- Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.

LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Ngày 22/10/2016 tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “Nếu vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công”. Sau phát biểu này, trong hai năm 2017-2018, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được một số thành tựu mới.

Tuy nhiên, những tồn tại, khó khăn, thách thức dai dẳng của nền kinh tế vẫn hiển hiện từng ngày, từng giờ cho thấy vở cũ vẫn tự diễn. Đã đến lúc không thể chỉ chép lại vở cũ mà phải thay thế bằng một vở mới để nền kinh tế Việt Nam phát triển được tới mức hùng cường. Đây là một đại vấn đề mà tôi mong đóng góp ý kiến của mình, trước hết là về giải phóng sức nhà nước.

Cổ nhân đã dạy “Đẩy thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước” - nước ở đây là sức dân. Sức dân yếu là do gặp nhiều trở lực. Nếu trở lực được gạt bỏ thì sức dân được phục hồi, mạnh lên. 

Sức Nhà nước thông thường đều xuất phát từ sức của nền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc biệt, đối với Việt Nam, sức nhà nước còn có một nền tảng quan trọng khác, đó là việc Nhà nước được giao “làm đại diện chủ sở hữu toàn dân”. 

{keywords}
Sức dân được giải phóng sau Đổi mới đã làm cho nền kinh tế phát triển nở rộ

Sức dân đã được giải phóng và đã tới ngưỡng

Năm 1986, Việt Nam chính thức khởi động công cuộc Đổi Mới, trong đó nổi bật nhất là giải phóng sức dân. Tới nay, sau 32 năm, việc giải phóng này đã thu được nhiều thành tựu lịch sử, trong đó đáng kể nhất là đã xóa được đói về căn bản, đã giảm được nghèo vượt mục tiêu thiên niên kỷ, đã đưa thu nhập bình quân/đầu người đạt mức trung bình (thấp) của thế giới, đã hình thành nửa triệu doanh nghiệp tư nhân và nhiều triệu hộ kinh tế gia đình của người Việt hoạt động trong nền kinh tế…

Sức dân được giải phóng đã làm cho gần trăm triệu người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước hiện đang sở hữu một khối tài sản tài chính khổng lồ. Dù chưa có số liệu thống kê về tổng tài sản đó, nhưng nhiều phần của nó đã lộ diện trong đời sống kinh tế - xã hội.

Rõ ràng nhất là mỗi năm có hàng trăm nghìn tỷ đồng do dân đóng thuế cho nhà nước; nhiều tỷ đô la từ người Việt Nam ở ngoài nước gửi về trong nước; cả triệu tỷ đồng nhàn rỗi do dân gửi vào ngân hàng tiết kiệm; nhiều trăm tấn vàng đang thuộc sở hữu của người dân; vô vàn tỷ đồng do dân bỏ ra để tự cứu mình khi thiên tai ập đến; và còn những số tiền không tính nổi của những tài sản trí tuệ, tài sản thương hiệu…

Nhờ giải phóng sức dân, Việt Nam đã có những tỷ phú đô la trong danh sách doanh nhân thành đạt tầm thế giới.

Nhưng sức dân được giải phóng chỉ đến chừng mực đó, đã chững lại. Mỗi năm, có trên dưới trăm nghìn doanh nghiệp ra đời thì cũng có nhiều chục nghìn doanh nghiệp đuối sức, bị thị trường đào thải.

Trong khi đó, tỷ phần doanh nghiệp nước ngoài trong tổng sản phẫm quốc nội vẫn tăng dần qua các năm. Trên thực tiễn, sức của doanh nghiệp nội vẫn đang bị lấn át bởi doanh nghiệp ngoại.  

Sức Nhà Nước quá lớn chờ giải phóng

Có một sự thật đã trở thành hiển nhiên trong nền kinh tế nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, đó là tuyệt đại bộ phận những tài sản quan trọng của nền kinh tế đều đã được tập trung cho Nhà nước thống nhất quản lý và làm đại diện chủ sở hữu.

