Cuộc gặp của Thủ tướng với đại diện doanh nghiệp với những quyết tâm hành động sẽ là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

Trong ngày 17/5 vừa qua, phần lớn những khuôn mặt quan trọng nhất của Chính phủ đã gặp mặt với đại diện của hàng nghìn doanh nghiệp, trong cuộc trao đổi nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Hà Nội. Đó là buổi làm việc hiếm có, nếu xét về thời gian kéo dài từ đầu giờ sáng cho đến tận 2g chiều.

{keywords}

Thủ tướng và các Phó thủ tướng trao đổi tại Hội nghị sáng 17/5. Ảnh: Tiến Tuấn - Newszing

Nhưng tất nhiên, thời gian không quan trọng bằng hiệu quả của cuộc gặp giữa Thủ tướng với đại diện doanh nghiệp lần 2 trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ. Trong một ngày thời tiết âm u ở Hà Nội, những chia sẻ thẳng thắn từ doanh nghiệp, những quyết tâm hành động ngay tại chỗ (Chỉ thị 20 về quy định không được thanh tra quá 1 lần/năm với doanh nghiệp được Thủ tướng ký ngay buổi họp) khiến người ta có lý do để kỳ vọng vào phát biểu của Thủ tướng rằng “Bình minh đang đến với nước ta”.

Kỳ vọng đó xuất phát từ kết quả của chính cuộc gặp lần 1 diễn ra vào năm ngoái, với những lời hứa được chính phủ thực hiện thông qua Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Chỉ tính riêng về doanh nghiệp, cả năm 2016 số doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới đạt 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015, với 891,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 48,1%. Số vốn đăng ký trung bình trên một doanh nghiệp tăng đáng kể ở mức 27,5% và đạt 8,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Đây là con số rất đáng khích lệ, đặc biệt sau một năm sóng gió với thảm hoạ môi trường biển và đại hạn thế kỷ ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, cùng với những cú “sốc” bên ngoài như sự “chung chiêng” của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định không tham gia.

Nhưng tất nhiên, những căn nguyên kìm hãm nền kinh tế phát triển không thể nhanh chóng mất đi chỉ sau một năm.

Những rào cản cho tăng trưởng trong dài hạn, vốn đã được nêu ra từ nhiệm kỳ trước, vẫn còn đó. Cải cách DNNN vẫn chưa có nhiều biến chuyển, chi thường xuyên tăng và thâm hụt ngân sách vẫn cao, trong khi môi trường kinh doanh dù được cải thiện vẫn còn rất kém.

Trong xếp hạng Doing Business 2017 của World Bank, Việt Nam đứng thứ 82, tăng được 9 bậc, nhưng vẫn ở mức trung bình dưới ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, chúng ta có ba chỉ số đứng gần đội sổ: thủ tục đăng ký kinh doanh (121/190), nộp thuế (167/190), và thủ tục phá sản (125/190), không mấy được cải thiện trong những năm qua. Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2017 (CPI 2017) của Việt Nam, vốn đánh giá nhìn nhận của người dân về tính minh bạch của hệ thống công quyền, xếp hạng 113/176.

Thách thức cho nền kinh tế vào năm 2017 cũng vẫn không ít. Mặc dù số doanh nghiệp tăng, nhưng tăng trưởng lao động trong năm 2016 vẫn suy giảm trong cả ba khối nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng lao động khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI lần lượt đạt 1,8% và 4,9%; giảm tương ứng từ 4,6% và 8,0% năm 2015. Điều đó đặt ra vấn đề về tăng cường hiệu quả hoạt động thực chất của những doanh nghiệp mới đăng ký.

Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi hai nghị quyết này. Nói như đại diện một số doanh nghiệp, họ tin vào quyết tâm của chính phủ, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khiến cho nhiều chủ trương tốt trên thực tế lại không thực hiện được.

{keywords}

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Phúc - VietnamNet.

Nói vậy để thấy hội nghị Diên Hồng lần 2 này có ý nghĩa hết sức quan trọng để chính phủ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm tạo ra bệ phóng thực sự cho doanh nghiệp tư nhân như nghị quyết từ Hội nghị Trung ương V vừa nêu.

Những lời phàn nàn, kêu cứu của doanh nghiệp với Chính phủ tại hội nghị cũng rất cần thiết, cần hơn nhiều so với những lời phải phép “có cánh” thường được nghe trong nhiều cuộc đối thoại khác với cơ quan công quyền.

Tinh thần cầu thị lắng nghe, thậm chí xử lý ngay lập tức những vấn đề được nêu ra, từ chính phủ cho thấy quyết tâm của một chính phủ hành động thực sự. Đó là yếu tố quyết định, bởi kiến tạo môi trường kinh doanh là một hành trình dài, không thể xong chỉ trong ngày một ngày hai.

Chính vì thế, phải có ý chí quyết tâm và kiên nhẫn mới nhận diện rõ những vấn đề dài hạn và đưa ra giải pháp. Nôn nóng và không có quyết tâm, chúng ta sẽ chỉ có những miếng vá chính sách theo kiểu hở đâu bịt đó, thay vì một chiến lược dài hơi nhằm “kiến tạo” môi trường cho doanh nghiệp phát triển.

Hành trình dù dài đến đâu cũng có những bước khởi đầu. Cuộc gặp của Thủ tướng với đại diện cộng đồng doanh nghiệp lần 2 với những quyết tâm hành động từ cả chính phủ và doanh nghiệp, có thể sẽ là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

Khắc Giang