Có rất nhiều điều trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ giữa con người, có thể cải thiện, tốt đẹp lên nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, hành động.

Cho đến đầu tuần này, dư âm cuộc tranh luận xung quanh đề thi ngữ văn “thấu cảm” vẫn chưa dứt. Tuy nhiên, bỏ qua những vấn đề về cách dùng từ “thấu cảm” liệu có chính xác, có thuần Việt, cách giải thích thuật ngữ của tác giả đã thuyết phục, hay liệu vấn đề này có xứng đáng đưa vào một đề thi quốc gia…, đề văn nhắc nhở chúng ta về một điều rất đáng lưu tâm. Đó là “khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ”.

Đặt mình vào vị trí người khác mà nhìn nhận, hành động, việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, đó là những “khẩu hiệu” có thể nghe rất quen tai trong đời sống chúng ta, nhưng dường như trong thực hành lại hay bị lãng quên. Rất nhiều câu chuyện thời sự, được dư luận quan tâm minh chứng cho điều này.

Gần gũi nhất với chúng ta như vấn nạn thực phẩm bẩn. Hầu như chúng ta đón nhận tin tức mới hàng ngày, nào măng ngâm lưu huỳnh, bún phở có chất tẩy, giò hàn the, tôm bơm tạp chất, mít giấm hóa chất, rượu chứa cồn công nghiệp gây chết người, thịt lợn có chất tạo nạc Sabutamol… Danh sách ngày càng dài ra. Cùng với đó là những tin tức về bệnh ung thư cũng ngày thêm dày đặc mà chắc chắn không thể thiếu sự tiếp tay của thức ăn độc hại.

Không thể không đặt câu hỏi tại sao những người sản xuất, chế biến thực phẩm lại sẵn sàng chà đạp lên sức khỏe, mạng sống của người khác để kiếm lời. Khi làm như vậy, họ đã bao giờ đặt mình vào người khác để hình dung những nguy cơ, nỗi đau đồng bào mình phải gánh chịu?

{keywords}
Ảnh minh họa

Một thí dụ khác là chuyện hành xử của chúng ta trên mạng. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, một không gian thảo luận rộng rãi đã được mở ra, giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận và trao đổi những ý kiến đa chiều. Xong bên cạnh đó, rất nhiều khi sự thái quá, hung hăng khiến cho ý kiến, tranh luận của một số người trở thành sự công kích, quy chụp thậm chí chửi bới cá nhân, mà trong đó không ít trở thành cơn sóng đè ụp mọi hi vọng muốn phản biện lại.

Ai cũng biết mạng ảo nhưng con người là thực. Đằng sau mỗi tài khoản Facebook tưởng như vô hình là một con người với những cảm xúc, suy nghĩ. Đúng như một số người đã chỉ ra, nếu như đứng trước mặt bạn là một người bằng xương, bằng thịt bạn có dễ thốt ra những lời lẽ nặng nề, cay nghiệt? Vậy tại sao điều đó lại trở nên dễ dàng, thanh thản chỉ bởi vì bạn không đối mặt họ trực tiếp mà thay vào đó là qua giao tiếp trên nền tảng công nghệ.

Một lần nữa, nếu biết đặt mình vào vị trí người khác, liệu chúng ta có buông thả để mình phán xét, thóa mạ người khác ngay cả khi thiếu thông tin căn bản, toàn diện? Nếu đặt mình vào những người tổn thương đến mức trầm cảm, bế tắc thậm chí muốn tự tử vì những lời lẽ đó, chúng ta có thoải mái cho mình cái quyền “người phán xử” tối cao trên mạng?

Một câu chuyện nữa đáng quan tâm là thói vô cảm đang len lỏi trong đời sống, và sẽ trở nên lấn át nếu chúng ta không thức tỉnh đối diện với nó. Trong một bài viết, nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng cảnh báo: “đời sống vật chất của người dân chúng ta đã được cải thiện gấp trăm lần so với nửa thế kỷ trước”, nhưng “Có một điều mà tôi tin mọi người đều nhận thấy là sự vô cảm đang tăng lên, sự độc ác đang tăng lên”.

{keywords}
Hàng trăm người xông vào cướp bia trong sự bất lực của tài xế. Ảnh: Tuổi trẻ

Những vụ hôi của chẳng hạn, cũng là biểu hiện rất rõ của thói vô cảm, chẳng những không cứu giúp người gặp nạn, một đám đông lại nhào vào tranh cướp đồ, nào là những lon bia, nào là những thùng dầu, nào là hàng hóa… từ những chiếc ô tô bị lật. Lại có cả những người đang tâm lấy trộm đồ của người tai nạn giao thông.

Nếu từng người trong đám đông đó biết dừng lại để đặt mình vào những mất mát, thiệt hại của những người kém may mắn, liệu họ có hành động thiếu suy nghĩ và vô cảm như vậy? Hay là thay vào đó sẽ chung tay giúp đỡ, như lẽ phải, lương tâm đòi hỏi?

Có rất nhiều điều trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ giữa con người có thể cải thiện, tốt đẹp lên nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, hành động, để hiểu thấu những nỗi buồn, sự mất mát mà người khác phải gánh chịu. Qua đó, bản thân mỗi người cũng sẽ hoàn thiện và tốt lành hơn, nhìn con người bao dung và nhân ái hơn.

Thủy Nguyệt