Đây là một quá trình đã tiếp diễn liên tục ở mọi cấp độ, mà cao nhất là từ tất cả các Hiến pháp của nước ta, trong đó: Đặt nền móng cho thể chế dân chủ cộng hòa của đất nước (Hiến pháp năm 1946); Ban hành định chế về sở hữu toàn dân (Điều 11 Hiến pháp năm 1959); Mở rộng sở hữu toàn dân bao phủ hầu hết các loại tài sản quan trọng trong nền kinh tế (Điều 19 Hiến pháp năm 1980, Điều 17 Hiến pháp năm 1992); Giao Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu toàn dân (Điều 63 Hiến pháp năm 2013).

Rõ ràng rằng Nhà nước đã và đang nắm trong tay những khối tài sản cực lớn của nền kinh tế. Với số tài sản đó, Nhà nước mới chỉ trực tiếp sử dụng đôi chút để tự mình kinh doanh (trong khối kinh tế nhà nước), hoặc cho thuê (trong khối kinh tế ngoài nhà nước). Nhờ đôi chút tài sản được đưa vào nền kinh tế như vậy mà việc giải phóng sức dân được thực hiện như đã thấy.

Kết quả là đất nước đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình (thấp) trên thế giới, nhưng nhiều năm nay đã không đủ lực để thoát ra khỏi “cái bẫy” của loại thu nhập này. Dân chưa giầu là vì chưa được tăng thêm sự tiếp cận với khối tài sản to lớn do Nhà nước đang nắm giữ hoặc đang trực tiếp sử dụng với hiệu quả thấp.

Vậy là, trong khi Nhà nước tiến hành giải phóng sức dân thì chính “sức” Nhà nước với khối tài sản to lớn do làm đại diện chủ sở hữu lại chưa được giải phóng tương xứng, trong đó dễ thấy nhất là:

Thứ nhất, tài sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lên đến nhiều triệu tỷ đồng. Trải qua hơn hai thập kỷ thực hiện chủ trương sắp xếp lại DNNN theo hướng thu hút vốn xã hội theo các phương thức cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê DNNN, nhưng cho đến nay, bán thì chưa được bao nhiêu, khoán thì đếm được trên đầu ngón tay, cho thuê thì không có gì đáng kể.

Riêng cổ phần hóa thì về hình thức, thành tựu được xem là khích lệ vì đã có tới trên dưới 80% tổng doanh nghiệp trong danh sách đã được cổ phần hóa, nhưng về giá trị tài sản thì số cổ phần hóa chỉ đạt trên dưới 10% tổng tài sản DNNN. So với vốn xã hội do sức dân đã được giải phóng thì tài sản DNNN được giải phóng như vậy là quá thấp.

Thứ hai, đất ruộng giao cho hộ nông dân sử dụng theo hạn điền, trong hạn 20 năm, với thị trường đất nông nghiệp quá hạn hẹp. Cả “3 cái hạn đó” đã tỏ rõ sự lạc hậu trên thực tiễn, nhưng vở cũ này vẫn tiếp diễn. Sức dân đã lớn, họ đã xé rào để thử làm vở mới ở nhiều xã, huyện, tỉnh, với kết quả còn chưa được nhân rộng.  

Thứ ba, rừng và đất rừng giao cho hộ làm lâm nghiệp đã không được thực hiện đầy đủ. Trên thực tiễn, tại khu vực miền núi và trung du phía Bắc, dân cần đất và rừng nhưng loại tài sản này đã từ chối dân. Nhiều vạn người đã tự phát di cư vào Tây nguyên để tự kiếm rừng và đất rừng làm nông lâm nghiệp. Rừng tự nhiên trên cả nước đã bị xóa về căn bản.  

Sức kinh tế của tài sản rừng và đất rừng đã suy giảm và tiếp tục bị ngăn cách với thị trường, nhưng lại thích hợp với “thị trường đen”, vượt qua cả lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng.   

Thứ tư, đất ở đối với trên 20 triệu hộ gia đinh nông thôn và đô thị được bao cấp (giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài theo hạn mức và không phải trả tiền) phù hợp với các tầng lớp dân nghèo. Nay tầng lớp giầu và trung lưu đang tăng nhanh, họ có nhu cầu nhiều hơn về đất để xây biệt thự, nhà ở khang trang.

