thế cả nếu chúng ta chăm chút, đầu tư cho nó.

Mỗi địa phương đều tự tiến lên bằng lợi thế của mình và kết nối với nhau như một đoàn ô tô, có xe to, có xe bé nhưng cùng chạy, không ai kéo ai. Đó mới là phát triển bao trùm chứ không phải kiểu 1-2 cái đầu tàu è cổ kéo tất cả các toa, các cơ quan nhà nước đứng giữa phân bổ ngân sách để lại xin cho, tham nhũng.

Biết phát triển thì một thị trấn bị “bỏ rơi” như Hội An cũng có thể biến thành một hòn ngọc. Người ta đến đó không chỉ để ngắm cảnh, dự lễ hội mà còn đến đó trải nghiệm, may quần áo, thưởng thức ẩm thực, mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Như thế nghĩa là tất cả người dân đều được đóng góp và chia sẻ sự tăng trưởng.

Hay Lâm Đồng, một tỉnh miền núi, thay vì phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện bừa bãi, phát triển cây công nghiệp tràn lan, kém hiệu quả lại tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cảnh quan và đã phát triển với tốc độ rất tốt, thu nhập của người dân tăng, môi trường khá tốt. 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Không cẩn thận, chúng ta đánh mất chính “sân nhà”

Chúng ta thường cho rằng nông nghiệp – nông thôn – nông dân đương nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau, nhưng tôi thấy có những trường hợp ngược lại, lợi cho nông nghiệp nhưng không lợi cho nông dân?

Xưa nay Nhà nước thường lo đến nông nghiệp theo kiểu lo về một ngành kinh tế sản xuất. Từ lãnh đạo cao nhất cho đến Quốc hội, cho đến các địa phương ai cũng lo về tốc độ tăng trưởng GDP. Số thống kê cứ phải tăng đều. Nhưng đó không đồng nhất với nỗi lo của người nông dân. Người dân chỉ mong sao có việc làm thường xuyên, có thu nhập tăng đều, khi rủi ro, khó khăn thì được bảo vệ, có môi trường sống trong sạch, có cơ hội phát triển tương lai cho con cháu. Đó là sự khác biệt giữa nông nghiệp – nông dân.

Để tăng trưởng GDP, chúng ta chăm chút mở rộng sản xuất, tăng sản lượng nông nghiệp, xuất khẩu sao cho nhiều. Nhưng đối với nông dân thì được mùa thì coi chừng lại mất giá. Có tiền hôm nay nhưng lo cho lúc già yếu sau này. Xuất khẩu thì tốt nhưng chưa biết chừng lại gây ô nhiễm, làm ra rất nhiều nhưng chi phí quá cao thì không biết chừng lại lỗ.

Với nông thôn, Nhà nước luôn muốn một xã hội ổn định, vững bền, trong sạch, êm đềm, không có khiếu kiện vượt cấp, không có điểm nóng chính trị xã hội, mọi người dân đều vui vẻ. Tăng trưởng trông vào thành thị thì nông thôn là phần “yên dân” là chính.

Nhưng nông dân lại mong muốn nông thôn phải mở ra con đường đi vào tương lai, dân đô thị có ô tô, nhà lầu tôi cũng phải có những thứ đó, dân đô thị cho con đi học nước ngoài, đi làm doanh nghiệp được thì con tôi cũng phải vậy. Cũng là con người, ai chẳng muốn có tiền chữa bệnh khi ốm, có lương khi về hưu…

Do đó chúng ta phải cân bằng ba yếu tố nông nghiệp – nông thôn – nông dân, nghĩa là mục tiêu của nhà nước với dân phải khớp với nhau, kinh tế phải cân bằng với xã hội, đô thị phải công bằng với nông thôn. Nhà nước có thể chú trọng tăng GDP nhưng phải cân đối cả chuyện tăng thu nhập cho người nông dân, chứ không phải là đến lúc đói nghèo mới đi xóa, lúc thiên tai mới xuống chống, sản phẩm thừa mới giải cứu. Còn người nông dân phải tự đứng lên và tham gia đóng góp cho nền kinh tế chung phát triển.

Theo tôi, một mô hình tăng trưởng không phải tập trung, ưu đãi quá mức cho các “đầu tàu”, các “chủ đạo”, các “chủ lực”… mà tạo được động lực cho mọi đối tượng chủ động và sáng tạo, mở ra được cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân ra quyết định làm chủ cuộc sống của mình, tạo điều kiện cho mọi địa phương huy động lợi thế của mình, khai thác được nội lực toàn xã hội để đóng góp cho phát triển, thì đó chính là mô hình “phát triển bao trùm”.

Nhà nước làm được việc đó là “chính phủ kiến tạo”. Và nếu làm được thế, nông thôn sẽ gắn với nông nghiệp, thực hiện được cả hai chức năng là vừa ổn định an toàn, vừa phát triển hiệu quả. 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, như năm nay thực thi hoàn toàn AFTA, sắp tới là FTA với EU, rồi CPTPP. Nhiều người đánh giá nông nghiệp có triển vọng hưởng lợi nhất từ sự hội nhập này, nhưng cũng có những ý kiến lo ngại bị chiếm sân như mô hình gia công mà Tập đoàn C.P đang áp dụng. Vậy theo ông, Việt Nam phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp ra sao để có thể tận dụng những cơ hội và hạn chế những rủi ro?

