- Đã có 4 người Việt Nam được xếp hạng tỷ phú đô la trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên danh sách này. Tuy nhiên, nghịch lý là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn được đánh giá là không lớn nổi, chỉ chiếm khoảng 9% GDP trong suốt hàng chục năm qua. Vì sao?

“Đoàn thuyền thúng”

Khi gia nhập WTO cách đây hơn 10 năm trước, người ta đã ví von doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như “đội thuyền thúng” đi ra biển lớn để bày tỏ sự lo ngại nội lực trước hội nhập sâu rộng.

Kể từ đó, hình ảnh “đội thuyền thúng” luôn được gắn với khu vực doanh nghiệp tư nhân với hàm ý, cộng đồng này còn rất manh mún, nhỏ lẻ.

Nhận thức chung của các nhà hoạch định chính sách, của giới nghiên cứu là vậy.

Điều này được bổ trợ thêm bởi những số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã không thể lớn nổi so với chính mình.

Theo đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới đóng góp khoảng 9% vào GDP mỗi năm trong suốt hàng chục năm qua bất chấp thực tế không thể phủ nhận là số doanh nghiệp đã bùng nổ nhờ Luật Doanh nghiệp. Chỉ riêng trong hai năm 2008, 2009 là tỷ lệ đóng góp của khu vực này vọt lên tương ứng là 10,2 và 10,5% GDP.

Trong khi đó, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn rất lớn, khoảng 32% GDP năm 2016 dù đã giảm dần từ 37,6% GDP năm 2005. (Chi tiết xem bảng).  

{keywords}
 Ảnh: Tư Giang

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức hồi tháng 4/2017, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận thể trạng như trên ở khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ông nói: “Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc nhưng thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá thì đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Ông chứng minh, nội lực của kinh tế tư nhân còn yếu vì khu vực này chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể, chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Như vậy, tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam của Ban Kinh tế Trung ương khá tương đồng với những thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê.

Diễn đàn trên là sự kiện quan trọng để giúp Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng”, văn kiện đầu tiên của Đảng về kinh tế tư nhân sau 30 năm Đổi mới, được thông qua tại hội Hội nghị Trung ương 5 sau đó hơn một tháng.

Thực tế sinh động

Thời gian gần đây, tôi có cơ hội đi thăm một số nhà máy do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Quy mô, công nghệ, trình độ quản lý của họ đều rất ấn tượng; có doanh nghiệp đóng góp tới gần ¾ ngân sách của một tỉnh.

Tôi không có nhiều dịp đi thăm các nhà máy của doanh nghiệp nhà nước, nên nếu nhận xét về tương quan giữa hai khu vực kinh tế này bằng mắt là không xác đáng và cũng đầy cảm tính mà thôi.

Vì thế, tốt nhất là xem xét tương quan của khu vực doanh nghiệp tư nhân với các khu vực doanh nghiệp nhà nước qua các bản điều tra.

Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2017 – do Công ty Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân.

Trong năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng. Đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng.

Về mặt doanh thu, khu vực tư nhân chiếm lên 32,3% trong toàn bảng VNR500 so với 52% của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Điều này có nghĩa, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã trở nên lớn mạnh đáng kể chỉ trong VNR500.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân trong nước có đăng ký chỉ được thống kê tăng 1 điểm phần trăm trong hơn 20 năm qua (từ khoảng 7% GDP lên hơn 8% GDP) là rất kỳ lạ.

Lý do là trong giai đoạn 2000-2017 tài sản đầu tư của khu vực này tăng đến 100 lần; lao động tăng khoảng 7 lần; doanh thu cũng tăng hàng chục lần; đóng góp vào ngân sách thậm chí còn cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài.

“Thế mà đóng góp của khu vực này chỉ được thống kê gia tăng được 1 điểm phần trăm trong GDP trong 20 năm là rất không bình thường”, ông nói. 

{keywords}
Đã có 4 người Việt Nam được xếp hạng tỷ phú đô la, tuy nhiên, nghịch lý là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn được đánh giá là không lớn nổi. Ảnh minh họa: VOV

Nhận xét của ông Cung phù hợp với một khảo sát về các thành phần  kinh tế của chính Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 2/2018.

Theo đó, hàng loạt các chỉ tiêu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đều vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước về vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, về lao động,...

Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tại thời điểm cuối năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước là 8,36 triệu tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp.

Về doanh thu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu.

Về lợi nhuận, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.

Về đóng góp cho ngân sách, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Tính đến cuối 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo nhiều việc làm nhất với 8,57 triệu, cao hơn nhiều so với 1,31 triệu việc làm của doanh nghiệp nhà nước.

Tổng cục Thống kê cho biết, doanh nghiệp nhà nước chỉ có 2.663, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 505.067 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước tại thời điểm cuối năm 2016.

Những con số thống kê trên cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh như thế nào, dù vẫn chưa được coi là “chủ đạo”.

Chợt nhớ tới nhận xét của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên tại buổi bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học về các thành phần kinh tế do Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng gần đây.

Ông nói: “Nghịch lý của chúng ta là ở chỗ, chúng ta vẫn coi doanh nghiệp nhà nước, khu vực gây tổn hại nhất cho nền kinh tế, là chủ đạo; trong khi các doanh nghiệp tư nhân, với nhiều tỷ phú mới xuất hiện, chỉ được coi là lực lượng quan trọng sau 30 năm Đổi mới”.

Tư Giang

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp với những quyết tâm hành động là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

Tăng trưởng phụ thuộc Samsung: Doanh nghiệp lớn có quyền mặc cả?

Tăng trưởng phụ thuộc Samsung: Doanh nghiệp lớn có quyền mặc cả?

Khi doanh nghiệp quá lớn, họ có quyền nhất định để ngồi mặc cả với Chính phủ. Và Samsung cũng đang có lợi thế đó để đàm phán các ưu đãi. Vấn đề là ta cần tận dụng cơ hội ra sao?

Quan chức, đại gia xa hoa ‘dính phốt’ và lời nhắc 'mùa tiệc tùng'

Quan chức, đại gia xa hoa ‘dính phốt’ và lời nhắc 'mùa tiệc tùng'

Chắc sẽ không thừa khi năm mới nói chuyện "đổi mới" và bàn về lối sống tiết kiệm, đặc biệt trong điều kiện ngân sách quốc gia còn eo hẹp.

Cứu DNNN là xén bớt của người nghèo

Cứu DNNN là xén bớt của người nghèo

Nắm giữ nhiều tài nguyên nhất, được ưu đãi nhất, gây ra lãng phí nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở thành tâm điểm của tái cơ cấu kinh tế trong hai thập kỷ qua.

Vì sao bán DNNN người ta không mặn mà?

Vì sao bán DNNN người ta không mặn mà?

Bây giờ muốn chủ đạo thì phải có thực lực về tài chính, tiềm lực công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường…. không thể chủ đạo theo kiểu hô hào được nữa.