Do Nhà nước không đáp ứng cho nhu cầu này, họ đều phải tìm đến các loại “cò đất”. Ở đó, đất nông nghiệp được Nhà nước thu hồi với giá đền bù phi thị trường để giao cho đơn vị kinh doanh bất động sản. Những đơn vị này tiến hành phân lô bán nền theo giá thị trường với mức cao gấp trăm lần so với giá đền bù.

Từ đây, nhiều đại gia xuất hiện với bước đi đầu tiên là kinh doanh bất động sản, trong khi Ngân sách nhà nước chỉ thu được một lượng không đáng kể từ những phiên bản “phân lô bán nền” thiên biến vạn hóa.

Thứ năm, đất để đổi lấy công trình ra đời từ những năm đầu của thời kỳ Đổi Mới. Phương thức kinh tế hiện vật này thích hợp khi cả hai bên (Nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nươc) đều còn đuối sức về tài chính. Nhưng từ sau những năm 2000, sức tài chính của dân và nhà nước đều đã tăng lên nhiều lần so với đầu kỳ Đổi Mới, nên phương thức đổi đất lấy công trình đáng lẽ phải được kết thúc sớm ngay trong thập niên đó.

Nhưng tới nay, vở cũ này vẫn tiếp diễn làm cho đất đai tuy được chu chuyển trong nền kinh tế, nhưng giá trị đầy đủ của nó lại rơi vào hầu bao của các nhóm lợi ích khi giá đất được kìm rất thấp, trong khi giá công trình lại được kích lên tăng vọt. Tài sản đất đai bị “ăn cắp” tại mỗi công trình đổi đất này nhỏ là vài ha, lớn là hàng trăm ha tức là ngang bằng đất của cả một xã ở đồng bằng sông Hồng.

Ngoài những thứ dễ thấy trên đây thì còn nhiều thứ khó thấy chưa nêu được. Tuy nhiên, tựu trung lại, sức Nhà nước về mặt tài sản (do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu) hiện đang như nước đã tích đầy hồ đập thủy điện. Không thể tiếp tục để tồn đọng hoặc thất thoát thêm, đã tới lúc nước trên đập cần được giải phóng, xả vào đúng nơi cần xả, đó là các tuyếc bin đang khát nước để phát điện cung cấp năng lượng dồi dào cho nền kinh tế.

Vở mới 

Việc tìm vở mới cho giải phóng sức Nhà nước tương xứng với giải phóng sức dân không hề dễ dàng. Tuy nhiên, thật may mắn, chính hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam đã tạo ra những điều kiện cần và đủ để tìm ra vở mới này.

Những điều kiện đó đã được tích tụ suốt nhiều thập kỷ qua, nay đã chín muồi để vở mới sẵn sàng được công diễn. Trong đó, điều kiện cốt yếu nhất là sự khẳng định và thực hiện nhất quán định chế tổng thể của nền Chính trị - Kinh tế - Xã hội nước ta, đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Nhà nước “quản lý” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, đó là Nhà nước “kiến tạo”. Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.

Vậy yêu cầu này cần được đáp ứng bằng kiến tạo nào? Nội dung này xin được trình bày tại phần sau.

TS. Đinh Đức Sinh 

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn 

Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:

“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”

“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”

"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.

Vượt trần thể chế

Vượt trần thể chế

Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.

Vì Việt Nam hùng cường, cần gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân

Vì Việt Nam hùng cường, cần gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân

Nhìn lại suốt quá trình lịch sử, kinh tế đất nước cứ khi nào phát triển là luôn gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, hoặc ngược lại.

Thể chế nào, doanh nghiệp đó

Thể chế nào, doanh nghiệp đó

Cứ khi nào Nhà nước cởi trói, trao quyền cho người dân, thay vì hạn chế, bao cấp cho họ, sẽ luôn huy động được nguồn lực khổng lồ về tài chính và trí tuệ cho phát triển.