Những hiệp định thương mại gần đây, nhất là CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới, tức là không chỉ giảm hàng rào thuế quan mà còn là vấn đề xử lý các rào cản kỹ thuật, môi trường, xã hội, cả về thể chế. Chúng ta đang phải đương đầu những vấn đề như thẻ vàng của châu Âu về đánh bắt thủy sản liên quan đến vấn đề xuất xứ khi họ cho rằng chúng ta đánh bắt trái phép ở các vùng biển khác, bằng phương tiện hủy diệt. Rồi hiện nay phái đoàn Mỹ đang vào Việt Nam đánh giá cá da trơn của mình, áp đặt các biện pháp kỹ thuật mà đòi hỏi người nông dân Việt Nam phải sản xuất theo tiêu chuẩn và cách thức của người Mỹ. Có thể nói đó là những sức ép không chỉ ghê gớm mà còn vượt sức.

Do đó chúng ta không thể chỉ nhìn một phía thuận lợi. Nếu không cẩn thận thì ngay cả thị trường trong nước cũng bị đe dọa khi nước ngoài tiến vào. Mà những vấn đề như tôi vừa ví dụ không chỉ là vấn đề của sản xuất hay của ngành nông nghiệp, nó là vấn đề kiểm soát biển, vấn đề ngoại giao, hay trong câu chuyện cá da trơn có thể ta sản xuất tốt nhưng vận chuyển, bốc dỡ kho hàng không theo quy chuẩn của người ta cũng sẽ không ổn, thì đó còn là câu chuyện của ngành vận tải, tài nguyên môi trường, công thương…

Nghĩa là để nắm được cơ hội hội nhập không chỉ tái cơ cấu nông nghiệp mà nói cho đúng là tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu trong nông nghiệp thời gian qua được đánh giá là chậm, còn tái cơ cấu nền kinh tế thì có thể nói là vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng ta làm rất tốt chuyện giảm bớt đầu mối, đơn giản hóa thủ tục nhưng việc cơ cấu lại về tổ chức, thay đổi cơ chế hoạt động, hệ thống pháp lý, kết cấu ngành nghề, vùng miền, những điểm mang tính mấu chốt thì chưa.

Hãy xem, Trung Quốc thì tiến hành “một vành đai hai con đường”, các doanh nghiệp Thái vào Việt Nam mua từng hệ thống bán lẻ của ta, các doanh nghiệp Nhật Bản vào phát triển hợp đồng với từng hộ nông dân của mình, các công ty xuyên quốc gia đang liên kết với hệ thống đại lý ở Tây nguyên… Thế giới họ tiến vào ầm ầm, trong khi mình chậm trưởng thành, mới chỉ lo đối phó từng vụ việc, từng vấn đề. Như thế nếu không cẩn thận không những ta không tận dụng được cơ hội để tấn công mà coi chừng còn “thua trên sân nhà”.

Chúng ta đã thua trong công nghiệp vì áp dụng mô hình gia công. Nếu không khéo nông nghiệp bị chuyển sang mô hình gia công trong quá trình hội nhập này thì chúng ta sẽ mất nốt nông nghiệp, Ví dụ mô hình công ty C.P anh vừa nhắc, nếu không khéo trong hợp tác thì mọi công đoạn có giá trị gia tăng cao như cung cấp giống, thức ăn,… toàn bộ khâu chế biến, buôn bán lợi nhuận đều do đối tác nước ngoài hưởng. Chưa kể đến ưu đãi thuế, cho thuê đất,… phân hưởng của nông dân hợp đồng rất nhỏ, trong khi toàn bộ rủi ro về ô nhiễm môi trường, bệnh tật,…là phía nông dân và địa phương Việt Nam chịu hết.

Quyết tâm hội nhập thì trước hết phải quyết tâm tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Các quốc gia trên thế giới đều làm như vậy để kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Nguyễn Trường Tộ khi xưa đã nói: “ta không đến với người thì người sẽ đến với ta”. Chúng ta quyết không thể để mất cơ hội của Hội nhập, của Cách mạng công nghệ, của Duy tân Đổi mới như mấy thế kỷ trước dẫn đến đánh mất cả Độc lập của đất nước, Tự do của Dân tộc.

Huỳnh Phan – Mỹ Hòa

‘Cột thu lôi’ giữ Việt Nam ổn định

‘Cột thu lôi’ giữ Việt Nam ổn định

“Nền tảng NN vững chắc đã như “cột thu lôi” hút nhiều chấn động, trung hòa các mâu thuẫn, giữ cho xã hội dù rung lắc mạnh tới đâu vẫn phát triển ổn định”.

'Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu'

'Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu'

"Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu", nguyên Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.

Cơ hội để người nông dân làm giàu trên cánh đồng của mình

Cơ hội để người nông dân làm giàu trên cánh đồng của mình

Câu chuyện nới hạn điền, chúng ta đã tranh cãi, thảo luận từ lâu. Đến lúc này thực tế cuộc sống đã chứng minh, vấn đề đã chín đến mức quyết liệt.

Nhìn từ chuyện người nông dân ly nông và người nông dân ở lại

Nhìn từ chuyện người nông dân ly nông và người nông dân ở lại

Mở rộng hạn điền là hướng đi thể hiện tinh thần đổi mới quyết liệt. Nhưng cái chính là làm thế nào để khi đất đai dồn lại người nông dân có đời sống khấm khá hơn.