Hai hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA và CPTPP đang ở rất gần sau hàng loạt các động thái tích cực của tất cả các bên. 

EVFTA đang ở trước mặt 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN, chỉ sau Singapore, với giao thương hàng hóa trị giá 47.6 tỉ Euro và thương mại dịch vụ ở mức 3.6 tỉ euro một năm. Trong khi đầu tư của Châu Âu vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn là 8.3 tỉ euro trong năm 2016. Ngày càng có nhiều các công ty Châu Âu được thành lập tại Việt Nam biến nơi đây thành một trung tâm vùng phục vụ cho khu vực Mekong. Nhập khẩu chủ yếu của EU từ Việt Nam là các thiết bị viễn thông, hàng may mặt và sản phẩm thực phẩm. EU xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam các thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và các sản phẩm nông nghiệp.

Hoạt động kinh tế và đầu tư giữa hai bên được hiy vọng sẽ kích lên tầm cao khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn.

 Ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu 2019.

Ủy ban Châu Âu sẽ sớm đệ trình lên Hội đồng Châu Âu đề xuất về việc ký kết và hoàn tất hai hiệp định. Ngay khi Hội đồng Châu Âu có ủy quyền, hai hiệp định này sẽ được ký kết và sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Ngay khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định, Hội đồng Châu Âu sẽ kết thúc tiến trình đối với Hiệp định Tự do Thương mại và đưa hiệp định đi vào thực thi. Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam sẽ được các Quốc gia Thành viên phê chuẩn tuân thủ theo các quy trình nội tại của mỗi nước.

Đây là một trong những kết quả trong chương trình hoạt động dày đặc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Châu Âu với các cuộc làm việc với các đối tác song phương và Lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Chiều ngày 17/10, Uỷ ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi Uỷ ban châu Âu thông qua EVFTA, đầu giờ chiều 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA, và ông Antoni Tajani, Chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu bày tỏ vui mừng trước việc EVFTA đã được Uỷ ban châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani nhấn mạnh, EP sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019, khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.

Chủ tịch Antonio Tajani cũng khẳng định EP ủng hộ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam đồng thời hoan nghênh hợp tác đa phương và phối hợp giữa EU và Việt Nam trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh, tránh leo thang căng thẳng, tôn trọng lợi ích của các bên ở Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế. 

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani. Ảnh: VGP

Việc Ủy ban châu Âu thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

Hàng loạt cam kết về mở cửa thị trường

Hiệp định Tự do Thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa hai phía. Hiệp định Tự do Thương mại có những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh với biến đổi khí hậu, với tham chiếu rõ ràng tới Hiệp ước Paris. 

Hiệp định Tự do Thương mại sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía. Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được giỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm xét tới thực tế là Việt Nam là nước đang phát triển. Hiệp định Tự do Thương mại có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ô tô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIs) cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của  châu Âu tại Việt Nam, ví dụ như các GIs như là rượu vang Rioja hay pho mai Roquefort. Thông qua hiệp định tự do thương mại, các công ty EU sẽ có thể tham gia một cách bình đẳng với các công ty trong nước (của Việt Nam) trong các gói thầu mua sắm (chính phủ)  của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Việt Nam.

Cùng với việc tạo ra các cơ hội kinh tế quan trọng, Hiệp định Tự do Thương mại cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững phải đi song hành, hiệp định đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm đảm bảo là sẽ không có "cuộc đua tới đáy" nhằm thu hút thương mại và đầu tư. Hiệp định tự do thương mại ràng buộc hai bên phải tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền lao động căn bản; hiệp định ràng buộc các bên thực thi các hiệp ước quốc tế về môi trường như Hiệp ước Paris; các bên phải có hành động trong việc bảo tồn và quản lý bền vững động thực vật hoang dã, đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; đồng thời các bên phải cho phép xã hội dân sự tham gia vào quá trình giám sát việc hai bên thực thi những cam kết này.

Hiệp định Tự do Thương mại có kết nối về pháp lý và thể chế với Hiệp định Hợp tác và Đối tác Việt Nam – EU, cho phép có hành động thích hợp nếu xuất hiện các vi phạm về quyền con người.

Cùng với Hiệp định đạt được gần đây với Singapore, hiệp định này sẽ tạo nên những bước tiến xa hơn nữa, đặt ra các tiêu chuẩn và quy định cao tại khu vực ASEAN, giúp chuẩn bị cho hiệp định về thương mại và đầu tư giữa hai khu vực trong tương lai.

CPTPP đang đến rất gần

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào tuần tới,  Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.

Có hàng loạt các cam kết rất cởi mở với chế tài cao trong nhiều lĩnh vực này. Chẳng hạn, trong Chương Thương mại Điện tử và Viễn thông của CPTPP quy định như sau, Việt Nam và các bên cam kết những vấn đề chính như đảm bảo quyền tự do lưu chuyển, lưu trữ thông tin mà ko bị kiểm soát, ngăn chặn (trừ liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội); không đánh thuế vào các giao dịch điện tử xuyên biên giới; không bắt buộc đặt máy chủ tại một địa điểm xác định, kể cả lãnh thổ nước mình

Như vậy, có những quy định, luật pháp ở Việt Nam có lẽ phải sửa đổi để tương thích với các cam kết đó.

Đã có hàng loạt quốc gia thành viên CPTPP đặt hiệp định này vào lịch trình xây dựng pháp luật.

Ngày 17/10, Thượng viện Australia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Như vậy Australia trở thành quốc gia thứ tư phê chuẩn Hiệp định này.

Gần như cùng ngày, Hạ viện Canada cũng đã thông qua dự luật C-79 về việc gia nhập CPTPP. Dự luật này cần trình lên Thượng viện thông qua thì mới hoàn tất thủ tục pháp lý

Việt Nam và New Zealand cũng đang tích cực chuẩn bị các bước trình Quốc hội nước mình phê chuẩn.

Như vậy là chưa biết là 2 nước nào trong số 3 nước Canada, Việt Nam và New Zealand sẽ là quốc gia thứ 5 và thứ 6 phê chuẩn CPTPP để Hiệp định này chính thức có hiệu lực. Hiệp định này có hiệu lực 60 ngày sau khi nước thứ 6 phê chuẩn và hoàn tất thủ tục thông báo.

Tư Giang

EVFTA hi vọng được thông qua vào tháng Ba tới

EVFTA hi vọng được thông qua vào tháng Ba tới

Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – EU (EVFTA) hi vọng sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua vào tháng Ba năm 2019, theo Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu.

Những đòi hỏi từ EVFTA

Những đòi hỏi từ EVFTA

Việt Nam cần làm những gì để đảm bảo lợi ích và hiệu quả của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)?

Ngay từ đầu Việt Nam đã mở toang, thông thoáng hết mức

Ngay từ đầu Việt Nam đã mở toang, thông thoáng hết mức

Chính sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo ra một bước tiến dài của hành trình Đổi mới đất nước, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu muốn tạo ra Alibaba, Weibo, Việt Nam phải vươn ra toàn cầu

Nếu muốn tạo ra Alibaba, Weibo, Việt Nam phải vươn ra toàn cầu

Muốn sớm có hệ sinh thái điện tử, hãy bắt đầu từ cách nghĩ của thời 4.0.

Đã đến lúc Việt Nam định vị mình là ‘cường quốc hạng trung’?

Đã đến lúc Việt Nam định vị mình là ‘cường quốc hạng trung’?

Theo các học giả, có bốn cách cơ bản để xác định một quốc gia có thể được coi là một cường quốc hạng trung hay không: định lượng, chức năng, hành vi, và bản sắc.  

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam

Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.